Thứ Sáu, 10/07/2020 11:00

Top 10 cổ phiếu niêm yết khiến nhà đầu tư buồn lòng nhất 6 tháng đầu năm 2020

Nền kinh tế hứng chịu cơn địa chấn mang tên Covid-19 trong năm 2020. Hàng loạt mã từ Large Cap, Mid Cap hay Small & Micro Cap đều sụt giảm chóng vánh. Cùng Vietstock điểm lại những cổ phiếu niêm yết giảm giá nhiều nhất sau nửa đầu năm.

CTCP Xây dựng FLC Faros (HOSE: ROS)

Cổ phiếu ROS bất ngờ lao dốc từ cuối năm 2019 và nối dài sang năm 2020. Sau 6 tháng đầu năm, ROS sụt giá tới 83%, hiện chỉ còn được giao dịch quanh mức “trà đá ” 3,000-4,000 đồng/cp.

Về tình hình kinh doanh, ROS báo lãi quý 1 chưa tới nửa tỷ đồng, thấp nhất kể từ khi niêm yết.

Một điểm đáng chú ý nữa trong đầu năm 2020 là việc ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục bán ra hàng chục triệu cổ phiếu ROS và từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT. Bà Hương Trần Kiều Dung đã được bổ nhiệm làm tân Chủ tịch HĐQT tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 diễn ra vào hồi đầu tháng 5.

Cùng với AMD, ROS dự kiến sẽ sáp nhập vào GAB trong thời gian tới. Điều này đang được nhiều nhà đầu tư và đặc biệt là cổ đông của 3 doanh nghiệp này đặc biệt quan tâm.

Diễn biến giá cổ phiếu ROS từ đầu năm 2020 đến nay

CTCP Tập đoàn MBG (HNX: MBG)

Không còn những phiên tăng trần miên man, cổ phiếu MBG giờ đây chỉ còn là cái bóng của chính mình trong năm 2019. Sau nửa đầu năm 2020, MBG sụt giá đến 74%, đang được giao dịch quanh mức hơn 5,000-6,000 đồng/cp.

Về kế hoạch kinh doanh, MBG đặt mục tiêu doanh thu thuần 800 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 25 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và 20% so với năm 2019. Sau quý đầu tiên, Công ty ghi nhận đã thực hiện gần 166 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 13 tỷ đồng lãi sau thuế.

Diễn biến giá cổ phiếu MBG từ đầu năm 2020 đến nay
Nguồn: VietstockFinance

CTCP Bất động sản và Đầu tư VRC (HOSE: VRC)

Giá cổ phiếu VRC đã rơi tự do ngay trong tháng 1/2020. Kết thúc 6 tháng đầu năm, cổ phiếu này ghi nhận mức giảm giá 62% về còn 6,440 đồng/cp (chốt phiên 30/06).

Công ty đặt kế hoạch cả năm đem về doanh thu và thu nhập khác 4 tỷ đồng, lãi trước thuế 1.5 tỷ đồng. Đây là kế hoạch thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Quý 1/2020, VRC chỉ lãi ròng vỏn vẹn 329 triệu đồng, thấp nhất trong 12 quý (kể từ quý 2/2017).

Giải thích về việc đặt kế hoạch khiêm tốn, ban lãnh đạo của VRC cho biết nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đến lĩnh vực bất động sản và M&A. Gần như tất cả các hoạt động đầu tư của các  công ty/tổ chức nước ngoài vào  Việt Nam bị ngưng trệ. Trong khi đó, những khó khăn về thủ tục pháp lý dự án vẫn tiếp diễn, dòng vốn trên thị trường còn hạn chế. Công ty không dự kiến nguồn thu từ việc chuyển nhượng khoản đầu tư; doanh thu và các khoản thu nhập (dự kiến 4 tỷ đồng) hoàn toàn đến từ việc thu theo tiến độ các nền đất đã chuyển nhượng.

Diễn biến giá cổ phiếu VRC từ đầu năm 2020 đến nay
Nguồn: VietstockFinance

CTCP Tập đoàn Thành Nam (HOSE: TNI)

Cổ phiếu TNI bất ngờ suy yếu trong tháng 6/2020 với hàng loạt phiên nằm sàn. Theo đó, thị giá bốc hơi 60% sau nửa đầu năm về còn 4,290 đồng/cp (chốt phiên 30/06).

Cổ đông TNI đã thông qua kế hoạch doanh thu năm 2020 ở mức 1,404 tỷ đồng, giảm 23%; kế hoạch lãi sau thuế 18 tỷ đồng, xấp xỉ kết quả năm 2019. Trong quý 1, Công ty ghi nhận tổng doanh thu gần 334 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 3.4 tỷ đồng, lần lượt giảm 17% và 34% so cùng kỳ.

Ban lãnh đạo cũng dự báo tình hình kinh doanh gặp khó bởi ảnh hưởng dịch Covid-19. Ngành thép trong nước tiếp tục đối mặt với thách thức do sự ngưng trệ các ngành sản xuất sử dụng thép công nghiệp xây dựng, cơ sở hạ tầng.

Diễn biến giá cổ phiếu TNI từ đầu năm 2020 đến nay
Nguồn: VietstockFinance

CTCP Tech - Vina (HNX: CET)

CET là doanh nghiệp chuyên sản xuất, chiết xuất các sản phẩm hương liệu tự nhiên; sản xuất nước hương liệu chưng cất; bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống;…

Công ty dự kiến thua lỗ 3 tỷ đồng trong năm 2020 (năm 2019 lỗ 1.1 tỷ đồng). Ban lãnh đạo cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và lịch hoãn các hội thảo quốc tế, Công ty sẽ tăng cường sử dụng các công cụ online trong kết nối với đối tác và khách hàng.

Trên sàn HNX, cổ phiếu CET ghi nhận giảm giá 54% sau 6 tháng đầu năm.

Diễn biến giá cổ phiếu CET từ đầu năm 2020 đến nay
Nguồn: VietstockFinance

CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà đất COTEC (Cotecland, HOSE: CLG)

Với nhiều tồn đọng còn lại trong năm 2019, cùng với những khó khăn chung của thị trường do dịch bệnh Covid-19, năm 2020 CLG đặt mục tiêu kinh doanh khiêm tốn với gần 2 tỷ đồng lãi sau thuế.

Mới đây, cổ phiếu CLG đã bị đưa vào diện kiểm soát kể từ ngày 12/05/2020. Cụ thể, cổ phiếu CLG sẽ bị hạn chế về thời gian giao dịch khi chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM cho biết, căn cứ giải trình của Công ty, Sở sẽ thông báo về việc cổ phiếu được giao dịch toàn thời gian trở lại dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát.

Nguyên nhân khiến CLG rơi vào diện kiểm soát là do lãi ròng năm 2019 ghi nhận âm 208 tỷ đồng và lãi sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2019 âm 201 tỷ đồng. Đồng thời, phía kiểm toán có ý kiến ngoại trừ và nhấn mạnh, nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của CLG.

Thị giá CLG ghi nhận “bốc hơi” 51% sau nửa đầu năm 2020.

Diễn biến giá cổ phiếu CLG từ đầu năm 2020 đến nay
Nguồn: VietstockFinance

CTCP Đạt Phương (HOSE: DPG)

Một cổ phiếu bất động sản cũng suy yếu trong 6 tháng đầu năm 2020 là DPG, với mức sụt giá 44%.

DPG đặt mục tiêu 2,382 tỷ đồng doanh thu thuần và 229 tỷ đồng lãi sau thuế cho năm 2020, tương ứng tăng gần 21% về doanh thu và tăng nhẹ 3% về lãi sau thuế so với kết quả năm 2019.

Ban lãnh đạo cho biết, kinh doanh bất động sản vẫn là mảng kinh doanh chính mang lại lợi nhuận cho Công ty trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Công ty dự kiến tiếp tục bán 79 căn biệt thự và bàn giao cho khách hàng đã mua tại Khu đô thị Võng Nhi (15.6ha). Bên cạnh đó, DPG tiếp tục đầu tư xây dựng các dự án bất động sản khác như Khu đô thị dịch vụ Đồng Nai (6.4ha), Khu đô thị Nồi Rang (19.3 ha), Khu đô thị Cồn Tiến (30ha), Khu đô thị  Bình Dương (183ha)… đồng thời ưu tiên công tác đền bù để giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch.

Năm 2019, DPG chỉ thực hiện được 70% kế hoạch doanh thu và 44% kế hoạch lợi nhuận đề ra. Ban lãnh đạo giải trình điều này là do lĩnh vực xây lắp của Công ty vẫn ảm đạm, lĩnh vực thủy điện bị ảnh hưởng thời tiết kéo doanh thu và lợi nhuận sụt giảm. Trong khi đó, hoạt động chính là bất động sản cũng gặp khó do chính sách siết chặt tín dụng cùng những thông tin bất lợi xuất hiện trên thị trường như Cocobay Đà Nẵng hay Địa ốc Alibaba.

Diễn biến giá cổ phiếu DPG từ đầu năm 2020 đến nay
Nguồn: VietstockFinance

CTCP Đầu tư MST (HNX: MST)

Thêm một mã trong lĩnh vực xây dựng bị sụt giá mạnh. MST ghi nhận giảm giá 42% sau 6 tháng đầu năm 2020, chủ yếu rơi vào tháng 1 đến tháng 4.

Trong năm nay, Công ty dự kiến đạt 150 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 12 tỷ đồng, lần lượt tăng 147% và 29% so với năm 2019. Ban lãnh đạo nhận định 2020 là năm khó khăn của cả nền kinh tế, định hướng của MST là giữ vững những kết quả năm 2019, triển khai các dự án đã và đang thực hiện, chuẩn bị pháp lý các dự án có quỹ đất để làm nền tảng cho năm 2021.

Diễn biến giá cổ phiếu MST từ đầu năm 2020 đến nay
Nguồn: VietstockFinance

CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (HOSE: AST)

Ảnh hưởng của dịch Coivd-19 đến doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ hàng không như AST là hết sức rõ ràng. Riêng trong quý 1, doanh thu thuần và lãi ròng của AST chỉ đạt 196 tỷ đồng và 14 tỷ đồng, lần lượt giảm 21% và 71% so cùng kỳ. Đây cũng là kết quả kinh doanh quý thấp nhất kể từ khi niêm yết.

Đà giảm của cổ phiếu AST tập trung trong giai đoạn 4 tháng đầu năm. Sau 6 tháng, cổ phiếu AST sụt giá 42% về mức 49,300 đồng/cp (chốt phiên 30/06)

Cho năm 2020, Công ty đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 575 tỷ đồng và lãi trước thuế 12.3 tỷ đồng, lần lượt giảm 50% và 95% so với thực hiện năm 2019.

Diễn biến giá cổ phiếu AST từ đầu năm 2020 đến nay
Nguồn: VietstockFinance

CTCP Đầu tư và Công nghệ HVC (HOSE: HVH)

Cổ phiếu HVH ghi nhận giảm 41% giá sau 6 tháng đầu năm, về mức 8,410 đồng/cp (chốt phiên 30/06).

Năm 2020, HVH lên kế hoạch doanh thu 520 tỷ đồng và lãi sau thuế 32 tỷ đồng. So với kết quả năm 2019, kế hoạch này đi lùi 1% về doanh thu và 31% về lợi nhuận.

Phía HVH cho biết phần doanh số được chuyển tiếp từ năm 2019 sang năm 2020 là gần 305 tỷ đồng. Ngoài ra , Công ty đã có những dự án thuộc lĩnh vực ME, công viên nước… Đến thời điểm 10/06/2020, HVH đã ký tiếp doanh số xấp xỉ 100 tỷ đồng. Cùng với những dự án chuẩn bị triển khai, ban lãnh đạo khá tự tin về việc đạt/vượt kế hoạch đề ra.

Diễn biến giá cổ phiếu HVH từ đầu năm 2020 đến nay
Nguồn: VietstockFinance

* Top 10 cổ phiếu niêm yết tăng phi mã trong 6 tháng đầu năm 2020

Xuân Nghĩa

FILI

Các tin tức khác

>   09/07: Đọc gì trước giờ giao dịch chứng khoán?  (09/07/2020)

>   HII: Thông báo nhận được quyết định của Cục thuế Tỉnh Yên Bái về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế (08/07/2020)

>   NAF: Báo cáo kết quả phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (08/07/2020)

>   HPX: Thông báo quyết định của Cục thuế Hà Nội về việc xử lý vi phạm hành chính về thuế (08/07/2020)

>   VLC: Kết quả thanh tra thuế năm 2018 và năm 2019 (08/07/2020)

>   Ngày 09/07/2020: 10 cổ phiếu “nóng” dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (09/07/2020)

>   FUESSV50: Kết thúc giao dịch hoán đổi ngày 07/07/2020 (08/07/2020)

>   FUESSVFL: Kết thúc giao dịch hoán đổi ngày 07/07/2020 (08/07/2020)

>   FUEVFVND: Kết thúc giao dịch hoán đổi ngày 07/07/2020 (08/07/2020)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 09/07 (09/07/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật