Thứ Ba, 07/07/2020 11:02

Kinh tế thế giới 'xuống bằng thang máy, lên bằng thang bộ'

Các hy vọng về cú hồi phục hình chữ V của nền kinh tế thế giới đang dần tan biến, khi dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan mạnh, buộc nhiều nước và các bang ở Mỹ vội vã tái áp đặt lệnh phong tỏa.

* Dịch COVID-19: Cuộc khủng hoảng chưa từng có của kinh tế thế giới

* OECD vẽ ra bức tranh u ám về nền kinh tế thế giới

Một cửa hàng đóng cửa ở TP. Austin, bang Texas, Mỹ. Do số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh trở lại, mới đây chính quyền bang Texas đã tái áp đặt lệnh phong tỏa sau khi được dỡ bỏ hồi cuối tháng 4. Ảnh: Getty

Tiến trình phục hồi chật vật

Nền kinh tế thế giới đang bước vào nửa cuối năm 2020 với tình trạng tổn thương nặng nề do tác động của đại dịch Covid-19, khiến các dự báo về sự hồi phục đầy đủ trong năm nay trở nên xa vời. Thậm chí, triển vọng hồi phục của kinh tế thế giới trong năm tới vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nhiều yếu tố, bao gồm việc liệu văc-xin phòng dịch có thể bào chế thành công và triển khai sớm hay không.

Đó là một viễn cảnh mà ít ai lường trước được vào hồi đầu năm nay, khi mà hầu hết các nhà kinh tế kỳ vọng niềm tin doanh nghiệp sẽ được củng cố nhờ kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng và thỏa thuận thương mại giai đoạn một Mỹ-Trung được ký kết.

Đại dịch Covid-19 “trăm năm mới có một lần” bất ngờ ập đến, khiến người dân trên toàn cầu bước vào thời kỳ mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gọi là “đại phong tỏa”. Các ngân hàng trung ương và các chính phủ đã ứng phó bằng cách tung ra các chương trình kích thích tiền tệ chưa có tiền lệ với trị giá hàng nghìn tỉ đô để ngăn các thị trường sụp đổ và giúp các doanh nghiệp sống sót cho đến khi đại dịch Covid-19 được khống chế.

Tác động của Covid-19 đối với các thị trường lao động nghiêm trọng hơn dự báo ban đầu và bức tranh việc làm chưa thể hồi phục đầy đủ vào nửa cuối năm nay dù trong kịch bản lạc quan nhất, theo nhận định của Tổ chức Lao động Quốc tế (IMO).

Tổ chức này ước tính số giờ làm việc trong quí 2 trên toàn cầu thấp hơn 14% so với thời điểm trước khủng hoảng Covid-19, tương đương 400 triệu việc làm toàn thời gian bị mất mát.

Bất chấp các nỗ lực giải cứu này, thế giới vẫn đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ Đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào thập niên 1930.

Dù một số dữ liệu sản xuất và doanh số bán lẻ ở các nền kinh tế lớn bắt đầu có dấu hiệu cải thiện, hy vọng về cú hồi phục chữ V đã vụn vỡ khi nỗ lực tái mở cửa của doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều bất ổn và rủi ro thất nghiệp đang dần chuyển từ trạng thái tạm thời sang vĩnh viễn.

Thomas Barkin, Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang Richmond (1 trong 12 ngân hàng khu vực của Cục Dự trữ liên bang Mỹ) ví von rằng nền kinh tế thế giới đi xuống bằng thang máy nhưng giờ đây phải đi lên bằng thang bộ.

Tại Hội nghị Đầu tư toàn cầu 2020 do Bloomberg tổ chức hôm 23-6, Carmen Reinhart nhà kinh trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), nói: “Có rủi ro thực sự về cú hồi phục không rõ ràng. Hồi phục thực sự sẽ là ít nhất. Kinh tế toàn cầu phải trở lại tình trạng trước khi khủng hoảng bắt đầu và tôi nghĩ chặng đường đó vẫn còn xa”.

Đà hồi phục kinh tế toàn cầu phụ thuộc nhiều vào việc kìm hãm tốc độ lây lan của dịch Covid-19 và một vắc-xin hiệu quả mà cho đến nay vẫn còn nằm ngoài tầm tay.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo điểm rơi tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19 vẫn ở phía trước khi số ca nhiễm trên toàn cầu đã tăng vượt 11 triệu người, gồm hơn 500.000 người tử vong. Thậm chỉ ở những nước, nơi dịch Covid-19 dường như đã được khống chế, các ổ lây nhiễm mới vẫn thường xuyên bùng lên.

Doanh nghiệp đang “bơi trong bóng tối”

Các ngân hàng trung ương đang trong tâm thế sẵn sàng hành động nhiều hơn nữa. Tại cuộc điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ hôm 30-6, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell, cảnh báo con đường hồi phục của kinh tế Mỹ vẫn “đặc biệt bất ổn” và sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ thành công trong nỗ lực khống chế dịch Covid-19.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Christine Lagarde, nhận định đà hồi phục kinh tế toàn cầu sẽ bị kìm hãm và điều này làm thay đổi mãi mãi nhiều khu vực của nền kinh tế. Bà cho rằng sau khi thoát ra khủng hoảng, các ngành hàng không, khách sạn và giải trí sẽ chuyển sang trong một hình thái khác vì có những tổn thương có thể không khắc phục được.

Các nền kinh tế phát triển có bài học từ tiến trình phục hồi kinh tế ở châu Á, nơi dịch Covid-19 đã được khống chế ở một số nước nhưng triển vọng hồi phục kinh tế vẫn không chắc chắn. Tại Hàn Quốc, nơi đường cong lây nhiễm Covid-19 đã được làm phẳng cách đây vài tháng, các cụm lây nhiễm mới vẫn xuất hiện và gây lo sợ cho người mua sắm.

Cũng như nhiều nền kinh tế châu Á khác, hoạt động sản xuất của Trung Quốc tăng trưởng trong tháng 6 nhưng chỉ số đơn hàng xuất khẩu mới tiếp tục suy yếu.

Trong báo cáo hồi cuối tháng 6, IMF dự báo GDP toàn cầu sẽ suy giảm 4,9% trong năm nay, cao hơn mức dự báo suy giảm 3% do tổ chức này đưa ra hồi tháng 4.

Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng thương mại Liên minh châu Âu (EU) ở Trung Quốc, nhận định triển vọng phục hồi đáng lo ngại đó có nghĩa là các doanh nghiệp đang “bơi trong bóng tối”.

Ông nói: “Cú hồi phục của nền kinh tế thế giới sẽ không theo hình chữ V, cũng chẳng phải là hình chữ W, mà có vẻ giống như hình răng cưa, tức sẽ tăng rồi giảm, giảm rồi tăng trong suốt tiến trình hồi phục khó khăn”.

Nhóm nền kinh tế mới nổi, vốn thường tăng trưởng nhanh, sẽ không còn là cỗ máy kéo tăng trưởng kinh tế toàn cầu như đã từng. WB dự báo tăng trưởng của nhóm này sẽ suy giảm 2,5% trong năm nay, kém nhất kể từ dữ liệu được thống kê vào năm 1960.

Kinh tế phục hồi đầy đủ về mức trước khủng hoảng dường như là điều không thể cho đến khi dịch Covid-19 được khống chế. Điều này đặc biệt đúng với các ngành du lịch, vận tải và giải trí khi các biện pháp hạn chế đi lại, tụ tập đông người dự kiến còn kéo dài.

Các mức nợ kỷ lục gây lo ngại

IMF ước tính vào cuối năm nay, 170 nước, nơi 90% dân số thế giới sinh sống, sẽ có mức thu nhập đầu người thấp hơn so với hồi đàu năm.

Đó là một đảo ngược so với dự báo của tổ chức này hồi tháng 1, cho rằng 160 nước trên thế giới sẽ có quy mô kinh tế lớn hơn vào cuối năm nay và thu nhập trên đầu người ở các nước này sẽ tăng trưởng dương.

Một vấn đề lo ngại khác đối với triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu là các mức nợ kỷ lục sẽ kìm hãm như thế nào đối với các chương trình giải cứu kinh tế mà các chính phủ có thể triển khai thêm. Cho đến nay, tổng kích thích tài khóa trên toàn cầu để vực dậy kinh tế đã lên đến 11.000 tỉ đô la Mỹ.

Các chính phủ đang đau đầu tính toán mở rộng hoặc chấm dứt các biện pháp hỗ trợ tốn kém trong ngắn hạn để trả lương cho người lao động và giúp các doanh nghiệp trụ lại được trong cơn khủng hoảng dịch bệnh. Đồng thời, họ cũng phải sẵn sàng tung ra thêm các gói kích thích dài hạn để thúc đẩy tiến trình phục hồi của nền kinh tế.

Việc vay nợ để có kinh phí triển khai các gói thích kích sẽ dẫn đến các “tác dụng phụ”, chẳng hạn như tình trạng doanh nghiệp “xác sống” (mất khả năng trả nợ nhưng vẫn tạm thời tồn tại nhờ tiền giải cứu), theo Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Natixis.

Herrero nói: “Nếu không dọn dẹp sạch nợ, tiến trình hồi phục trở lại mức tăng trưởng trước khủng hoảng có thể kéo dài lâu hơn”.

Ngân hàng Morgan Stanley dự báo chu kỳ nới lỏng định lượng hiện nay sẽ khiến bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương trên ở Mỹ, Nhật Bản, Anh và khu vực đồng euro (eurozone) sẽ tăng thêm tổng cộng 13.000 tỉ đô la vào cuối năm 2021.

Dù vậy, Kazuo Momma, cựu giám đốc phụ trách giảm sát các vấn đề quốc tế ở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận rằng con số đó đã đủ hay chưa.

Ông nói: “Cuộc khủng hoảng này còn lâu mới chấm dứt”.

Khánh Lan

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Mỹ: Nhiều ngành dịch vụ đạt tăng trưởng trong tháng Sáu (07/07/2020)

>   Cho vay trả góp ăn nên làm ra mùa dịch (07/07/2020)

>   Quan chức Mỹ: Ông Trump đang chuẩn bị các sắc lệnh về Trung Quốc và sản xuất (06/07/2020)

>   Huawei đang chịu sức ép lớn đến mức nào (06/07/2020)

>   Thụy Sĩ có thể mất 15 năm trả nợ phát sinh do Covid-19 (06/07/2020)

>   Những số liệu kinh tế vùi lấp giấc mơ Mỹ (06/07/2020)

>   Anh cân nhắc phát voucher mua sắm cho người dân (05/07/2020)

>   Thời đại 'ai nói gì cũng được' trên Internet chấm dứt từ tuần trước? (05/07/2020)

>   Đức kỳ vọng sẽ đạt tăng trưởng kinh tế từ tháng 10/2020 (05/07/2020)

>   Thương mại điện tử - chìa khóa giúp doanh nghiệp vượt qua COVID-19 (05/07/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật