Điều gì làm cổ phiếu lên và xuống?
Phần đông những nhà đầu tư F0 bước vào thị trường trong giai đoạn chẳng thể nào thuận lợi hơn. Việc cứ mua là thắng liệu có làm họ bỏ qua những lý do khiến cổ phiếu tăng giảm.
Sau khi bổ nhào vì Covid-19, thị trường chứng khoán đảo chiều kể từ tháng 04/2020. Thanh khoản bùng nổ, số lượng tài khoản mở mới kỷ lục và VN-Index, bất kể có sự điều chỉnh trong tháng 6 thì cũng đã hồi phục trên 30% từ đáy. Hơn hai năm sau thời kỳ sôi động đầu 2018, thị trường mới lại hứng khởi như vậy, dưới sự dẫn dắt của những nhà đầu tư nội địa.
Lượng mở mới tài khoản chứng khoán tăng đột biến kể từ tháng 03/2020
Nguồn: VSD, Vietstock tổng hợp
|
Những nhà đầu tư lần đầu đến với thị trường chứng khoán, thường được gọi vui là F0, tham gia cuộc chơi sau khi “máu đã đổ” trong suốt tháng 3 đen tối. Với những ai mua cổ phiếu niêm yết HOSE trong ngày đầu tháng 4 và nắm giữ cho đến nay, xác suất chỉ là 15% để họ phải chịu thua lỗ.
“Mua vậy thôi chứ cũng chẳng biết doanh nghiệp như thế nào, Vinamilk (HOSE: VNM) thì chắc chắn là doanh nghiệp lớn và làm ăn tốt rồi”, L.A.H, kỹ sư phần cứng 25 tuổi, tươi cười khi đang lướt xem tài khoản giao dịch trên điện thoại. Lần đầu tiên mua cổ phiếu trong đời, anh có lời hơn 17% với mã VNM.
Việc kiếm lợi dễ dàng trước mắt dường như khiến một bộ phận nhà đầu tư mới bỏ qua những nguyên nhân làm cổ phiếu tăng giảm. Tại sao họ phải quan tâm khi mua gì cũng có lời chứ?
Tuy thế, một số khác chọn hướng đi thú vị hơn: Hỏi trực tiếp những lãnh đạo điều hành doanh nghiệp.
“Ban chủ tọa nghĩ gì về giá cổ phiếu của công ty?”
Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 vừa diễn ra, Chủ tịch Địa ốc Hoàng Quân (HOSE: HQC) - ông Trương Anh Tuấn không xác nhận mức giá thấp của cổ phiếu HQC (bấy giờ khoảng 1,000 đồng/cp) là do các “cá mập” đè giá. Tuy nhiên, vị Chủ tịch cho biết, từng có ít nhất 10 đội nhóm đến đặt vấn đề hợp tác làm giá cổ phiếu nhưng ông đã từ chối. Ngay sau đại hội, cổ phiếu HQC tăng trần 11 phiên liên tiếp.
Một góc nhìn khác, Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến của Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HOSE: ITA) nhận xét thị trường chứng khoán Việt Nam không căn cứ chính vào hoạt động kinh doanh, tiềm năng doanh nghiệp mà lại chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác. “Cổ phiếu ITA thấp hơn nhiều so với giá trị thực”, bà nói.
Mỗi vị lãnh đạo nói về cổ phiếu theo một cách khác nhau. Thiết kế: Tuấn Trần
|
Chủ tịch Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) - Cao Thị Ngọc Dung thì cho rằng, sự suy giảm hiện tại của cổ phiếu PNJ không vì bản chất công ty đi xuống mà đến từ ảnh hưởng của thị trường chung, “vì toàn nhóm cổ phiếu bán lẻ giảm nên PNJ cũng giảm”.
Tổng Giám đốc Mai Kiều Liên của Vinamilk (HOSE: VNM) thì dẫn chứng sang thị trường chứng khoán Mỹ để lý giải về diễn biến của thị trường nội địa. Theo quan sát của bà, Dow Jones (chỉ số cổ phiếu tham chiếu tại thị trường Mỹ, bao gồm 30 cổ phiếu của các công ty hàng đầu - PV) tăng thì cổ phiếu Việt cũng tăng.
Hai chia sẻ bởi nữ doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung và Mai Kiều Liên cùng để lại một bài học. Trên sàn chứng khoán, bạn không chỉ phải chú ý đến sự vận động của cổ phiếu mình nắm giữ, mà còn cần để mắt đến vận động tương quan giữa cổ phiếu đó với những cổ phiếu, chứng khoán khác cùng giao dịch trên thị trường.
Việc một thị trường cách xa nửa vòng trái đất lại có ảnh hưởng lớn đến diễn biến tăng giảm của cổ phiếu Việt là điều trái khoáy với những nhà đầu tư giá trị vốn tập trung vào dài hạn. Tuy nhiên, với những nhà giao dịch, đặc biệt là trong thời gian qua, bạn sẽ không bất ngờ khi VN-Index chuyển từ sắc xanh sang đỏ trong tích tắc nếu các hợp đồng tương lai Dow Jones bỗng âm vài trăm điểm vào phiên chiều (biểu thị khả năng chỉ số Dow Jones cơ sở sẽ sụt giảm trong phiên tối theo giờ Việt Nam).
“Tôi không thể giải thích được những biến động giá cổ phiếu trên thị trường”, là lời chia sẻ của Tổng Giám đốc Thép Nam Kim (HOSE: NKG) Võ Hoàng Vũ với cổ đông tại cuộc họp thường niên diễn ra giữa tháng 6 vừa qua. Theo ông Vũ, việc tốt nhất mà ban điều hành nên làm vẫn là kinh doanh thật tốt, và qua thời gian giá cổ phiếu sẽ phản ánh lại những kết quả của doanh nghiệp.
Các con số tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng luôn là điều nhà đầu tư trông ngóng. DBC và DGW là hai cổ phiếu bật tăng mạnh mẽ thời gian qua, và đến nay thị giá đã vượt xa mức giao dịch trước khi Covid-19 xuất hiện. Nhiên liệu cho sự bứt phá chính là việc làm ăn bùng nổ giữa giai đoạn nhiều doanh nghiệp khác đang xoay xở khó khăn.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, lợi nhuận tăng trưởng không phải là yếu tố bắt buộc để một cổ phiếu tăng giá. Sau giai đoạn đổ đèo, cổ phiếu hàng không đảo chiều khởi sắc bất chấp viễn cảnh làm ăn u ám của doanh nghiệp.
Bên kia đại dương, huyền thoại đầu tư Warren Buffett cũng chẳng có câu trả lời. Vị thuyền trưởng của đế chế Berkshire Hathaway đã bán tất cả cổ phiếu hàng không, với những lời nhận định đầy bất ổn về tương lai của ngành, ngay trước khi các cổ phiếu đó bật tăng trở lại.
Đương nhiên, về dài hạn, điều tiên quyết giữ lửa cho thành tích của cổ phiếu sẽ xoay quanh việc doanh nghiệp có chứng minh được khả năng sinh lời hay không. Lần thử lửa gần nhất sẽ là kỳ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2, soát xét bán niên của doanh nghiệp niêm yết.
VN-Index đã lội ngược dòng ngoạn mục chỉ trong vài tháng. Với vai trò phong vũ biểu, thị trường chứng khoán hàm ý về một mẫu hình hồi phục kinh tế chữ V. Người ta thường bảo thị trường là gương phản chiếu tương lai, nhưng nhiều lúc nó chỉ phản ánh kỳ vọng. Khi những mức giá cổ phiếu lên cao, nếu việc làm ăn của doanh nghiệp không như mong đợi thì có lẽ hình phạt dành cho nhà đầu tư mộng mơ sẽ tỉnh giấc chẳng mấy vui vẻ.
Thừa Vân
FILI
|