Dịch vụ
Cổ phiếu HVN minh chứng cho niềm tin của nhà đầu tư với Vietnam Airlines
Đứng giữa "tâm điểm nóng" của suy thoái do dịch bệnh, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines vẫn là cái tên an toàn trong suy nghĩ nhà đầu tư. Để có được kết quả đó là những nỗ lực vô cùng lớn.
Tiền đề tích lũy nhiều năm
Trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 vẫn khó lường và tiếp tục giáng nhiều "đòn đau" vào nền kinh tế thế giới thì trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines vẫn cán mốc giá trị khả quan. Báo cáo được hệ thống ghi nhận tại phiên giao dịch sáng ngày 20/07 cho thấy, hơn 1.4 triệu cổ phiếu HVN liên tục được mua-bán tại mức giá tham chiếu là 26,200 đồng/cổ phiếu, qua đó duy trì mức vốn hóa hơn 37,000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines. Theo ghi nhận của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM, cổ phiếu HVN vẫn đang là một trong những mã chứng khoán đạt giao dịch lớn nhất hiện nay.
Sau 5 năm cổ phần hóa cùng nhiều điều chỉnh trong kế hoạch kinh doanh, Vietnam Airlines đã tích lũy được nguồn tài chính đáng kể. Kết thúc năm tài khóa 2019, Vietnam Airlines đạt tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất cao nhất từ trước tới nay, lần lượt ước đạt 100,316 tỷ đồng và gần 3,389 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ ước đạt gần 75,000 tỷ đồng doanh thu và hơn 2,899 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 19.9% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, tổng các khoản nộp ngân sách (hợp nhất) đạt 7,929.6 tỷ đồng, tăng 18.1% so với năm 2018. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/Vốn đầu tư của chủ sở hữu (ROE) đạt trên 16%, trong khi Hệ số nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu giảm còn 2.27 lần. Tất cả đều thể hiện tính tự chủ trong ngân sách tự thân của doanh nghiệp và tính hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư là rất lớn.
Tích lũy tài chính nhiều năm của Vietnam Airlines còn đến từ niềm tin tuyệt đối của khách hàng vào dịch vụ hàng không an toàn và chất lượng cao.
|
Tinh thần hành động trách nhiệm
Ông Trần Thanh Hiền - Kế toán trưởng Vietnam Airlines - cho biết: "Hầu như không còn hãng nào còn tiền trên tài khoản do dịch Covid-19 đã “đốt” 41% tài chính, tương đương 157 tỷ USD giá trị vốn hóa của 116 hãng hàng không niêm yết trên toàn thế giới), trong đó phần khách mua vé trước đây phải hoàn vé rất kinh khủng. Chỉ trong một thời gian ngắn từ tháng 1-2/2020, Vietnam Airlines phải hoàn lại 4,000 tỷ đồng cho khách, mất đi một lượng lớn tiền mặt trong tài khoản". Do đó, kịch bản ứng phó và kế hoạch chuyển dịch kinh doanh là những động thái tiên quyết đầu tiên mà Vietnam Airlines nhanh chóng áp dụng ngay từ những ngày đầu nhận được thông tin về dịch bệnh bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc.
Các chi phí không cần thiết nhanh chóng bị cắt giảm, mức lương nhân viên được điều chỉnh, tần suất cất cánh tàu bay duy trì ở mức tối ưu, các buổi đàm phán với đối tác, khách hàng liên tục được thúc đẩy nhằm truyền đạt thông tin và nhanh chóng đưa đến các thỏa thuận định chế tài chính cần thiết. Với những hành động kịp thời đó, chỉ sau vài tháng, Vietnam Airlines đã tiết kiệm được hơn 5,000 tỷ đồng chi phí cắt giảm, 24,000 tỷ đồng nhờ vào điều chỉnh sản lượng khai thác. Đặc biệt, với khoản chi phí cố định lớn nhất là thuê tàu bay, Tổng Công ty đã thành công khi đàm phán giãn thanh toán 2,300 tỷ đồng tiền thuê, tiết kiệm 1,700 tỷ đồng/tháng chi phí nhiên liệu, giãn gốc lãi nợ vay khoảng 1,940 tỷ đồng.
Phải đối mặt với không ít khó khăn trong mùa dịch nhưng Vietnam Airlines vẫn chủ trương đảm bảo hoạt động kinh doanh và phục vụ khách hàng tốt nhất có thể.
|
Cần thêm hỗ trợ để tiếp tục khôi phục
Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đưa ra dự báo về con số thiệt hại của ngành hàng không thế giới là 314 tỷ USD khi chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trên thực tế, con số này đã lớn hơn rất nhiều, vào khoảng 419 tỷ USD. Mặc dù cổ phiếu HVN vẫn đang được giao dịch ổn định nhưng giá trị đã bị sụt giảm khoảng 30% so với tham chiếu đầu tiên. Tuy nhiên, đây vẫn là ngưỡng mà giới chuyên gia và đầu tư cho là an toàn. Ước tính sẽ mất khoảng thời gian tới 3 năm để khôi phục cùng số tiền 250 tỷ USD nhằm hỗ trợ nhiều doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản, cho thấy cần có sự can thiệp cần thiết từ nhiều phía nếu muốn tiếp tục khôi phục ngành hàng không trong thời gian dài sắp tới.
Hiểu rõ điều đó, Vietnam Airlines chính thức kêu gọi sự hỗ trợ của các cổ đông, đặc biệt là chủ sở hữu Nhà nước. Nằm trong kế hoạch cân đối nguồn tiền cho hoạt động khôi phục trong nhiều năm, Tổng công ty đã chủ động đàm phán với các tổ chức tín dụng xuất khẩu Châu Âu (TCTD) cùng các ngân hàng trong và ngoài nước, một trong những điều kiện tiên quyết để các TCTD và ngân hàng cho phép hãng giãn nợ là “không chia cổ tức cho các cổ đông”. Đây là thông lệ quốc tế khi xem xét giảm giá, gia hạn hoặc giãn tiến độ thanh toán đối với các công ty bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Đồng thời, Vietnam Airlines kiến nghị cổ đông Nhà nước sớm xem xét hỗ trợ hãng 3 giải pháp tài chính, trong đó có việc hãng đề nghị được tiếp cận khoản vay tái cấp vốn với quy mô 4,000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi mức thấp nhất theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng nhà nước với thời gian vay tối thiểu là 3 năm, và sẽ được giải ngân trong vòng 1-2 tháng tới.
Để tránh nguy cơ rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu, hãng dự kiến phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn. Dự kiến, Nhà nước sẽ sử dụng các nguồn vốn Nhà nước hoặc giao Tổng công ty Quản lý kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hoặc 1 doanh nghiệp Nhà nước khác mua cổ phần thuộc quyền mua của Nhà nước với quy mô phát hành cân đối với phương án vay để đảm bảo 12,000 tỷ đồng. Trong giai đoạn trung-dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thời hạn 10 năm, quy mô 10,000 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021-2025.
Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Chủ sở hữu Nhà nước: Hành động và trách nhiệm sau Covid-19”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, nhận định: “Đây là điểm mà tất cả cổ đông, kể cả cổ đông của các công ty khác, phải có cùng suy nghĩ. Như vậy, Vietnam Airlines không phải đi xin Chính phủ hỗ trợ hay giải cứu. Chúng ta không nên dùng chữ 'giải cứu'. Đây không phải giải cứu, đây là giải quyết vấn đề nhằm giúp Vietnam Airlines tiếp tục tồn tại và phát triển, và cần làm rõ việc này nên là việc của ai”.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Phạm Đức Trung, Kế toán trưởng VICEM, bổ sung thêm: “Dưới góc nhìn quản trị doanh nghiệp, thứ nhất, đây nên là hành động có tính trách nhiệm và quán triệt từ phía Chính phủ. Thứ 2, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, chúng ta cần nhanh chóng có hướng giải quyết hiệu quả nhằm cân bằng giữa lợi ích cho doanh nghiệp và đảm bảo an toàn cho việc đầu tư vốn Nhà nước”.
FILI
|