Thứ Tư, 08/07/2020 11:35

PYN Elite: Thị trường sụp đổ là cơ hội thúc đẩy lợi nhuận dài hạn

Trong giai đoạn thị trường biến động, PYN Elite Fund là một trong những quỹ đầu tư tích cực giao dịch. Ngân hàng và dịch vụ phi hàng không là những khoản đầu tư đáng chú ý của Quỹ.

VN-Index giảm 4.6% trong tháng 6, dưới áp lực của các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC (giảm 8%) và VCB. Trong khi đó, giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ (NAV per Share) PYN Elite giảm nhẹ 0.5% trong tháng này.

“Vẫn như mọi khi, sau giai đoạn cổ phiếu giảm giá thì thật buồn khi phải kiểm tra lại những gì bạn đã bỏ lỡ, và thực tế là nhiều cơ hội tái phân bổ đầu tư đã trôi qua. Phần nào đó, bạn nên thỏa mãn với những gì mình có nếu đã nắm bắt được những cơ hội. Đối với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, một cụ sụp của thị trường luôn là một cơ hội thúc đẩy và cải thiện lợi nhuận dài hạn bởi vì các đợt bán tháo sẽ mở ra những giao dịch thuận lợi. Thị trường thử thách là một phần trong công việc của nhà đầu tư và điều này sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.” - PYN Elite cho biết trong thư gửi nhà đầu tư vào cuối tháng 6 vừa qua.

Tỷ trọng MWG trong danh mục đầu tư PYN Elite ngày càng giảm. Trong tháng 6, tỷ trọng khoản đầu tư này giảm từ mức 5.42% xuống còn 5.16%.

Tính đến thời điểm cuối tháng 06/2020, khoản đầu tư vào CII cũng không còn thuộc nhóm khoản đầu tư lớn nhất của PYN Elite. Việc thoái bớt cổ phần CII nằm trong chuỗi tái cơ cấu lại danh mục Quỹ này trong giai đoạn thị trường biến động vì Covid-19, theo đó bổ sung mạnh các cổ phiếu hàng không ACVSCS. Kết thúc nửa đầu năm, thành tích trong năm 2020 của PYN Elite chỉ còn âm 10.7%, so với con số âm gần 30% tính đến cuối tháng 3.

Điều đáng nói là trước giai đoạn bán đi một phần khoản đầu tư CII thì PYN Elite lại bày tỏ nhiều kỳ vọng với chính sách thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ, mà CII là một trong những người hưởng lợi. Cũng như trước đó, Quỹ này liên tục giành những lời có cánh với MWG để rồi bán đi phần lớn khoản đầu tư này sau đó.

Danh sách các khoản đầu tư lớn nhất của PYN Elite
tính đến cuối tháng 06/2020
Nguồn: PYN Elite

Trong tháng 06/2020, đại đa số doanh nghiệp đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên, nơi ban lãnh đạo chính thức đề ra các mục tiêu lợi nhuận trong năm. Đối với nhóm 100 doanh nghiệp hàng đầu, kế hoạch lợi nhuận bình quân được đặt ra một cách cẩn trọng với mức giảm khoảng 13% so với năm 2019. Từng lĩnh vực lại chịu tác động với các mức độ khác nhau: (1) Ngành hàng không dự phóng lợi nhuận giảm đến 90%, (2) ngành dầu khí sụt 60%, (3) ngành xây dựng và vật liệu thì giảm 20%, (4) trong khi các ngành hàng tiêu dùng, năng lượng và cảng biển kỳ vọng một mức giảm tương đối là 15%, (5) các ngân hàng và những nhà phát triển bất động sản kỳ vọng lợi nhuận sau thuế đi ngang, tính theo bình quân.

Trước Covid-19, nhóm 12 ngân hàng niêm yết đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 18%. Tuy nhiên, khi dịch bệnh ập đến, các nhà băng này hạ mức tăng trưởng kế hoạch xuống mức bình quân là 0%. HDBTPB là hai ngân hàng vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận so với năm trước, với mức tăng lần lượt 13% và 5%. Khi nền kinh tế tái mở cửa, chất lượng các khoản vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19 hầu hết cũng tích cực hơn so với những đánh giá ban đầu vào tháng 4 của các nhà phân tích PYN Elite.

Tính đến cuối tháng 06/2020, cổ phiếu chiếm 96% trong khối tài sản 388 triệu EUR (gần 10.1 ngàn tỷ đồng) mà PYN Elite quản lý. 3 khoản đầu tư lớn vào ngành ngân hàng là TPB, HDB, CTG chiếm 28.2% tỷ trọng trong danh mục PYN Elite, tương ứng với tổng giá trị trên 2.84 ngàn tỷ đồng.

Cơ cấu danh mục PYN Elite phân theo loại tài sản
tính đến cuối tháng 06/2020
Nguồn: PYN Elite

Về vĩ mô, GDP quý 2 của Việt Nam tăng trưởng 0.36%, với lĩnh vực dịch vụ giảm 1.8% (dịch vụ khách sạn và nhà hàng giảm 30%), trong khi lĩnh vực công nghiệp đã cho thấy sự hồi phục, tăng 1.4% (ngành sản xuất tăng 3.2%).

Chỉ số giá tiêu dùng (PMI) và doanh số bán lẻ hàng hóa trong tháng 6 thể hiện sự hồi phục. Trong đó, PMI trở lại mức biểu thị sự mở rộng sản xuất (51.1) lần đầu tiên kể từ tháng 01/2020 (tháng 3: 32.7; tháng 4: 42.7), và doanh số bán lẻ tăng trưởng 5.6% trong tháng 6 vừa qua (tháng 5: +1.1%; tháng 4: -20%). Chỉ số sản xuất công nghiệp cũng tăng 7% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu giảm 2% trong khi nhập khẩu tăng 5%.

Thừa Vân

FILI

Các tin tức khác

>   Giao dịch quỹ đầu tư: Lực bán dồi dào (05/07/2020)

>   Quỹ mở có chiến thắng VN-Index? (02/07/2020)

>   VNM ETF ghi nhận 4 tuần hút vốn liên tiếp (01/07/2020)

>   Dragon Capital là 'trụ cột' thoát hàng (28/06/2020)

>   MSCI vẫn chưa thêm Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi (25/06/2020)

>   VNM ETF mua mạnh POW, SBT, MSN và GEX (24/06/2020)

>   Quỹ iShares MSCI Frontier 100 ETF quay lại bán ròng cổ phiếu Việt (23/06/2020)

>   Giao dịch quỹ đầu tư: Lực mua chiếm thế thượng phong (21/06/2020)

>   Sau 1 năm, đánh giá của MSCI về chứng khoán Việt Nam có gì thay đổi? (20/06/2020)

>   Các quỹ mở cổ phiếu đang ở đâu sau 5 tháng 2020? (19/06/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật