Thứ Năm, 30/07/2020 21:50

GDP Mỹ rớt 32.9% trong quý 2, giảm khủng khiếp nhất trong lịch sử

Quý 2/2020, kinh tế Mỹ hứng chịu cú giảm mạnh nhất kể từ ít nhất là thập niên 40, qua đó cho thấy những tác động khủng khiếp của đại dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ và để lại hàng triệu người dân trong cảnh thất nghiệp.

GDP Mỹ lao dốc 9.5% so với quý 1/2020, nhưng sụt tới 32.9% so với cùng kỳ năm trước, các ước tính ban đầu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy trong ngày thứ Năm (30/07). Đây là cú sụp giai đoạn 12 tháng mạnh nhất kể từ khi dữ liệu hàng quý được thu thập từ năm 1947. Tuy nhiên, con số này vẫn còn ít tiêu cực hơn so với ước tính giảm 34.5%. Chi tiêu cá nhân – vốn chiếm 2/3 GDP – rơi 34.6% so với cùng kỳ, cũng là mức giảm kỷ lục.

Con số trên lột tả tác động khủng khiếp từ các lệnh phong tỏa và cách ly tại nhà của Chính phủ trong nỗ lực kiểm soát sự lây lan của Covid-19, song cũng đặt dấu chấm hết cho chuỗi tăng trưởng dài nhất của nước Mỹ. Lượng việc làm, chi tiêu và sản xuất đã cải thiện phần nào kể từ khi quá trình tái mở cửa được đẩy nhanh trong tháng 5/2020 và gói kích thích khổng lồ chạm tới tay người dân Mỹ, nhưng sự gia tăng về số ca nhiễm Covid-19 đã kìm lại đà hồi phục.

GDP Mỹ giảm mạnh kỷ lục

“Chúng tôi biết trước rằng hoạt động sẽ hồi phục mạnh trong tháng 5 và 6/2020, từ đó dọn đường cho sự tăng trưởng GDP mạnh mẽ trong quý 3/2020”, Andrew Hunter, Chuyên gia kinh tế Mỹ cấp cao tại Capital Economics, cho biết trong một báo cáo. “Tuy nhiên, khi sự gia tăng của số ca nhiễm Covid-19 gần đây đè nặng lên nền kinh tế trong tháng 7/2020, khả năng phục hồi theo hình chữ ‘V’ khó mà xảy ra”.

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp

Một báo cáo ngày 30/07 cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng tuần thứ 2 liên tiếp. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu thông qua các chương trình của các bang tăng lên 1.43 triệu trong tuần kết thúc vào ngày 25/07, tăng 12,000 so với tuần trước đó, Bộ Lao động Mỹ cho biết.

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất trong 1 tuần sau khi dữ liệu được công bố, và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm suy giảm.

Mặc dù việc khởi động lại nền kinh tế đã giúp 7.5 triệu người dân Mỹ trở lại làm việc trong tháng 5 và tháng 6/2020, nhưng số lượng việc làm đã giảm 14.5 triệu việc làm so với mức đỉnh trước đại dịch. Cú sụp chóng vánh của nền kinh tế và thị trường việc làm lý giải tại sao Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải giữ lãi suất về gần mức 0 và tại sao phải tung ra vài chương trình cho vay khẩn cấp hướng tới việc thúc đẩy thanh khoản trên thị trường tài chính.

“Chúng tôi đã nhận thấy vài dấu hiệu số ca nhiễm tăng trở lại trong những tuần gần đây và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cũng được tái áp đặt. Điều này bắt đầu gây áp lực lên hoạt động kinh tế”, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết trong cuộc họp báo ngày 29/07 sau khi Fed ra tuyên bố giữ nguyên lãi suất. “Nhìn chung, có vẻ như dữ liệu cho thấy nhịp độ phục hồi kinh tế đang chậm lại, mặc dù vẫn còn quá sớm để nói giai đoạn chững lại có kéo dài hay không.

Khi cuộc bầu cử chỉ còn cách 3 tháng, cử tri Mỹ sẽ buộc phải quyết định xem có tiếp tục bỏ phiếu cho Tổng thống Donald Trump hay không. Họ dĩ nhiên sẽ xem xét tới bối cảnh suy thoái kinh tế vì dịch Covid-19 và những hành động ứng phó của ông Trump trong đại dịch lần này.   

Số liệu GDP cho thấy đà suy giảm quý 2/2020 diễn ra trên diện rộng. Đầu tư kinh doanh vào các công trình, thiết bị và sở hữu trí tuệ giảm 27% so với cùng kỳ, mức lao dốc mạnh nhất kể từ năm 1952, trong khi đầu tư cho nhà ở sụp 38.7%, giảm mạnh nhất kể từ năm 1980. Gần đây hơn, dữ liệu cho thấy sự gia tăng của doanh số nhà ở khi người dân Mỹ tận dụng mức lãi suất vay thế chấp thấp kỷ lục.

Tác động của đại dịch lên phần chi tiêu hộ gia đình cho dịch vụ cũng choáng ngợp: Giảm 43.5% so với cùng kỳ, khiến GDP giảm gần 23 điểm phần trăm. Trong khi đó, phần chi tiêu cho hàng hóa lấy mất của GDP khoảng 2.1 điểm phần trăm.

Sau khi thông qua Đạo luật cứu trợ thảm họa dịch Covid-19 (Cares Act) vào cuối tháng 3/2020, gói kích thích lớn nhất trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ, chi tiêu và đầu tư Chính phủ tăng 2.7% so với cùng kỳ, khi khoản chi tiêu ngoài quốc phòng (non-defense) tăng 39.7%, mạnh nhất kể từ năm 1967. Tuy nhiên, chi tiêu của bang và địa phương lao dốc 5.6% giữa lúc doanh thu thuế suy giảm.

Báo cáo cũng cho thấy hàng tồn kho khiến GDP giảm 4 điểm phần trăm, trong khi thương mại giúp GDP có thêm 0.7 điểm phần trăm.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI

Các tin tức khác

>   Danh sách các 'ông lớn' châu Âu thua lỗ tiếp tục nối dài (30/07/2020)

>   GDP Đức giảm hơn 10% vì đại dịch Covid-19 (30/07/2020)

>   Chủ tịch Fed giữ vững tinh thần ‘làm tất cả những gì có thể’ để hỗ trợ kinh tế (30/07/2020)

>   Boeing thông báo thua lỗ lớn, cân nhắc tiếp tục cắt giảm nhân viên (30/07/2020)

>   Ấn Độ ngăn công ty Trung Quốc tiếp cận thị trường đầu tư công (30/07/2020)

>   Khi đại dịch COVID-19 cản trở giấc mơ của Trung Quốc (30/07/2020)

>   Các tỷ phú công nghệ bị chỉ trích vì giàu nhanh (29/07/2020)

>   Mỹ lỡ thời cơ vàng chống Covid-19 vì kỳ thị khẩu trang (29/07/2020)

>   CNN: Nga chuẩn bị phê duyệt vắc-xin ngừa Covid-19 vào giữa tháng 8/2020 (29/07/2020)

>   Vắc-xin của Moderna ngừa Covid-19 hiệu quả trên thú, chờ thử nghiệm trên 30,000 người (29/07/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật