Đường đi của tiền...
Tiền rẻ đang được bơm ra ồ ạt để chống chọi với nguy cơ suy thoái, nhưng các hoạt động kinh doanh vẫn trì trệ, lãi suất tiền gửi ngân hàng liên tiếp giảm xuống mức thấp, dòng vốn liệu sẽ chọn những kênh đầu tư thay thế nào?
Trong những ngày này, nếu ai đi ngang qua trung tâm quận 1, TPHCM sẽ thấy các cửa hàng kinh doanh sang trọng và sôi động trước đây hoang vắng lạ thường, thậm chí phần nhiều trong số đó đã nghỉ bán và đóng cửa. Hay như khu vực chợ Bến Thành một thời sầm uất và tấp nập, nay cũng đìu hiu vắng vẻ theo cách không thể ngờ tới.
Tuy nền kinh tế đã gỡ bỏ giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 từ hơn hai tháng qua, nhưng phải thừa nhận rằng một lực lượng các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vẫn chưa thể gượng dậy được, hay thậm chí đã gục ngã hoàn toàn, khi không còn mua bán gì được nữa. Đơn cử như rất nhiều cửa hàng, khách sạn ở trung tâm thành phố, từ trước đến nay gần như chỉ đơn thuần bán các sản phẩm, dịch vụ cho khách du lịch nước ngoài, nhưng cho đến giờ này hoạt động du lịch quốc tế vẫn chưa được phép mở cửa trở lại, thì lấy đâu ra khách hàng để phục vụ.
Ở khu vực sản xuất, số lượng đơn hàng cứ giảm dần, khi nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang chật vật chống chọi các đợt bùng phát dịch mới, dẫn đến thương mại toàn cầu vẫn trì trệ. Trong tình thế này, số lượng lao động thất nghiệp tiếp tục gia tăng, buộc nhiều người phải khó nhọc tìm kiếm kế sinh nhai mới, giữa thời buổi nền kinh tế vẫn đang ở giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều năm qua.
Theo xu hướng của toàn cầu, Việt Nam cũng tích cực bơm tiền rẻ ra nền kinh tế để chống suy thoái và hỗ trợ tăng trưởng, giúp nền kinh tế sớm phục hồi, thông qua các chính sách mở rộng tài khóa, nới lỏng tiền tệ và những gói giải cứu, hỗ trợ các đối tượng (doanh nghiệp, người lao động) bị thiệt hại bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, đến nay, hiệu quả của các chính sách này còn thấp, thể hiện qua việc trong sáu tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 33% kế hoạch và tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chỉ 3,26% - thấp nhất trong hơn một thập niên qua.
Khi các hoạt động trong nền kinh tế chậm lại, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh giảm năng lực sản xuất, lượng tiền nhàn rỗi (nếu có) của họ buộc phải tìm kiếm những nơi vẫn có thể tạo ra lợi nhuận. Đó cũng là lý do giúp kênh tiền gửi ngân hàng vẫn có sự tăng trưởng tương đối, duy trì cao hơn xu hướng tăng trưởng tín dụng suốt từ đầu năm đến nay.
Tuy nhiên, với việc mặt bằng lãi suất liên tiếp giảm xuống trong sáu tháng qua và hiện đã rớt về mức thấp nhất trong gần 20 năm qua, sau đợt điều chỉnh mạnh tay gần nhất vào đầu tháng 7 diễn ra đều ở các kỳ hạn, kênh tiền gửi ngân hàng hiện nay không còn thật sự hấp dẫn, khi mà lãi suất ở nhiều kỳ hạn đã giảm về mức thấp hơn cả lạm phát kỳ vọng.
Trong khi đó, dòng vốn đầu tư quốc tế hưởng lợi từ chính sách lãi suất thấp của các ngân hàng trung ương, các gói nới lỏng định lượng của các chính phủ, đang ra sức tìm kiếm những thị trường, tài sản sinh lời tiềm năng nhất.
Trước tình hình này, các kênh đầu tư khác kênh tiền gửi ngân hàng đang thu hút sự quan tâm nhiều hơn. Nhiều người tin rằng trong giai đoạn khủng hoảng tiền mặt là vua, nhưng thực tế ít ai ôm khư khư tiền mặt mà không tìm cách để sinh lời, vì lạm phát rồi sẽ làm xói mòn giá trị tài sản nay.
Nhìn vào số lượng tài khoản chứng khoán nhà đầu tư cá nhân mở mới liên tiếp duy trì ở mức cao suốt từ tháng 3 đến nay, có thể thấy kênh đầu tư này đang nhận được sự quan tâm khá lớn. Thực tế dòng tiền mới từ các nhà đầu tư F0 - những người lần đầu tiên tham gia thị trường, đã là lực đỡ quan trọng giúp chứng khoán vẫn duy trì được xu hướng phục hồi từ đầu quí 2 đến nay.
Đây cũng là xu hướng đã diễn ra tại nhiều quốc gia trong thời gian qua. Trong bối cảnh thất nghiệp tạm thời phải ngồi nhà, nhiều hoạt động vui chơi giải trí bị hạn chế, nhiều người đã tìm đến kênh đầu tư chứng khoán với mong muốn kiếm lợi nhuận mỗi ngày để trang trải các chi tiêu, nhất là trước những dự báo chứng khoán sẽ hưởng lợi từ các gói kích thích kinh tế. Ngay cả doanh nghiệp cũng tìm cách “đánh quả” chứng khoán, khi dòng tiền nhàn rỗi và các hoạt động kinh doanh cốt lõi đang gặp nhiều khó khăn và rào cản.
Trong khi đó, chứng kiến việc thị trường bất động sản thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ lừa đảo, thậm chí những dự án thời thượng và hạng sang như condotel cũng làm mất niềm tin từ giới đầu tư, không loại trừ khả năng một lượng lớn nhà đầu tư đã và đang chạy từ kênh bất động sản qua chứng khoán.
Thực tế trong bối cảnh rủi ro nền kinh tế gia tăng như hiện nay, những thị trường có tính thanh khoản thấp, các thủ tục mua bán mất nhiều thời gian như nhà đất có thể khiến nhiều người phải cân nhắc. Bù lại, chứng khoán có tính thanh khoản, mua nhanh bán nhanh và nhà đầu tư có thể tháo chạy bất cứ lúc nào khi nhận thấy nền kinh tế, thị trường đã vào giai đoạn “nguy hiểm”.
Đối với kênh đầu tư vàng và ngoại tệ, các cơ quan quản lý vẫn duy trì chính sách kiểm soát chặt chẽ, nên “sóng sánh” rõ ràng cũng kém hấp dẫn, cộng thêm rủi ro pháp lý vẫn không thể loại trừ, đặc biệt là kênh mua bán ngoại tệ trên các thị trường không chính thức. Ngay cả thị trường vàng - tài sản an toàn bậc nhất trong giai đoạn hiện nay, dù giá vàng quốc tế thời gian qua tăng trưởng khá tốt, nhưng mức độ sinh lời cũng không phải là hấp dẫn nếu đem so với mức tăng vài chục phần trăm hoặc thậm chí tính bằng lần của một số cổ phiếu trong hơn ba tháng qua.
Bên cạnh đó, kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sau nhiều năm tăng trưởng nóng thì mới đây cũng lại bị cảnh báo một lần nữa, khiến những nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao cũng sẽ phải thật sự cân nhắc kỹ càng, nhất là khi ngày càng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, số lượng doanh nghiệp có nguy cơ phá sản gia tăng.
Vì lẽ đó, dòng tiền nhàn rỗi, dòng tiền từ các kênh đầu tư khác tạm thời chạy vào thị trường chứng khoán cũng là điều dễ hiểu, khi mà nhiều người kỳ vọng dòng tiền rẻ từ các chính sách nới lỏng sẽ tham gia thúc đẩy thị trường, cũng như tin rằng nền kinh tế đã tạo đáy vào quí 2 vừa qua và đang phục hồi trở lại, trong khi chứng khoán luôn được cho là phong vũ biểu của nền kinh tế và thường phản ánh trước sáu tháng.
Những dự báo lạc quan gần đây của nhiều tổ chức quốc tế, công ty chứng khoán về nền kinh tế Việt Nam cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam từ nay đến cuối năm đã phần nào thể hiện quan điểm này. Dù vậy, phải thẳng thắn thừa nhận rằng dòng tiền đổ vào chứng khoán hiện nay cũng chỉ mang tính đầu cơ ngắn hạn. Một khi nền kinh tế mở cửa toàn diện trở lại, các hoạt động giao thương, thương mại, dịch vụ, du lịch phục hồi hoàn toàn như trước đây, dòng tiền nóng này sẽ lại rút ra để phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, xu hướng thị trường và tâm lý các nhà đầu tư sẽ tiếp tục phụ thuộc lớn vào diễn biến dịch bệnh trong nước có tiếp tục được kiểm soát tốt.
Thụy Lê
TBKTSG
|