Thứ Tư, 22/07/2020 09:49

Thất thoát đất công tại TP.HCM: Đất quốc phòng 'rơi vào tay' tư nhân

Trên địa bàn TP.HCM, 3 khu đất “vàng” gồm số 2, số 7-9, số 9-11 Tôn Đức Thắng, Quận 1, do Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng, quản lý đã lần lượt rơi vào tay doanh nghiệp tư nhân không qua đấu giá.

Khu dân cư 7/5, quận 9 đang bị bỏ hoang sau khi chuyển đổi từ đất quốc phòng sang đất kinh doanh thương mại. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Thời gian qua, một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Thành phố Hồ Chí Minh và một số bộ, ngành Trung ương bị xử lý kỷ luật Đảng, chính quyền, thậm chí nhiều người bị khởi tố, xử lý hình sự, nhận án phạt tù liên quan đến sai phạm trong quản lý đất đai, gây thiệt hại, thất thoát lớn tài sản Nhà nước.

Ngoài ra, hàng loạt cán bộ cấp sở, công ty nhà nước trên địa bàn thành phố cũng đã và đang bị xử lý liên quan đến đất công. Thực tế này khiến dư luận xã hội băn khoăn, thậm chí cảm thấy lo lắng, bức xúc.

Để rộng đường dư luận cũng như nhận diện các sai phạm, nguyên nhân và giải pháp để xử lý dứt điểm, chấm dứt tình trạng nhức nhối, đáng báo động này, phóng viên TTXVN thực hiện 4 bài viết, qua một số vụ việc nổi cộm gần đây.

Bài 1: Đất quốc phòng "rơi vào tay" tư nhân

Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, 3 khu đất “vàng” gồm số 2, số 7-9, số 9-11 Tôn Đức Thắng, Quận 1, do Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng, quản lý đã bị xử lý trong vụ án liên quan đến nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến (lĩnh án tù 4 năm).

Do buông lỏng quản lý, 3 khu đất này lần lượt rơi vào tay doanh nghiệp tư nhân không qua đấu giá, gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Mang đất quốc phòng đi liên danh

Đầu năm 2020, vụ án xét xử nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến liên quan đến 3 khu đất “vàng” nói trên nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.

Lý do chưa hẳn xuất phát từ việc xét xử, nghiêm trị nguyên lãnh đạo cao cấp quân đội vi phạm pháp luật, mà còn là việc làm rõ quá trình “hô biến” đất quốc phòng vào tay doanh nghiệp tư nhân, gây thất thoát tài sản nhà nước.

Theo Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương, Công ty Trách nhiệm hữu hạn (Trách nhiệm hữu hạn) Một thành viên Dịch vụ và Du lịch Biển Đảo Hải Thành (gọi tắt là Công ty Hải Thành) thuộc Quân chủng Hải quân được giao quản lý 3 khu “đất vàng” số 2, số 7-9 và 9-11 Tôn Đức Thắng, nhưng lần lượt đã mang giá trị quyền sử dụng đất làm vốn góp liên danh với công ty khác để triển khai dự án căn hộ cao tầng cho thuê, trái với chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng như trái với pháp luật đất đai.

Tại khu đất số 2 Tôn Đức Thắng, Công ty Hải Thành đã mang giá trị quyền sử dụng đất của 1.215 m2 chỉ với giá 187 tỷ đồng để liên danh với Công ty Cảnh Hưng thành lập công ty làm dự án.

Sau đó công ty làm dự án đã bán gần hết cổ phần cho các công ty tư nhân trong nước hoặc công ty liên kết với nước ngoài, dẫn tới doanh nghiệp quốc phòng mất quyền kiểm soát dự án, không đảm bảo lợi nhuận cũng như gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Hiện nay, trên khu đất này đã xây dựng tòa nhà 27 tầng nổi. Theo Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương, vào thời điểm tháng 11/2018 khu đất số 2 Tôn Đức Thắng có giá gần 530 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu tính theo đơn giá giao dịch thực tế hiện nay và giá các công ty tư vấn giá bất động sản đưa ra thì tuyến đường Tôn Đức Thắng, Quận 1 có giá từ 756 triệu đồng/m2. Như vậy khu đất này ít nhất cũng có giá 918 tỷ đồng.

Tương tự, khu đất 7-9 Tôn Đức Thắng có diện tích 3.531 m2. Năm 2009, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh duyệt giá trị quyền sử dụng đất khu đất là gần 504 tỷ đồng.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại và dịch vụ Yên Khánh đã xin Quân chủng Hải quân hợp tác kinh doanh với Công ty Hải Thành để thành lập công ty làm dự án là Công ty Yên Khánh Hải Thành và được chấp thuận. Công ty Hải Thành đã mang giá trị sử dụng đất của khu đất này là 504 tỷ đồng làm vốn góp liên danh hợp tác.

Sau khi nhận khu đất 7-9 Tôn Đức Thắng, Công ty Yên Khánh đã tiến hành các thủ tục gian dối để chuyển đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho Công ty Hải Thành sang Công ty Yên Khánh Hải Thành rồi thế chấp ngân hàng, chiếm đoạt hơn 525 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Công ty Hải Thành đã đàm phán với bà Trần Thị Lâm, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mai Anh (bà Trần Thị Lâm hiện là Chủ tịch Hoa Lâm Group), sau đó 2 bên ký kết thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Mai Thành (gọi tắt là Công ty Mai Thành) làm dự án cao ốc đa chức năng tại khu đất 9-11 Tôn Đức Thắng, diện tích 1.917m2.

Giá trị ban đầu của khu đất 9-11 Tôn Đức Thắng được xác định chỉ 248 tỷ đồng. Về sau, Công ty Mai Thành chuyển nhượng một phần vốn điều lệ cho Công ty Cổ phần đầu tư TCO Việt Nam. Hệ quả là doanh nghiệp quốc phòng chỉ giữ phần nhỏ vốn điều lệ, mọi hoạt động của công ty liên danh làm dự án đều do các đối tác khác trong công ty liên danh điều hành, quản lý.

Chỉ tính theo con số mà Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương đưa ra trong bản cáo trạng thì vào tháng 11/2018, khu đất 9-11 Tôn Đức Thắng có giá gần 550 tỷ đồng. Còn theo tính toán của một số công ty tư vấn bất động sản và giá giao dịch thực trên thị trường, khu đất 9-11 Tôn Đức Thắng có giá hơn 1.449 tỷ đồng.

Mặc dù hiện nay Công ty Hải Thành vẫn còn giữ 23,63% vốn điều lệ và ban đầu là đơn vị đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, nhưng về sau cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp đổi sang cho Công ty Cổ phần đầu tư TCO Việt Nam và Công ty Mai Thành.

Như vậy, Nhà nước không những đã phải mất đi một khoản tiền lớn (nếu khu đất được đem ra bán đấu giá công khai ngay từ đầu), mà còn vô cùng gian nan trong việc giải quyết hậu quả. Bởi lẽ hiện nay trên khu đất này đã “mọc” lên tòa nhà 34 tầng đang được cho thuê làm văn phòng.

Người nước ngoài sở hữu đất quốc phòng

Có thể nói, 3 khu đất quốc phòng trên đây chỉ là một trong khá nhiều khu đất quốc phòng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã được chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển đổi công năng để nhiều doanh nghiệp lớn tham gia xây dựng dự án “biệt thự, căn hộ triệu đô,” phạm vi trải rộng ở nhiều địa bàn từ quận Tân Bình, Gò Vấp, cho đến Bình Thạnh, Quận 9, Quận 10… 

Phía trước Khu dân cư 7/5 đang được cho thuê làm bãi giữ xe tải, xe container. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Không chỉ vậy, đất quốc phòng còn được tư nhân hóa thông qua việc giao chỉ định nhà đầu tư trong nước tiếp nhận và làm dự án, nhưng sau đó rút vốn “nhường chỗ” cho doanh nghiệp do người nước ngoài làm chủ. Câu chuyện diễn ra tại dự án Khu dân cư 7/5, quy mô 32,4 ha tại phường Long Trường, Quận 9.

Đây là khu đất quốc phòng sử dụng làm trường bắn. Sau khi di dời trường bắn từ Quận 9 về huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 31/6/2004, Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 3243/QĐ-UBND về việc “tạm giao” 32,4ha nói trên cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên 7/5 (thuộc Quân khu 7, gọi tắt là Công ty 7/5) để đầu tư xây dựng dự án Khu dân cư 7/5.

Việc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ký Quyết định số 3243 nêu trên vào ngày 31/6/2004 là khá “nhạy cảm” bởi chỉ 1 ngày sau đó, Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành, trong đó có quy định chặt chẽ hơn về thủ tục thu hồi đất, giao đất và giải phóng mặt bằng. Vì thế, Quyết định 3243 không thể hiện rõ ranh giới, không nêu cụ thể diện tích đất (chỉ ước lượng), không  xác định được số thửa, tờ bản đồ cụ thể…

Đặc biệt, Quyết định 3243 đã đưa ra khái niệm “lạ lùng” là “tạm giao đất” vốn không được thể hiện trong pháp luật đất đai vào thời điểm đó. Mặt khác, việc “tạm giao đất” này là “tạm giao” cho công ty quốc phòng thực hiện dự án thương mại, về bản chất không phải là chuyển mục đích sử dụng đất.

Do năng lực Công ty 7/5 yếu kém nên trong thời gian dài dự án không thể triển khai. Trong cùng thời gian đó, Bộ Quốc phòng chủ trương giải thể Công ty 7/5, cho phép Công ty được bán các khoản nợ, các dự án đã và đang triển khai để thu hồi vốn.

“Đối tác” được thế chân làm tiếp dự án Khu dân cư 7/5 là Công ty Trách nhiệm hữu hạn A Sung với “ưu ái” đặc biệt, gồm kế thừa toàn bộ hồ sơ pháp lý của dự án, kể cả tiền sử dụng đất 118 tỷ đồng đã đóng cho ngân sách Nhà nước.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn A Sung được thành lập năm 2013, do ông Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7 làm Giám đốc, bà Trần Thị Oanh Oanh làm thành viên.

Điều “lạ lùng” là vốn điều lệ Công ty chỉ có 1 tỷ đồng, ngành nghề đăng ký kinh doanh là giáo dục, thế nhưng vẫn được xác định chủ đầu tư dự án nhà ở Khu dân cư 7/5.

Qua nhiều lần thay đổi đăng ký thông tin doanh nghiệp, đến thời điểm Công ty Trách nhiệm hữu hạn A Sung được giao đất để thực hiện dự án (tháng 6/2015), ông Trần Ngọc Thổ vẫn giữ chức Giám đốc và trong tháng 10/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn A Sung.

Trong khi dự án vẫn là bãi đất trống thì Công ty Trách nhiệm hữu hạn A Sung tiếp tục thay đổi đăng ký thông tin doanh nghiệp. Thành viên cũ gồm ông Trần Ngọc Thổ và bà Trần Thị Oanh Oanh lần lượt rút khỏi Công ty để đến năm 2017, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn A Sung là ông Lee Hyung Jin (sinh năm 1965), quốc tịch Hàn Quốc.

Dư luận băn khoăn, để triển khai tiếp dự án Khu dân cư 7/5, tại sao cơ quan chức năng lại không tổ chức bán đấu giá khu đất, lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực để rồi 32,4ha đất có nguồn gốc đất quốc phòng đã được “thay vai đổi chủ,” “âm thầm” rơi vào tay của người nước ngoài một cách khó hiểu đến như vậy?

Rõ ràng, nếu 32,4ha quốc phòng ở Quận 9 và 3 khu đất “vàng” trên đường Tôn Đức Thắng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh được đem ra đấu giá theo đúng quy định pháp luật, chắc chắn ngân sách Nhà nước sẽ thu khoản tiền không hề nhỏ.

Bằng chiêu thức mang đất quốc phòng đi liên danh trái pháp luật, chuyển giao quỹ đất cho doanh nghiệp trong nước theo hình thức chỉ định nhà đầu tư rồi rút vốn, để rồi cá nhân doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm dự án, nguồn lực đất đai đã không được sử dụng hiệu quả, bị bóp méo mục đích và giá trị sử dụng, gây thất thoát ngân sách nhà nước, mà đến nay việc xử lý hậu quả đang là bài toán chưa có lời đáp cuối cùng./.

Trần Xuân Tình

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Thủ tướng yêu cầu bàn giao mặt bằng dự án sân bay Long Thành trong tháng 10 (22/07/2020)

>   Vợ chồng Đường 'Nhuệ' sử dụng chiêu trò gì trong những phiên đấu giá đất? (21/07/2020)

>   Nam Long: Doanh số từ đầu năm đạt 2,340 tỷ, lãi 6 tháng gần 179 tỷ đồng (21/07/2020)

>   Thủ tướng kiểm tra tiến độ triển khai Dự án sân bay Long Thành (21/07/2020)

>   Nam Long ra mắt thành công các sản phẩm cao cấp tại Waterpoint (21/07/2020)

>   Đất Xanh lỗ quý đầu tiên sau gần 4 năm, dòng tiền kinh doanh âm gần 1,700 tỷ (21/07/2020)

>   Tài sản nhà nước 'bốc hơi' sau liên doanh (21/07/2020)

>   Bộ TN-MT bảo lưu quan điểm về việc 'cấp giấy khai sinh' cho condotel (20/07/2020)

>   Bát nháo mua bán condotel, Bộ Công an kiến nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc (20/07/2020)

>   Lãi ròng của CenLand sụt giảm gần 19% trong quý 2 (21/07/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật