Thứ Ba, 14/07/2020 10:41

Dịch vụ 'mua trước, trả sau' không tính lãi thắng lớn trong mùa dịch

Covid-19 đẩy hàng loạt doanh nghiệp vào tình cảnh nguy khốn nhưng cũng giúp không ít doanh nghiệp được hưởng lợi. Công ty khởi nghiệp (startup) Afterpay ở Úc đang chứng kiến đà tăng trưởng thần tốc nhờ cung cấp dịch vụ "mua trước, trả sau", được người tiêu dùng yêu chuộng giữa lúc làn sóng thất nghiệp càn quét khắp toàn cầu.

Nick Molnar, người đồng sáng lập Afterpay. Ảnh: WSJ

Giá cổ phiếu tăng hơn 9 lần nhờ dịch Covid-19

Afterpay là một startup non trẻ, được thành lập cách đây 5 năm. Công nghệ của Afterpay cho phép người dùng mua hàng trả góp theo bốn đợt trong vòng hai tháng. Các mặt hàng chào bán trên nền tảng Afterpay, do các đối tác bán lẻ cung cấp, bao gồm thời trang, mỹ phẩm, đồ trang trí nhà cửa, dụng cụ tập thể dục tại nhà...

Người dùng mua trả góp từ Afterpay không phải trả lãi nhưng sẽ phải nộp phí trả chậm 7 đô la Mỹ đối với đơn hàng có giá trị dưới 28 đô la Mỹ nếu họ không thanh toán đúng hạn khoản trả góp. Đối với đơn hàng có giá trị từ 28 đô la Mỹ trở lên, phí trả chậm sẽ cao hơn nhưng không quá 12 đô la. Hơn nữa, tài khoản của họ cũng bị khóa cho đến khi họ thanh toán xong khoản nợ trả góp.

Afterpay cho biết tính năng này giúp hạn chế nợ xấu, đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế suy thoái khi triển vọng việc làm ảm đạm và nguồn ngân sách chi tiêu của các hộ gia đình trở nên eo hẹp.

Hầu hết doanh thu của Afterpay đến từ các đối tác bán lẻ, những bên đồng ý trả hoa hồng theo phần trăm của giá trị đơn hàng mà người dùng Afterpay đặt mua cộng với một mức phí cố định.

Kể từ khi thị trường chứng khoán Úc chạm đáy vào ngày 23-3, giá cổ phiếu Afterpay đã chứng kiến cú bứt phá ngoạn mục với mức tăng hơn chín lần, giúp startup này trở thành công ty công nghệ có vốn hóa lớn nhất tại Úc, khoảng 13,5 tỉ đô la Mỹ.

Afterpay thắng lớn một phần là nhờ quyết định mở rộng hoạt động tại thị trường Mỹ thông qua các thỏa thuận hợp tác với các nhà bán lẻ thời trang như Anthropologie và Free People.

Trong bốn tháng qua, Afterpay đón nhận thêm 1,6 triệu người dùng mới tại Mỹ.

Giới phân tích dự báo các nhà cung cấp dịch vụ mua trước, trả sau sẽ chật vật trong cơn suy thoái kinh tế do nợ xấu gia tăng và người dân thắt chặt chi tiêu khi việc làm mất mát và thu nhập giảm xuống. Tuy nhiên, tình hình dường như đang diễn biến trái ngược với dự báo của họ.

Afterpay vừa trải qua quí kinh doanh tốt nhất. Người mua sắm trên toàn cầu đổ xô chuyển sang sử dụng các dịch vụ mua trước, trả sau trong thời kỳ phong tỏa kiểm soát dịch bệnh, giúp tổng giá trị giao dịch hàng hóa và dịch vụ (GMV) ở nền tảng Afterpay đạt mức kỷ lục 3,8 tỉ đô la Úc (2,64 tỉ đô la Mỹ), tăng 127% so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn GMV của Afterpay đến các khách hàng Úc và Mỹ.

Trong khi đó, lượng người dùng thường xuyên của Afterpay trên toàn cầu vào cuối tháng 6 đạt 9,9 triệu người, tăng 116% so với cách đây một năm. Trong giai đoạn từ 1-4 đến 30-6, trung bình mỗi ngày, Afterpay đón nhận thêm 20.500 người dùng mới.

Nick Molnar, người đồng sáng lập Afterpay, cho biết vào thời kỳ đầu của đại dịch, khách hàng chủ yếu mua các mặt hàng liên quan đến sức khỏe, giải trí và trang trí nhà cửa từ nền tảng Afterpay. Tuy nhiên, đến tháng 4, họ mua trang thiết bị và dụng cụ văn phòng tại nhà nhiều hơn. Đến đầu tháng 5, họ chuyển sự chú ý sang các sản phẩm thời trang và nữ trang.

Hấp dẫn nhờ không tính lãi suất

Tính từ ngày 23-3 đến ngày 10-7, cổ phiếu Afterpay trên thị trường chứng khoán Úc đã tăng giá hơn 9 lần. Ảnh: Yahoo Finance

Hiện nay, lĩnh vực thanh toán là một trong những phân khúc tăng trưởng năng động nhất trong thế giới công nghệ tài chính, thu hút hàng tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư mạo hiểm, khiến các ngân hàng dè chừng và lo lắng trước sự trỗi dậy của các đấu thủ mới nổi, am hiểu công nghệ.

Giá cổ phiếu của hãng thanh toán trực tuyến PayPal đã tăng 65% trong năm nay, giúp vốn hóa thị trường của công ty này lớn hơn bất cứ ngân hàng nào ở Mỹ, ngoại trừ Ngân hàng JPMorgan Chase. Trong khi đó, vốn hóa thị trường của hãng thanh toán di động Square cũng tăng gấp đôi lên hơn 50 tỉ đô la Mỹ trong cùng thời gian.

Afterpay và các đối thủ cung cấp dịch vụ mua trước, trả sau khác bao gồm Zip Co., Splitit Payments Ltd. và Sezzle Inc., đang nhắm đến ngành công nghiệp thanh toán toàn cầu có giá trị 1.900 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, theo hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Co. Dù miếng bánh doanh thu của họ vẫn còn bé nhỏ so với mức doanh thu khổng lồ 83,5 tỉ đô la của Visa, Mastercard và American Express trong năm 2019, các startup này đang tăng trưởng rất nhanh.

Sally Tindall, Giám đốc nghiên cứu của trang so sánh tiêu dùng RateCity, cho rằng sự trỗi dậy của các dịch vụ mua trước, trả sau chủ yếu nhờ phương thức trả góp không tính lãi suất.

“Với quy trình đăng ký không phức tạp, không tính lãi suất và không trả bất kỳ loại phí nào nếu bạn trả góp đúng hạn, các nền tảng mua trước trả sau sẽ tiếp tục tăng trưởng”, Tindall nhận định.

Christy McKnight, một kế toán 35 tuổi từ Adelaide, Úc, có chồng bị mất việc hồi tháng 3, đã ngừng sử dụng ba thẻ tín dụng của Visa để chuyển sang mua hàng trả tiền sau từ nền tảng Afterpay.

Paul Becher, một dược sĩ về hưu ở bang New South Wales (Úc) cho biết thẻ tín dụng của ông áp mức lãi suất vay tiêu dùng đến 29% và đó là lý do ông chuyển sang sử dụng dịch vụ mua trước trả sau.

Afterpay vẫn đang thua lỗ song startup non trẻ này đã lọt vào tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư lớn bao gồm Tencent (Trung Quốc), một trong hai công ty đang thống lĩnh thị trường thanh toán số hóa ở Trung Quốc. Hồi tháng 4, Tencent đã chi gần 300 triệu đô la để mua 5% cổ phần của Afterpay.

Tuần trước, Afterpay đã huy động thành công 452 triệu đô la Mỹ từ các nhà đầu tư tổ chức để chuẩn bị thâm nhập vào các nước nước khác.

Tuy vậy, đại dịch Covid-19 buộc Afterpay phải tìm cách giảm rủi ro, chẳng hạn yêu cầu khách hàng phải đóng trước khoản trả góp đầu tiên, giảm thời gian trả góp xuống còn 45 ngày thay vì 60 ngày.

Tính đến ngày 30-6, Afterpay có 5,6 triệu người dùng thường xuyên ở Mỹ, chiếm hơn 50% lượng người dùng toàn cầu của nền tảng này.

Nhiều nhà phân tích cho rằng tốc độ tăng trưởng của Afterpay có thể chậm lại khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng. Để duy trì động lực tăng trưởng, Afterpay cho biết sẽ mở rộng sự hiện diện ở các cửa hàng trực tiếp tại Mỹ và thâm nhập vào thị trường Canada vào tháng 9 tới.

Dịch vụ mua trước trả sau không tính lãi suất của Afterpay cho phép công ty này né được định nghĩa về dịch vụ cho vay nợ theo luật Mỹ vì vậy, Afterpay không bị quản lý gắt gao như các công ty tài chính khác.

Tuy nhiên, nhà phân tích Tom Beadle của ngân hàng UBS, cảnh báo: “Afterpay càng thành công thì công ty này càng thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý”.

Afterpay cho biết bằng cách triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ và hạn chế mức chi tiêu mua hàng, công ty đang cung cấp một công cụ quản lý chi tiêu, chứ không phải một dịch vụ tín dụng.

Nick Molnar, người đồng sáng lập Afterpay, nói: “Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng một nền kinh tế để mọi người cùng hưởng lợi”

Chánh Tài

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Dịch COVID-19: Hơn 80 tỷ phú kêu gọi tăng thuế nhằm vào giới siêu giàu (14/07/2020)

>   Tỷ phú pin nắm giữ tương lai Tesla tại Trung Quốc (13/07/2020)

>   Tỷ phú Lý Gia Thành kẹt giữa xung đột Trung Quốc và phương Tây (08/07/2020)

>   Ông chủ Zara lần đầu tiết lộ khối bất động sản (07/07/2020)

>   Tài sản của tỷ phú giàu nhất Nhật Bản tăng vọt lên 29 tỷ USD (07/07/2020)

>   Điểm chung của 3 tỷ phú chứng kiến công ty suy sụp, tài sản bay hơi (03/07/2020)

>   Bỏ học cấp 3, người đàn ông Nhật Bản trở thành tỷ phú giữa đại dịch (02/07/2020)

>   Một vài con số cho thấy độ giàu có của ông chủ Facebook (01/07/2020)

>   Chiến dịch tẩy chay Facebook liệu có đánh bại được Mark Zuckerberg? (01/07/2020)

>   CEO Airbnb: “Công sức 12 năm gầy dựng tan tành trong vòng 6 tuần” (29/06/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật