Thứ Bảy, 11/07/2020 14:20

Đằng sau đà tăng của chứng khoán Mỹ là nỗi sợ hãi dâng trào

Ẩn bên dưới đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ là tâm lý ngày càng lo ngại của nhà đầu tư.

Những vụ bán khống chứng chỉ quỹ ETF SPDR S&P 500 vẫn ở mức rất cao và gần đây còn tăng mạnh hơn, ngay cả khi chứng chỉ quỹ đó đã tăng 41% từ mức đáy tháng 3/2020. Chỉ số VIX – chỉ số đo lường nỗi lo sợ của thị trường chứng khoán – vẫn ở mức rất cao, trong khi nhà đầu tư đang đổ vốn vào các sản phẩm có thể phòng ngừa thua lỗ. Đồng thời, lượng tiền mặt ở mức gần kỷ lục đang đứng ngoài thị trường.

Nhiều số liệu thống kê cho thấy tâm lý thận trọng đang cuộn trào bên dưới một đà tăng đã bỏ lại đằng sau mọi thứ ngoại trừ những công ty công nghệ lớn nhất. Các ông lớn công nghệ như Apple và Amazon đã chạm kỷ lục mới, đồng thời giúp S&P 500 chống đỡ tác động tiêu cực từ sự gia tăng về số ca nhiễm Covid-19.

“Đây là một thị trường con bò chưa thực sự được hoan nghênh”, Emily Roland, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại John Hancock Investment Management, cho hay. “Chắc chắn là sự hoài nghi đang cắm rễ trong tâm trí nhà đầu tư tại thời điểm này và điều đó cũng hợp lý thôi”.

Phe bán khống cứng đầu

Tâm lý hoài nghi thể hiện rõ ràng qua đoàn quân bán khống chứng chỉ quỹ SPDR S&P 500 ETF Trust – có mức định giá 278 tỷ USD. Tỷ lệ bán khống trên số lượng chứng chỉ quỹ đang lưu hành của quỹ SPDR S&P 500 ETF Trust – một chỉ báo thô sơ về mức độ bán khống – hiện ở mức 5.1%, theo dữ liệu từ IHS Markit. Hồi ngày 03/03/2020, tỷ lệ này chạm mức gần kỷ lục là 7.4% và từng ở thấp tới mức 1.2% vào đầu năm 2020.

“Chẳng còn nghi ngờ gì nữa”, các gói kích thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đẩy giá tài sản lên cao và điều này có thể lý giải tại sao nhà đầu tư không yêu thích đà tăng hiện tại, theo Penn Mutual Asset Management.

“Thật khó để yêu thích một đà tăng xuất phát từ nguyên do thanh khoản thay vì sự tuyệt vời của lợi nhuận doanh nghiệp”, Mark Heppenstall, Giám đốc đầu tư tại Penn Mutual Asset Management, nhận định.

Nỗi sợ hãi dâng cao

Mặc dù vẫn ở dưới mức đỉnh của tháng 3/2020, nhưng chỉ số VIX vẫn đang nhấp nháy tính hiệu cảnh báo đối với một thị trường vừa ghi nhận quý tốt nhất kể từ năm 1998. Chỉ số này vẫn ở mức 27, gần gấp đôi so với mức đáy tháng 2/2020. Trong năm 2019, chỉ số này đều dưới 30.

Thông thường, sự đi lên của chứng khoán đi kèm với đà giảm của chỉ số sợ hãi VIX, vì khi đó thị trường phản ánh thông tin tốt. Tuy nhiên, đà hồi phục chóng vánh của thị trường cổ phiếu đã làm đảo lộn mối quan hệ đó, theo Goldman Sachs Group.

Ngoài ra, sự cẩn trọng còn hiển hiện qua dòng chảy ETF. Quỹ ProShares Ultra VIX Short-Term Futures ETF – quỹ ETF đầu tư dựa vào chỉ số biến động VIX – hút ròng khoảng 263 triệu USD trong tuần trước, tuần hút ròng mạnh nhất kể từ năm 2016 và đang ghi nhận thêm 159 triệu USD trong tuần này.

Xây dựng tấm đệm an toàn

Bối cảnh hiện tại đã làm nảy sinh nhu cầu đầu tư vào các quỹ ETF dạng buffer (tấm đệm) – vốn có thể giúp nhà đầu tư phòng ngừa một tỷ lệ thua lỗ nhất định nhưng bù lại, họ phải bị kìm lại về tỷ suất sinh lợi. Đây là lĩnh vực ETF do nhà phát hành Innovator ETFs đi đầu. Quỹ này đã thu hút hơn 3 tỷ USD kể từ ngày đầu ra mắt trong năm 2018.

“Đối với những người đang sợ lỡ tàu (FOMO), đang đứng bên ngoài thị trường và đã bỏ lỡ đà hồi phục 40%, họ đang nghĩ ‘liệu có nên vào thị trường lúc này hoặc liệu thị trường đã đạt đỉnh hay chưa?’”, Bruce Bond, Giám đốc điều hành của Innovator ETFs, cho hay. “Quỹ dạng buffer cho phép nhà đầu tư tham gia vào đà tăng mà không cần phải định thời điểm thị trường một cách hoàn hảo”.

Cho tới nay, các quỹ ETF buffer đã phát huy tác dụng. Khi chứng khoán Mỹ chạm đáy vào ngày 23/03, chứng chỉ quỹ của Innovator S&P 500 Power Buffer ETF chỉ lỗ 17.5%, thấp hơn nhiều so với đà giảm 30% của S&P 500. 4 tháng sau, chứng chỉ quỹ này tăng 1.3% trong năm 2020, trong khi S&P 500 vẫn còn giảm 1.4%.

Kho tiền mặt khổng lồ

Hiện đang có lượng tiền mặt khổng lồ đứng bên ngoài thị trường. Các quỹ thị trường tiền tệ (money-market) của Mỹ hút ròng 1 ngàn tỷ USD trong lúc thị trường biến động vì Covid-19 và đẩy tổng tài sản của các quỹ này lên gần 4.8 ngàn tỷ USD vào cuối tháng 5/2020. Cho đến nay, tổng tài sản của các quỹ thị trường tiền tệ vẫn ở mức 4.65 ngàn tỷ USD, dữ liệu từ Viện Công ty Đầu tư (ICI) cho thấy.

“Lượng tiền này phải đến từ một nơi nào đó và có lẽ chúng thoát ra từ các tài sản rủi ro”, Phil Orlando, Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu tại Federated Hermes, cho hay. “Lượng tiền mặt khổng lồ này là một số liệu thống kê cho thấy nhà đầu tư đang lo ngại”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI

Các tin tức khác

>   Mike Novogratz: Bong bóng chứng khoán đang dần hình thành tại Mỹ (11/07/2020)

>   Hy vọng về phương pháp trị Covid-19 kéo Dow Jones tăng hơn 360 điểm (11/07/2020)

>   Elon Musk vượt mặt Warren Buffett trên bảng xếp hạng tỷ phú (11/07/2020)

>   Bán mạnh cổ phiếu, các quỹ Nhà nước Trung Quốc phát tín hiệu cảnh báo về cơn sốt đầu cơ (10/07/2020)

>   Nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm gần 1/4 chứng khoán Mỹ (10/07/2020)

>   Dow Jones rớt hơn 300 điểm do ám ảnh về sự tăng vọt số ca nhiễm Covid-19 (10/07/2020)

>   IPO vẫn rất 'nóng' tại Trung Quốc, cổ phiếu tăng gần 10 lần  (09/07/2020)

>   ‘Chẳng thể nào lỗ được’: Bên trong cơn sốt đầu cơ cổ phiếu tại Trung Quốc (09/07/2020)

>   Dow Jones tăng hơn 150 điểm khi cổ phiếu Apple lập kỷ lục (09/07/2020)

>   S&P 500 quay đầu sau 5 phiên tăng liên tiếp (08/07/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật