Thứ Sáu, 03/07/2020 09:00

M&A ngành logistics tiếp tục sôi động trở lại

Đứng trước những hệ quả mà đại dịch Covid-19 đem lại, loạt thương vụ M&A trong ngành logistics đã hé mở trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của các Công ty.

Trong năm 2019, ngành logistics Việt Nam đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A đình đám hàng triệu USD như Tập đoàn Sumitomo thông qua công ty con là SSJ Consulting Việt Nam, đã chi khoảng 4 tỷ Yên (37 triệu USD) để mua 10% vốn tại GMD, Công ty Symphony International Holdings đã đầu tư 42.6 triệu USD mua cổ phần của CTCP Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần. Hay như thương vụ của  hai tập đoàn Mirae Financial Group và Naver có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc đã mua hai trung tâm cung ứng hàng hóa tại Việt Nam với giá 53 tỷ Won (47.01 triệu USD)…

Chưa dừng lại ở đó, chỉ mới kết thúc 6 tháng đầu năm 2020, loạt các thương vụ cũng như kế hoạch M&A trong ngành logistics đã diễn ra không kém phần sôi động.  

GEX thoái toàn bộ vốn khỏi mảng logictics

Mới đây, HĐQT Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex, HOSE: GEX) vừa công bố Nghị quyết về việc thoái vốn khỏi mảng logistics thông qua hình thức bán toàn bộ phần vốn góp của Gelex tại Công ty TNHH MTV Gelex Logistics (vốn điều lệ 1,210 tỷ đồng). Thương vụ sẽ được thực hiện trong khoảng quý 2-3/2020. Trong cuộc họp ĐHĐCĐ của GEX, Ban lãnh đạo Công ty đã trả lời: “Gelex thoái logistics theo chiến lược là thoái vốn mảng vận hành logistics và vẫn giữ lại sở hữu một số bất động sản theo tỷ lệ hiện tại. Như vậy, việc thoái vốn này là có lợi nhuận, và giá thoái cao hơn giá đã đầu tư, kế hoạch 2020 đã tính ước lợi nhuận này”.

Gelex Logistics là đơn vị nắm giữ cổ phần kiểm soát tại một loạt doanh nghiệp tên tuổi trong ngành như 54.8% tại Sotrans (HOSE: STG), 84.4% tại Sowatco (UPCoM: SWC), 84% tại Vietranstimex (UPCoM: VTX), 100% tại Sotrans Logistics, đi kèm với đó là hai trung tâm logistics tại Hà Nội (30 ha) và Long Bình - TP HCM (50 ha).

Trước đó, vào cuối tháng 02/2020, ĐHĐCĐ STG đã cho phép CTCP Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần (cũng là cổ đông lớn thứ hai tại Sotrans, sau Gelex Logistics) tăng tỷ lệ sở hữu mà không cần chào mua công khai.

Như vậy, bên mua toàn bộ cổ phần Gelex Logistics lần này nhiều khả năng chính là Indo Trần. Bởi thực tế, Sotrans cũng là đơn vị trực tiếp nắm giữ cổ phần tại Sowatco và Vietranstimex.

Indo Trần muốn sở hữu 100% vốn tại Sotrans

Indo Trần vừa đăng ký mua hơn 57 triệu cp STG của CTCP Kho vận Miền Nam (Sotrans, HOSE: STG) từ ngày 17/06 - 15/07. Nếu giao dịch thành công, Indo Trần sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại STG từ hơn 41 triệu cp (tỷ lệ 41.8%) lên 98 triệu cp (tỷ lệ 100%).

Được biết trước đó, Indo Trần cũng muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại STG lên 100% từ ngày 13/05 - 10/06/2020 nhưng bất thành do Indo Trần đã ký hợp đồng với Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex, HOSE: GEX) để thực hiện mua 100% phần vốn góp của GEX tại Công ty TNHH MTV Gelex Logistics, nhưng thủ tục chuyển quyền sở hữu chưa hoàn tất.

Sotrans đã thoái toàn bộ vốn tại MHC, tiếp tục nâng sở hữu tại SWC lên 100%

Ngày 19/06/2020, Sotrans đã bán ra hơn 9.5 triệu cp MHC của CTCP MHC (HOSE:MHC), tương đương với tỷ lệ 22.99%. Sau giao dịch, Sotrans không còn nắm giữ cổ phiếu MHC nào và chính thức rút chân ra khỏi danh sách cổ đông lớn tại MHC. Với giá bình quân ngày 19/06 là 4,465 đồng/cp, ước tính Sotrans đã thu về hơn 42 tỷ đồng từ thương vụ.

Trong diễn biến mới nhất, ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của Sowatco cũng đã thông qua việc chấp thuận chủ trương cho Sotrans hoặc Công ty TNHH MTV Đầu tư Hạ tầng Sotrans (SII) tiếp tục mua để sở hữu đến 100% vốn điều lệ của SWC mà không làm thủ tục chào mua công khai.

Transimex đã nâng sở hữu tại Vinatrans Đà Nẵng lên 50%, thoái vốn khỏi HAH

Trong cuộc họp ĐHĐCĐ năm 2020 của CTCP Transimex (HOSE: TMS), ông Bùi Tuấn Ngọc - Chủ tịch HĐQT TMS cho biết: “Công ty cũng có một bước tiến lớn khi đang nắm 41% CTCP Dịch vụ Vận tải và Thương mại (HNX: TJC). Hiện TJC đang có 2 con tàu, TMS sẽ kết hợp với TJC để phát triển ở khu vực các tuyến đường sông vùng Vịnh Bắc bộ”.

Nhóm Công ty TMS hiện đang nắm hơn 50% Công ty Vinatrans Đà Nẵng nhưng chưa công bố ra công chúng. Đây là một đơn vị khai thác có hiệu quả, có quỹ đất và một kho ở cùng trong khu đất KCN Hòa Cầm mà Transimex Đà Nẵng đang khai thác và TMS sẽ cải tạo kho thường này thành kho lạnh, kho đông”, ông Ngọc chia sẻ thêm.

Mặt khác, TMS đã thoái vốn khỏi CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HOSE: HAH). Theo ông Ngọc, HAH không phải là đơn vị không hiệu quả mà TMS đang quyết định đầu tư vào Cảng Mipec - Một cảng lớn hơn gấp đôi Cảng của HAH, TMS không muốn xung đột quyền lợi giữa các đơn vị cùng nhánh sông ở Hải Phòng.

Chưa có kế hoạch cụ thể về hoạt động M&A như các doanh nghiệp cùng ngành, tuy nhiên, Ban lãnh đạo Gemadept (HOSE: GMD) cũng chia sẻ với cổ đông: “Trong giai đoạn này, việc duy trì dòng tiền cho doanh nghiệp có thể giúp GMD thực hiện các hoạt động M&A, đầu tư khác. Điều này sẽ mang lại các lợi ích khác cho Công ty nên Ban lãnh đạo đã lên kế hoạch chỉ chi trả 10% cổ tức”.

Các chuyên gia trong ngành logistics cũng cho rằng việc M&A chưa dừng lại và sẽ vẫn tiếp tục diễn ra trong năm 2020.

Doanh nghiệp ngành logistics làm ăn ra sao?

Đơn hàng bị hủy, container tồn tại cảng, biên giới đóng cửa… là một vài trong muôn vàn khó khăn mà các doanh nghiệp Logistics gặp phải khi Covid-19 ập đến. Chi phí tăng cao trong khi doanh thu sụt giảm khiến cho lợi nhuận của các công ty trong ngành vận chuyển này lao dốc trong quý 1 cũng là lẽ dĩ nhiên.

Các doanh nghiệp ngành logistics có kết quả quý 1/2020 đi lùi. Đvt: Tỷ đồng

Theo thống kê của Vietstock, kết thúc quý đầu năm 2020, hơn một nửa doanh nghiệp ngành logistics báo lãi đi lùi. Đáng chú ý, MHC là doanh nghiệp báo lỗ nặng nhất đến 127 tỷ đồng, do doanh thu không đủ bù chi phí. Trong kỳ, tổng chi phí của MHC gấp 11.5 lần cùng kỳ (hơn 130 tỷ đồng), trong khi doanh thu giảm 17%, chỉ còn hơn 8 tỷ đồng. Theo lý giải từ MHC, trong quý 1 thị trường chứng khoán giảm sâu, dẫn tới giá trị danh mục chứng khoán kinh doanh của Công ty nắm giữ tại thời điểm 31/03/2020 bị giảm sút. Chi phí hoạt động tài chính của MHC tăng do Công ty dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh.

Chi phí của các doanh nghiệp Logistics trong quý 1/2020
Nguồn: VietstockFinance

CTCP Đại lý Vận tải SAFI (HOSE: SFI) cũng ghi nhận tổng chi phí quý 1 tăng mạnh 53%, ghi nhận hơn 31 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu thuần của SFI tăng 42% (237 tỷ đồng) do giá cước vận chuyển quốc tế đường hàng không và số lượng lô hàng tăng nhưng chi phí quản lý và khoản trích lập dự phòng khoản đầu tư tài chính tăng mạnh dẫn đến lãi ròng của SFI giảm đến 35%, xuống chỉ còn 6 tỷ đồng.

Hay như STG cũng báo lỗ hơn 2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 25 tỷ đồng do quý 1 STG ghi nhận khoản lỗ từ công ty liên doanh, liên kết gần 27 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng trong quý 1 như VNL, VSC, DXP

Logistics Vinalink (HOSE: VNL) ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng quý 1 lần lượt tăng 16% (239 tỷ đồng) và 47% (5 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Theo VNL, kết quả khả quan là do dịch vụ vận chuyển quốc tế bằng đường biển và dịch vụ hỗ trợ tăng.

Chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, ông Nguyễn Nam Tiến - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VNL cho rằng dịch bệnh làm gián đoạn đến hoạt động giao nhận vận tải khiến cho giá cước tăng cao 3 đến 4 lần, khoản chi phí về cước cũng tăng mạnh, đặc biệt ở mảng hàng không. Song song đó, việc thu hồi công nợ của Công ty diễn ra khó khăn khi khách hàng lấy cớ dịch bệnh để trì hoãn các khoản nợ. Đó là thách thức lớn trong năm 2020 đối với Công ty.

Tuy nhiên, theo ông Tiến: “Dịch bệnh mang lại những xáo trộn nhưng cũng tạo ra cơ hội”. VNL cũng có những cơ hội khác như đối với mảng hàng không trong 2 tháng gần đây, Công ty đang khai thác thêm mảng dịch vụ y tế và có kết quả tốt trước mắt. Như trong 3 tuần qua, VNL đã xuất 80-90 tấn hàng dịch vụ y tế sang Châu Âu. Kết quả này đã giúp bù lại những mảng khác bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Các doanh nghiệp ngành logistics có lãi sau thuế quý 1/2020 tăng trưởng. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh và lượng tàu phải chuyển các cảng ngoài giảm nên đã tiết giảm chi phí. Đồng thời, chi phí lãi vay giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước giúp cho lãi ròng của Container Việt Nam (HOSE: VSC) tăng 42% so với cùng kỳ, đạt hơn 57 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu “tụt dốc” trong 6 tháng đầu năm

Giá đóng cửa của các doanh nghiệp ngành logistics. Đvt: Đồng/cp
Nguồn: VietstockFinance

Theo thống kê của Vietstock, phần lớn giá cổ phiếu các doanh nghiệp ngành logistics đều giảm trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, GMD là cổ phiếu có giá giảm mạnh nhất. Giá cổ phiếu tính đến hết cuối tháng 6 của GMD giảm 20% so với đầu năm, xuống còn 18,600 đồng/cp.

Được biết, trong quý 1, GMD cũng ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng đồng loạt giảm 4% (hơn 601 tỷ đồng) và 5% (gần 114 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước.

Căn cứ vào các dự báo về kinh tế thế giới và Việt Nam và kịch bản tăng trưởng GDP Việt Nam của Bộ Kế hoạch và đầu tư, GMD đưa ra 2 kịch bản kế hoạch kinh doanh cho năm 2020.

Đối với kịch bản 1, GMD lên kế hoạch doanh thu 2020 đạt 2,150 tỷ đồng và 500 tỷ đồng lãi trước thuế, lần lượt giảm 19% và 29% so với thực hiện năm trước. Kịch bản còn lại của GMD giảm mạnh hơn so với kịch bản 1. Cụ thể, doanh thu ghi nhận 2,000 tỷ đồng và lãi trước thuế đạt 430 tỷ đồng, lần lượt giảm 24% và 39% so với 2019. Được biết, kế hoạch lãi lần này là kế hoạch thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây của GMD.

Ngược lại, giá cổ phiếu Vận tải Đa Phương Thức Vietranstimex (UPCoM: VTX) lại tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, gấp 3 lần so với đầu năm trong khi quý 1 ghi nhận lỗ gần 9 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 315 triệu đồng). Theo VTX, do ảnh hưởng chung của dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, đồng thời trong tháng 1 là tháng Tết Nguyên đán nên kết quả kinh doanh của Công ty bị ảnh hưởng.

Tiên Tiên

FILI

Các tin tức khác

>   LIX: BCTC Quý 01.2017 (18/04/2017)

>   VNP: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 (02/07/2020)

>   HCI: Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 (Báo cáo sửa đổi điều lệ) (02/07/2020)

>   TVA: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt (02/07/2020)

>   VNT: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 (02/07/2020)

>   VLW: CTCP Đầu tư Đà Nẵng - Miền Trung - người có liên quan đến Ủy viên HĐQT - đăng ký mua 800,000 CP (02/07/2020)

>   VIE: Nghị quyết Hội đồng quản trị (02/07/2020)

>   TCM: Lãi sau thuế đạt gần 109 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm (02/07/2020)

>   KDH: Báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của tổ chức có liên quan đến người nội bộ Quỹ đầu tư CP Tiếp cận thị trường VN (01/07/2020)

>   C32: Phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích cổ đông bằng sự minh bạch (03/07/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật