Thứ Bảy, 18/07/2020 09:42

Tuyển thầu làm nhà máy điện: Hầu hết ông chủ Trung Quốc mua hồ sơ

Khi chủ đầu tư phát hành hồ sơ mời thầu thực hiện dự án nhiệt điện, hầu hết nhà thầu mua hồ sơ là từ Trung Quốc.

Nhà thầu Trung Quốc dồn dập nộp hồ sơ

Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực vừa có báo cáo cập nhật tình hình thực hiện các dự án điện tại quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Với các dự án của Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV), Ban chỉ đạo cho biết có hai dự án đang chuẩn bị các bước đầu tư là dự án nhiệt điện Na Dương II và Dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1.

Với Dự án nhà máy nhiệt điện Na Dương II (110 MW), báo cáo cho hay ngày 6/1/2020, chủ đầu tư là TKV đã phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu EPC dự án. Thời gian đóng thầu là ngày 8/4/2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và theo đề nghị của một số nhà thầu mua hồ sơ, chủ đầu tư đã gia hạn thời gian đóng thầu lần 1 đến ngày 6/5/2020 và lần 2 đến ngày 10/6/2020.

“Đến nay, đã có 16 nhà thầu mua hồ sơ mời thầu, hầu hết là nhà thầu Trung Quốc”, báo cáo nêu.

Nhà đầu tư Trung Quốc muốn làm nhiệt điện ở Việt Nam. Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, việc thực hiện các gói thầu đảm bảo tuân thủ theo các quy định hiện hành và cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ theo tình hình thực tế của dự án.

Với Dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (2x600 MW), TKV đã tiến hành thông báo mời rộng rãi tới các nhà đầu tư quan tâm trên trang web của tập đoàn từ ngày 10/2/2020. Thời hạn nộp hồ sơ quan tâm trước 16h ngày 10/3/2020. Tuy nhiên, cũng do ảnh hưởng của đại dịch và theo đề nghị của một số nhà đầu tư, TKV đã gia hạn thời gian nộp hồ sơ quan tâm dự án đến 16 giờ ngày 31/3/2020.

Đến 16 giờ ngày 31/3/2020, TKV đã nhận được 8 bộ hồ sơ quan tâm, trong đó có 7 nhà đầu tư Trung Quốc và 1 nhà đầu tư Việt Nam.

TKV đang tổ chức đánh giá hồ sơ quan tâm của nhà đầu tư, dự kiến sẽ sớm báo cáo Chính phủ kết quả tìm kiếm nhà đầu tư và phương án triển khai dự án. Trường hợp lựa chọn được các nhà đầu tư và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận vào cuối năm 2020, dự án có thể hoàn thành, đưa vào vận hành năm 2026-2027.

Nhiều dự án bế tắc vì Covid-19

Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực về tình hình thực hiện các dự án điện cho thấy nhiều dự án nguồn điện vẫn đang gặp khó khăn về tiến độ.

Đứng đầu là dự án nhiệt điện Long Phú 1 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Đến nay dự án đạt khoảng 77,56% và tiến độ này không thay đổi kể từ tháng 3/2019, tức hơn 1 năm trước.

Nhiệt điện tỷ đô Long Phú 1 đối mặt tình huống nhà thầu Nga bị Mỹ cấm vận nên phải dừng công việc

Dự án vẫn chưa xác định được tiến độ khả thi do nhà thầu Power Machines không tiếp tục thực hiện hợp đồng EPC vì không giải quyết được các khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của cấm vận, các đề xuất của Power Machines đối với PVN xem xét phương án cấu trúc lại, tăng giá và nhiều điện khác... không phù hợp với quy định của Hợp đồng EPC hoặc chấm dứt thực hiện hợp đồng EPC.

PVN đang phối hợp với Bộ Công Thương và báo cáo thành lập Tổ công tác Chính phủ để hỗ trợ đàm phán phương án triển khai dự án tiếp theo, với sự tham gia của nhà thầu Power Machines.

Với dự án nhiệt điện Thái Bình 2, dự kiến tiến độ vận hành thương mại tổ máy 1 vào tháng 2/2022 và tổ máy 2 vào tháng 5/2022.

Dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 đã cơ bản hoàn thành công tác thiết kế, mua sắm. Tổng tiến độ của dự án đạt hơn 84%.

Ngoài ra, các dự án nhiệt điện BOT cũng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đó là dự án nhiệt điện Hải Dương không được nhập cảnh lao động nước ngoài, dự án Duyên Hải 2 phát sinh sự kiện bất khả kháng phi Chính phủ do sự bùng phát của đại dịch; dự án Nghi Sơn 2 cũng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh; dự án Vân Phong 1 cũng tương tự.

Còn các dự án IPP đều bị chậm tiến độ do nhiều lý do khách quan và chủ quan, như không thu xếp được tài chính (nhiệt điện An Khánh Bắc Giang, Công Thanh); nguy cơ không có đường dây đấu nối (cụm thủy điện Pacma, Nậm Củm 4). Dự án thủy điện Hồi Xuân hiện nay đã thay đổi thông số thực tế gần như toàn bộ so với các thông số nêu trong Hợp đồng mua bán điện ngày 17/5/2020. Tổng mức đầu tư dự án tăng lên do đó phải đàm phán lại giá điện.

Tại hội thảo lần đầu góp ý cho Quy hoạch điện 8, Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng: Nhiều dự án nguồn điện trong quy hoạch điện 7 điều chỉnh không đạt tiến độ đã hưởng đến việc cung ứng điện cho giai đoạn tới. Việt Nam đang phải đối mặt khó khăn là từ nay đến 2025, nếu không có giải pháp cấp bách nào khác, chúng ta sẽ thiếu điện rất trầm trọng, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội.

Lương Bằng

Vietnamnet

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp khó khăn, người lao động tiếp tục mất việc (18/07/2020)

>   Phó thủ tướng: 'Giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc Nam là khâu khó nhất' (17/07/2020)

>   Đến lượt xe nhập khẩu tặng khách 50% phí trước bạ (17/07/2020)

>   4 lần giành vị trí Quán quân Top 50 công ty niêm yết tốt nhất và bí quyết của Thế giới Di động (17/07/2020)

>   Đua lắp điện mặt trời trên mái nhà xưởng (17/07/2020)

>   TP.HCM gặp khó về nhân lực xây dựng đô thị thông minh (17/07/2020)

>   Thủ tướng: Nỗ lực tăng trưởng, không để doanh nghiệp phá sản (16/07/2020)

>   Doanh nghiệp Việt tìm cách tăng xuất hàng qua Mỹ (16/07/2020)

>   5 phút chỉ khai thác tối đa 1 chuyến bay trục Hà Nội - TP.HCM (16/07/2020)

>   Doanh nghiệp 'than' chật vật khi tiếp cận các chính sách hỗ trợ (16/07/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật