Singapore có thể giành 'vương miện tài chính' của Hong Kong
Sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh mới, các công ty tài chính ở Hong Kong nhấp nhổm tìm con đường mới. Singapore nhiều khả năng hưởng lợi lớn.
Theo South China Morning Post, trong tháng 4, tiền gửi bằng ngoại tệ tại Singapore vọt lên gần 400% so với cùng kỳ năm ngoái lên 27 tỷ USD. Tiền gửi từ nguồn nước ngoài tăng 44% lên 62 tỷ USD. Đây là các con số cao nhất kể từ năm 1991.
Truyền thông Singapore nhận định hiện tượng này xuất phát từ việc các dòng tiền từ một số thị trường, bao gồm Hong Kong, chảy vào Singapore. Dù vậy, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) nhấn mạnh các dòng tiền đến từ nhiều nguồn.
Giới quan sát nhận định việc Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia có thể đe dọa vị thế trung tâm tài chính châu Á của Hong Kong. Nhà kinh tế Song Seng Wun thuộc CIMB Private Banking đánh giá Singapore là sự lựa chọn thay thế lý tưởng.
Khu trung tâm tài chính ở Singapore. Ảnh: Getty Images.
|
"Singapore có luật nghiêm ngặt ngăn chặn nước ngoài can thiệp vào chính trị địa phương và tin giả. Do đó, đây là trung tâm tài chính rất an toàn. Trong khi đó, giới đầu tư rất lo ngại luật an ninh mới ở Hong Kong", chuyên gia Song nhấn mạnh.
Trong nhiều năm, Hong Kong và Singapore luôn cạnh tranh trong vai trò trung tâm tài chính châu Á. Cả hai thành phố đều có mức thuế doanh nghiệp ưu đãi, Hong Kong 16,5% còn Singapore 17%. Ngành tài chính Hong Kong đóng góp 20% GDP thành phố, tuyển dụng 7% tổng lao động. Các con số của Singapore lần lượt là 13,9% GDP và 5% lao động.
Hong Kong có thị trường vốn sôi động hơn, giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán thành phố hiện đạt khoảng 47 tỷ USD, cao hơn 7 lần so với mức 6,4 tỷ USD của Singapore. Ngày càng nhiều công ty Trung Quốc niêm yết tại sàn Hong Kong.
Đây cũng là nơi nhiều nhà giàu Trung Quốc đại lục gửi tài sản. Financial Times cho biết ước tính hơn 420 quỹ phòng hộ đặt trụ sở tại Hong Kong, quản lý 91 tỷ USD, hơn các quỹ ở Singapore, Nhật Bản và Australia cộng lại.
Khoảng 650.000 người nước ngoài sống ở Hong Kong (dân số hơn 7 triệu người), trong khi số cư dân nước ngoài tại Singapore lên đến 1,7 triệu. Chưa có dấu hiệu cho thấy người nước ngoài ồ ạt rời Hong Kong, tuy nhiên các ngân hàng ở Singapore tiết lộ nhiều nhà đầu tư giàu có đã nghiên cứu việc chuyển tài sản sang quốc gia Đông Nam Á.
Các công ty cũng tính mở rộng hoạt động tại đảo quốc sư tử. Một số ngân hàng đã di dời nhân sự tới Singapore để tiếp nhận dòng vốn từ Hong Kong dù chưa từ bỏ đặc khu kinh tế này. Hãng dịch vụ TMF Group cho biết đã nhận được yêu cầu nghiên cứu việc di dời từ Hong Kong sang Singapore từ nhiều công ty.
"Ý định ban đầu của họ là mở rộng hoạt động tại Singapore để bổ sung cho Hong Kong", SCMP dẫn lời nhà phân tích Otto Von Domingo của Vistra Singapore giải thích. Nhìn chung, vị trí gần Trung Quốc đại lục vẫn là một lợi thế của Hong Kong và các công ty chưa muốn từ bỏ điều đó.
Với nhiều doanh nghiệp khác chưa hoạt động lâu tại Hong Kong, Singapore là sự lựa chọn hấp dẫn. Tình trạng chính trị bất ổn nhiều tháng qua đã ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của Hong Kong, trong khi giá thuê văn phòng rẻ hơn, môi trường an toàn hơn và các tiện nghi giải trí đa dạng là những lợi thế lớn của Singapore.
Theo khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Singapore với 120 công ty thành viên, 9 trong số 10 lãnh đạo doanh nghiệp được hỏi khẳng định nếu di dời trụ sở, họ sẽ chọn Singapore. Giám đốc Phòng Thương mại Anh tại Singapore David Kelly mô tả Singapore "có môi trường kinh doanh rất thuận lợi".
"Về lâu dài, Singapore sẽ tiếp tục thu hút nhiều doanh nghiệp. Dù vậy, Hong Kong sẽ không đến mức bị bỏ rơi", đại diện của TMF nhận định.
Thanh Hoa
ZING
|