Gia tộc Hàn Quốc mất gần hết tài sản khi ồ ạt mở chuỗi Paris Baguette
Sau 5 năm mở rộng ồ ạt chuỗi cửa hàng Paris Baguette ra toàn cầu, tài sản của gia đình doanh nhân Hur Young-in, Chủ tịch SPC Group, lao dốc từ 3,6 tỷ USD xuống 770 triệu USD.
Các cửa hàng bánh ngọt Paris Baguette có mặt ở khắp nơi trên thế giới, từ New York (Mỹ), Singapore cho tới Thượng Hải (Trung Quốc), với tấm biển neon màu xanh và logo được phân đôi bởi hình tháp Eiffel - như một tuyên ngôn nhắm vào nước Pháp, kinh đô ẩm thực nổi tiếng với các loại bánh mì.
Tuy nhiên, đứng sau chuỗi cửa hàng Paris Baguette là một gia tộc Hàn Quốc, đứng đầu là Chủ tịch Hur Young-in, nhà lãnh đạo SPC Group. Gia đình Hur Young-in đặt cược phần lớn tài sản vào chuỗi cửa hàng bán các loại bánh nướng mang hương vị châu Á như bánh mì nhân đậu đỏ và bánh ngọt xúc xích.
Khoảng 5 năm trước, SPC Group bắt đầu mở rộng chuỗi Paris Baguette thành 6.000 cửa hàng trên phạm vị toàn cầu, thậm chí ở cả Paris. Tuy nhiên, quyết định này khiến tài sản của gia đình Chủ tịch Hur Young-in sụt giảm từ 3,6 tỷ USD xuống còn 770 triệu USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Một cửa hàng Paris Baguette ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.
|
Lợi nhuận liên tục sụt giảm
Đến nay, lợi nhuận ròng của SPC Group giảm 77% kể từ mức đỉnh cao năm 2016, một phần do thua lỗ từ các khoản đầu tư quy mô lớn ở nước ngoài. Tại thị trường Hàn Quốc, công ty này cũng lao đao khi thị phần của SPC Samlip - tập trung phục vụ người tiêu dùng nội địa - trượt dốc tới 84% từ đỉnh cao năm 2015.
Bloomberg dẫn lời nhà phân tích Han Yu-jung của Daishin Securities nhận định trong ngắn hạn, đây không phải là điều quá đáng lo ngại với SPC Group. “Việc các hãng bán lẻ thực phẩm và đồ uống lỗ trong những năm đầu mở rộng ra nước ngoài là chuyện bình thường", ông Han giải thích. “Thương hiệu của họ có độ nhận diện tốt ở thị trường trong nước, nhưng nước ngoài là câu chuyện hoàn toàn khác”.
Thời gian qua, dịch Covid-19 giáng cú đòn nặng vào ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu, buộc nhiều doanh nghiệp đóng cửa hoặc sa thải nhân viên. Tuy nhiên, SPC Group khẳng định vẫn sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch mở rộng.
Tháng trước, công ty này cho biết sẽ xâm nhập thị trường Canada. Chủ tịch Hur Young-in đặt mục tiêu tăng số lượng cửa hàng Paris Baguette trên toàn cầu lên tới 20.000 vào năm 2030.
Theo truyền thông Hàn Quốc, khởi nguồn của SPC Group là một cửa hàng bánh nhỏ do cha của Chủ tịch Hur Young-in mở vào năm 1945 tại một thị trấn hiện thuộc Triều Tiên. Khoảng 3 năm sau đó, cha ông Hur di dời cửa hàng bánh tới phía nam Seoul và bắt đầu ăn nên làm ra.
Chủ tịch Hur Young-in. Ảnh: Korea Herald.
|
Ông Hur Young-in từng tới Kansas (Mỹ) để học làm bánh tại Viện Công nghệ Nướng bánh Mỹ (AIB). Năm 1983, sau khi trở về Hàn Quốc, ông tiếp quản một trong các thương hiệu bánh của gia đình, trong khi anh trai ông điều hành thương hiệu chủ chốt. Năm 1986, Hur Young-in mở Paris Croissant, một cửa hàng bánh theo phong cách của Pháp. Và Paris Baguette ra đời hai năm sau đó.
Công ty do anh trai ông Hur điều hành phá sản vào năm 1997 sau khi kế hoạch mở rộng đầy tốn kém ra các lĩnh vực bên ngoài thực phẩm và bánh ngọt sụp đổ. Năm 2002, Hur Young-in mua lại công ty của anh trai và thành lập SPC Group vào năm 2004.
Để đẩy mạnh tăng trưởng, Chủ tịch Hur bắt đầu chiến dịch mở rộng kinh doanh ra nước ngoài vào năm 2004 với cửa hàng Paris Baguette đầu tiên tại Thượng Hải. Sau đó, chuỗi Paris Baguette có mặt tại Mỹ với một cửa hàng tại Los Angeles vào năm 2005 và một cửa hàng tại New York 8 năm sau đó.
Đối mặt nguy cơ phá sản
Quyết định “xuất ngoại” của Chủ tịch Hur còn xuất phát từ khó khăn trong nước. Để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ, năm 2013 chính phủ Hàn Quốc quyết định hạn chế số công ty kinh doanh bánh lớn mới. Điều đó có nghĩa là SPC Group buộc phải hướng tới thị trường nước ngoài. “Việc mở rộng kinh doanh ồ ạt ở Hàn Quốc là rất khó khăn. Thị trường nước ngoài trở thành động lực tăng trưởng", nhà phân tích Han của Daishin nhận định.
Hiện, Paris Baguette có gần 300 cửa hàng tại Trung Quốc, hơn 80 cửa hàng tại Mỹ, bán gần 300 sản phẩm từ bánh mì, bánh nướng cho tới bánh ngọt. “Paris Baguette mang phong cách Hàn Quốc đến với văn hóa bánh mì châu Âu", Young Choi, Phó chủ tịch SPC Group, khẳng định.
“Với kỹ thuật làm bánh và chiến lược marketing riêng, chúng tôi đã mở rộng ra nhiều quốc gia khác, trong đó có cả Pháp, quê hương của bánh mì, và đang cố gắng thổi làn gió mới vào văn hóa ẩm thực”, ông nhấn mạnh.
SPC Group cũng mang các thương hiệu khác đến Hàn Quốc như Baskin-Robbins và Dunkin’ Donuts, và mở rộng sang kinh doanh nhà hàng và nhập khẩu. Sau khi mở cửa hàng burger Shake Shack tại Hàn Quốc vào năm 2016, công ty này giành quyền vận hành chuỗi burger Mỹ tại Singapore và đặt mục tiêu mở hơn 10 cửa hàng Shake Shack tại Singapore vào năm 2024.
Hiện, chỉ 20% doanh thu của SPC Group đến từ các cửa hàng Paris Baguette ở nước ngoài. Chủ tịch Hur Young-in và gia đình nắm giữ khoảng 74% cổ phần của SPC Samlip, công ty điều hành các cửa hàng Paris Baguette tại Hàn Quốc và phân phối nguyên liệu.
Một cửa hàng Paris Baguette Boulangerie ở New York. Ảnh: Bloomberg.
|
Năm ngoái, SPC Group báo lợi nhuận ròng hợp nhất 19,2 tỷ won (16 triệu USD), tăng 10% so với năm 2018 nhưng thua xa mức đỉnh 82,5 tỷ won năm 2016. Tăng trưởng doanh thu của SPC Samlip hạ nhiệt xuống còn 10% so với mức 36% năm 2016. Trong 3 tháng đầu năm nay, doanh thu lao dốc 16% so với cùng kỳ năm ngoái do tác động của dịch Covid-19.
Tập đoàn Hàn Quốc cho biết đang cố gắng tránh sa thải nhân viên và đóng các cửa hàng. SPC Group dựa vào dịch vụ giao hàng tận nơi để duy trì doanh số trong thời gian dịch bệnh lan rộng. Tại Mỹ, một nghiên cứu vào tháng 5 cho thấy 2/3 nhà hàng của các công ty niêm yết đối mặt nguy cơ phá sản.
Tuy nhiên, điều này cũng không ngăn được tham vọng phát triển ra thế giới của Hur Young-in. “Trên thế giới người tiêu dùng có xu hướng ăn nhiều bánh mì hơn", Chủ tịch Hur Young-in nói trong một bài phát biểu vào năm 2016. “Thị trường nước ngoài ngày càng lớn hơn và sẽ có nhiều cơ hội hơn".
Nguyễn Duy
Zing.vn
|