Nợ xấu tăng vọt, Trung Quốc theo dõi các giao dịch tiền mặt lớn
Ngân hàng trung ương Trung Quốc bắt đầu giám sát các giao dịch tiền mặt lớn trong thời điểm nợ xấu tăng vọt vì dịch Covid-19, gây nhiều lo ngại.
* Hủy niêm yết các công ty Trung Quốc là vô ích?
* Người dân Trung Quốc ào ào tháo chạy khỏi thủ đô Bắc Kinh
* Tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc dính cú lừa đau, mất 33 tỷ đồng
Theo Bloomberg, từ tháng 7, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (POB) kích hoạt một chương trình thí điểm tại tỉnh Hà Bắc, buộc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp phải báo cáo trước khi gửi hoặc rút tiền mặt số lượng lớn. Chương trình này sẽ được áp dụng tại Chiết Giang và Thâm Quyến trong tháng 10.
Thời gian qua, các ngân hàng Trung Quốc loay hoay với tình trạng nợ xấu tăng vọt trong thời điểm tăng trưởng kinh tế ì ạch nhất trong bốn thập kỷ qua. Tháng trước, nhà chức trách địa phương phải chặn dòng rút tiền mặt ồ ạt tại hai ngân hàng ở Hà Bắc và Sơn Tây. Năm ngoái, chính quyền Bắc Kinh cũng phải giải cứu một số ngân hàng gặp khó khăn.
"Chương trình thí điểm nhằm mục tiêu giám sát nhu cầu tiền mặt lớn bất thường để ngăn chặn rủi ro", PBOC thông báo. Ngân hàng này nhấn mạnh nhà chức trách sẽ bảo vệ nhu cầu giao dịch tiền mặt quy mô lớn của người dân.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.
|
Theo đó, nhà chức trách yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin về các giao dịch vượt quá 500.000 NDT (71.000 USD). Với khách hàng cá nhân, các giao dịch mệnh giá từ 100.000-300.000 NDT (14.000-42.000 USD) tùy theo khu vực sẽ được yêu cầu khai báo thông tin.
POB không nói rõ có cấm các giao dịch vượt quá những con số trên hay không, nhưng ngân hàng sẽ phải làm báo cáo, lưu ý những rủi ro và theo dõi khách hàng thuộc nhóm lĩnh vực rủi ro cao.
Theo S&P Global, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc có thể tăng lên đến 1.134 tỷ USD trong năm nay. Nhóm ngân hàng nhỏ được UBS Group AG theo dõi cần thêm khoảng 349 tỷ USD vốn mới.
Cùng thời điểm đó, nhà chức trách Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận, cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho doanh nghiệp để hỗ trợ nền kinh tế, gây thêm áp lực cho hệ thống.
Bùi Ngọc
ZING
|