Người phương Tây sẵn sàng trả giá đắt để loại bỏ hàng Trung Quốc
Hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc có thể khiến giá cả tăng cao. Nhưng nhiều người phương Tây chấp nhận trả giá đắt.
Nếu mua hoặc thuê một ngôi nhà cũ ở Mỹ hoặc châu Âu, bạn sẽ nhận thấy không gian chứa đồ rất ít. Hơn 50 năm trước, mọi người không có nhiều đồ đạc như ngày nay. Ông bà, bố mẹ chúng ta không có khái niệm về hàng hóa rẻ tiền hay thời trang nhanh.
Giờ, theo chiến lược gia đầu tư Neil Newman (Hong Kong), chúng ta có quần áo, giày dép giá rẻ. TV thông minh được thay thế 3-5 năm một lần, điện thoại thông minh cũng được mua mới sau vài năm.
"Nhiều người đang cân nhắc lại số lượng đồ đạc họ mua và sự phụ thuộc vào hàng hóa xuất khẩu. Chúng gây bất lợi cho cả nền kinh tế trong nước lẫn môi trường. Và giờ là thời điểm thích hợp để thay đổi", ông Newman viết trên South China Morning Post.
39,7% người Mỹ không còn sẵn sàng mua hàng hóa Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.
|
Trả giá đắt để loại bỏ hàng Trung Quốc
"Nếu ngừng nhập khẩu mọi thứ từ nước ngoài và quay trở lại sản xuất trong nước, chúng ta phải sẵn sàng trả tiền nhiều hơn vì chi phí sản xuất sẽ tăng lên", ông nhấn mạnh.
Nguyên nhân là chúng ta sẽ phải xây dựng thêm nhà máy, thiết lập lại chuỗi cung ứng địa phương, chi phí lao động cũng có thể gia tăng. Với giá cao hơn, người tiêu dùng mua ít hơn và kỳ vọng chất lượng tốt hơn. Vậy nên vật liệu và bộ phận cần bền hơn để kéo dài vòng đời sản phẩm.
Khi giá cả hàng hóa tăng lên, câu hỏi đặt ra là liệu người dùng có sẵn sàng trả giá hay không. Theo một báo cáo của June Coresight Research hồi tháng 6, có đến 47,8% người dùng Mỹ đồng ý rằng các nhà bán lẻ Mỹ nên nhập khẩu ít hàng hóa Trung Quốc hơn, 39,7% người không còn sẵn sàng mua hàng từ công xưởng thế giới.
Theo khảo sát, 33% chuỗi cung ứng sẵn sàng rời khỏi Trung Quốc vào năm 2023. Sự dịch chuyển này sẽ tốn kém nhưng cần thiết để thiết lập lại chuỗi cung ứng địa phương. Ngoài ra, một cuộc khảo sát gần đây của Redfield & Wilton (Anh) cho thấy cứ 10 người Anh thì 7 người sẵn sàng trả giá đắt hơn để bớt phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc.
Tỷ lệ hàng hóa nhập khẩu so với hàng hóa được sản xuất trong nước tại Mỹ giảm mạnh. Ảnh: South China Morning Post.
|
Theo khảo sát của YouGov, 88% người Australia cho rằng nước này nên dựa vào hàng hóa nội địa. "Gần đây, hàng loạt doanh nghiệp có ý định dịch chuyển chuỗi cung ứng. Một số như quốc gia như Nhật Bản tuyên bố sẽ đưa sản xuất về lại nước mình", ông Neil Newman lập luận.
Công ty tư vấn toàn cầu Kearney mới đây công bố chỉ số Reshoring theo dõi hàng hóa sản xuất của Mỹ so với hàng nhập khẩu từ 14 quốc gia châu Á có chi phí thấp.
Năm ngoái, do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, hàng hóa sản xuất tại Mỹ chiếm tỷ lệ lớn hơn đáng kể, số lượng hàng nhập khẩu giảm lần đầu kể từ năm 2011. Ngoài ra, Kearney còn ghi nhận Mỹ chuyển nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc sang một số quốc gia châu Á khác, đặc biệt là Việt Nam.
Giá cả sẽ tăng cao
Việc dịch chuyển sản xuất về nước sẽ đòi hỏi xây dựng lại chuỗi cung ứng. Chẳng hạn như trường hợp của Telguard, công ty công nghệ chuyên sản xuất hệ thống liên lạc nội bộ ở Anh. Công ty nhập PSU từ một nhà phân phối ở Anh với giá hơn 7,56 USD/chiếc. Chúng được sản xuất chủ yếu tại Trung Quốc, Campuchia và Bangladesh.
Chúng không có chất lượng hàng đầu, đôi khi gặp trục trặc và không thực sự tốt cho môi trường. Tuy nhiên, sản phẩm có thể được vận chuyển mà không cần nguồn điện. Theo yêu cầu của một đối tác Singapore, Telguard gần đây cố gắng tìm kiếm PSU được sản xuất tại Anh.
Và công ty không thể tìm thấy nhà sản xuất ở Anh hay thậm chí châu Âu. Vào thời điểm đó, Telguard xem xét sản xuất một chiếc PSU từ đầu. Nhưng họ nhận ra không thể sản xuất sản phẩm tương tự với giá dưới 37,79 USD, gấp 5 lần giá họ phải trả hiện tại.
Chi phí hậu cần là thành phần chủ yếu trong giá cuối cùng của hàng hóa. Chi phí này rất nhạy cảm với giá nhiên liệu và khối lượng. Khối lượng và sức chứa đã đẩy chi phí vận chuyển tăng mạnh. Đó là lý do giá thực phẩm nhập khẩu tại Hong Kong tăng khủng khiếp thời gian gần đây.
Tỷ lệ lạm phát toàn cầu trong những năm gần đây. Ảnh: South China Morning Post.
|
Giá nhiên liệu được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu. Trong khi đó, chi phí hoạt động như tiền thuê nhà và tiền lương nhân viên, từ sản xuất đến bán lẻ, khó có thể sụt giảm nhanh chóng. Điều này sẽ dẫn đến giá thành tăng cao.
"Tóm lại, nếu chúng ta muốn mua hàng từ các nhà sản xuất địa phương và vì thế trả giá cao hơn, chúng ta sẽ chi tiêu ít hơn và mong muốn sử dụng sản phẩm lâu hơn", ông Newman đi đến kết luận.
Trong khi đó, về ngắn hạn, chi phí hậu cần khó có thể quay trở lại như trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Kết hợp lại, những yếu tố này sẽ đẩy giá cơ bản của thành phẩm lên cao trong dài hạn, từ đó dẫn đến lạm phát ở một số quốc gia phát triển.
Phương Thảo
ZING
|