Thứ Tư, 08/07/2020 08:14

Chuỗi cà phê nở rộ sau dịch Covid-19

Nhiều doanh nghiệp cà phê đã mạnh dạn đầu tư mở chuỗi để tận dụng lúc giá thuê mặt bằng giảm, thị trường quen dần với trạng thái bình thường mới

Trong khi thị trường và nhiều thương hiệu vẫn còn e dè, một số doanh nghiệp (DN) đã tiên phong thúc đẩy mạnh việc phát triển thương hiệu, tập trung chủ yếu ở TP HCM.

Cơ hội để khởi nghiệp

Ngày 25-4, chuỗi cà phê, trà sữa Black Bottle Coffee & Tea chính thức mở cửa hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách xã hội vì Covid-19. Một tháng sau đó, chuỗi này mở cửa hàng mới tại mặt tiền đường Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh. Trong ngày khai trương, chủ hệ thống này cho biết muốn mở thêm nhiều cửa hàng nữa ở khu trung tâm TP HCM vì đang có rất nhiều mặt bằng đẹp bị trả lại và giá thuê cũng thấp hơn từ 10%-20% so với trước. "Đại dịch Covid-19 đã làm cho nhiều điểm kinh doanh, nhất là lĩnh vực thực phẩm và đồ uống phải đóng cửa. Do đó, hiện nay là cơ hội cho những ai muốn khởi nghiệp hoặc đang có nhu cầu mở rộng kinh doanh, chuyển địa điểm mới" - doanh nhân này nhận định.

Tương tự, ngay khi dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát, hệ thống Viva Start Coffee đã khai trương một loạt 5 ki-ốt bán cà phê mang đi thương hiệu Viva - Vietnamese Coffee to go đặt cạnh các nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, khang trang ở TP HCM. Công ty CP Vietnamese Coffee to go (chủ hệ thống nói trên) dự tính đầu tư khoảng 10 điểm đầu tiên, sau đó sẽ tìm kiếm đối tác nhượng quyền. Ông Shyan Sunder, Tổng Giám đốc công ty, tự tin mô hình này sẽ thu hút được những người muốn khởi nghiệp với số vốn nhỏ cũng như các nhà đầu tư lớn hơn. "Với chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận trên 300%, mô hình kinh doanh linh hoạt này hấp dẫn không chỉ trong nước mà trên toàn thế giới" - ông Shyan Sunder nhìn nhận và cho biết công ty đặt mục tiêu mở 5.000 ki-ốt cà phê dạng này tại Việt Nam.

Đầu tháng 6 vừa qua, Công ty CP Viva International vừa khai trương quán cà phê máy lạnh Viva Reserve trên đường Thành Thái, quận 10. Đây là mô hình mới nâng cấp từ chuỗi cà phê Viva đang "phủ sóng" khắp các quận ở TP HCM. Quán được trang bị máy lạnh, nội thất đẹp, tiện nghi thích hợp cho giới công sở, văn phòng cũng như những người trẻ muốn tìm kiếm sự trải nghiệm mới về cà phê. Hơn 1 tháng kinh doanh, Viva Reserve đã có được lượng khách hàng "ruột" khá đông. Họ đến quán không chỉ để uống mà còn để tìm hiểu, cảm nhận cà phê theo những cách pha chế khác nhau. "6 loại cà phê được rang xay khác nhau cùng với 6 kiểu pha chế do nhân viên của Viva Reserve thao tác tại chỗ mang đến cho thực khách có một trải nghiệm lý thú mà chưa quán cà phê nào phục vụ" - bà Lê Thị Ngọc Thủy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Viva International, nói và chia sẻ mục tiêu sẽ mở mỗi quận một quán Viva Reserve nhằm đáp ứng những tín đồ yêu cà phê Việt.

Tuy nhiên, đình đám nhất trên thị trường thời gian gần đây phải kể đến chuỗi cà phê Ông Bầu. Đây là dự án hợp tác của 3 "ông bầu" bóng đá nổi tiếng gồm: bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai), bầu Thắng (ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đồng Tâm Long An) và bầu Hải (ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty NutiFood). Thử nghiệm cửa hàng đầu tiên ở quận 4, TP HCM hồi tháng 2, gặp ngay mấy tháng dịch Covid-19 nhưng đến nay chuỗi cà phê Ông Bầu đã đạt mốc 100 điểm bán trên cả nước. Với mức giá khá bình dân, từ 16.000 - 20.000 đồng/ly cùng thương hiệu của 3 "ông bầu", chuỗi cà phê này đã thu hút được khá đông khách hàng bình dân lẫn cao cấp. Đáng chú ý, trong những sự kiện khai trương quán mới đều có sự xuất hiện của các "ông bầu" tự tay phục vụ nước cho khách, cùng nhiều cầu thủ, nghệ sĩ nổi tiếng làm cho thương hiệu cà phê Ông Bầu nhanh chóng tạo được tiếng vang trên thị trường. Chưa dừng lại ở đó, 3 "ông bầu" đặt tham vọng đến năm 2022 mở được 10.000 quán trên toàn quốc.

Chuỗi cà phê nở rộ sau dịch Covid-19 - Ảnh 1.
Quán cà phê Ông Bầu thứ 100 đông khách ngày khai trương. Ảnh: NGỌC ÁNH

Phát huy lợi thế lội ngược dòng

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thanh Hải nhìn nhận thói quen dùng cà phê của người tiêu dùng Việt trước đây bị lệch nên nay uống cà phê thật 100% lại thấy lạ lạ. Chính vì vậy, cà phê Ông Bầu quyết tâm góp phần đưa thị trường cà phê về đúng bản chất. Ông Hải cho hay hiện đã có 1.000 đối tác muốn hợp tác mở quán nên mục tiêu mở 10.000 quán vào năm 2022 là hoàn toàn có cơ sở. "Chúng tôi đang đàm phán với một số đối tác, nếu thành công, mỗi đối tác có thể mở 500 quán, thậm chí là cả ngàn quán. Vấn đề thách thức là làm sao kiểm soát được chất lượng cà phê và chất lượng dịch vụ của tất cả điểm bán cà phê Ông Bầu là như nhau" - ông Hải nói.

Về khả năng cạnh tranh giữa lúc hàng loạt chuỗi cà phê mở ra, ông Hải cho rằng Ông Bầu có lợi thế về vùng nguyên liệu từ nông trường cà phê Cada 800 ha tại Đắk Lắk, được NutiFood đầu tư bài bản từ năm 2017 và các vùng trồng cà phê của bầu Đức. Bên cạnh đó là đội ngũ chuyên gia về chế biến cà phê và cả thương hiệu cá nhân của 3 "ông bầu". Về bài toán mặt bằng, ông Hải khẳng định mô hình cà phê Ông Bầu không chạy đua với đối thủ. "Những mặt bằng ở vị trí đất "vàng" không phải mục tiêu của Ông Bầu, chúng tôi theo đuổi chất lượng về sản phẩm và dịch vụ. Đặc biệt, nếu cam kết lợi nhuận cho đối tác hợp tác kinh doanh không đạt, vị trí không đúng, Ông Bầu có trách nhiệm giải quyết làm sao để đối tác không bị thiệt hại" - ông Hải khẳng định.

Trong khi đó, bà Lê Thị Ngọc Thủy thừa nhận việc mạnh dạn triển khai những mô hình cà phê mới thời điểm này là đang lội ngược dòng. "Chúng tôi nhận định dù đang khó khăn nhưng cũng là lúc để làm quen với thị trường" - bà Thủy nói.

Cũng theo bà Thủy, điểm thuận lợi hiện nay là DN có thể chủ động thương lượng được giá thuê mặt bằng tốt hơn. Hiện giá mặt bằng cho thuê đã giảm khoảng 10%-20% so với đầu năm và còn có khả năng giảm thêm trong vài tháng tới. Bà Thủy tính toán với tổng đầu tư mỗi quán khoảng 3,5 tỉ đồng, công ty tự tin sẽ hoàn vốn trong vòng 15-20 tháng. "Chúng tôi có nhiều lợi thế để đi đến thành công. Trước hết là nền tảng có sẵn từ hệ thống Viva hơn 300 điểm và giá bán vừa phải. Bên cạnh đó, với mỗi mặt bằng khai thác, chúng tôi đều lựa chọn vị trí, tiêu chí phù hợp và nghiên cứu kỹ đối tượng khách hàng của mình trước khi quyết định đầu tư" - bà Thủy nói thêm.

Là DN trong tốp 10 cả nước về xuất khẩu cà phê, Công ty CP Phúc Sinh cũng tham gia mở chuỗi cà phê từ năm 2019, đến nay đã được 10 quán với hình thức nhượng quyền với thương hiệu K Coffee. Theo ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, một số thương hiệu chạy đua mở quán, phát triển nhanh, đốt tiền nhiều nên dễ "vỡ vụn". Tuy nhiên, khi thị trường có nhiều thương hiệu cà phê nguyên chất thì thị trường sẽ tốt dần lên, người tiêu dùng quen với cà phê thật. "Quan điểm của K Coffee là có lời mới mở, không lời thì đóng cửa ngay" - ông Thông giải thích lý do vì sao hệ thống có số lượng quán ít ỏi và đã đóng cửa 3 quán. 

Nên cân nhắc

Theo các DN, dịch bệnh đã phần nào làm lộ rõ "sức khỏe" của từng doanh nghiệp. Không ít chuỗi cà phê ngoại nhập lẫn trong nước phải điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh, thu gọn hệ thống, đóng cửa nhiều điểm bán. "Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả trên. Một trong những yếu tố quyết định thành bại khi kinh doanh chuỗi là phải nghiên cứu kỹ văn hóa của phân khúc khách hàng mà mình hướng tới, phân tích tài chính cho từng điểm bán và phải cụ thể hóa bằng những con số có thể cân đo đong đếm được" - chủ một thương hiệu cà phê mới nổi ở TP HCM nêu kinh nghiệm.

Dưới góc nhìn thận trọng, ông Nguyễn Long, nhà sáng lập thương hiệu Shin Coffee, chỉ ra vấn đề hiện nay là nhiều người thất nghiệp, không phải ai cũng có nhiều tiền và đặc biệt là dịch bệnh chưa thật sự ổn. "Ai đó muốn khởi nghiệp kinh doanh ngành hàng ăn uống, phát triển hệ thống thì nên cân nhắc, chứ đừng vì thấy mặt bằng rẻ mà "nhảy vào". Bởi, trong kinh doanh ăn uống, mặt bằng quan trọng nhưng khách hàng còn quan trọng hơn. Cần phải tìm hiểu kỹ người tiêu dùng đã sẵn sàng chưa và chúng ta sẽ tăng doanh thu được bao nhiêu để bù đắp chi phí bỏ ra" - ông Nguyễn Long lưu ý.

PHƯƠNG AN - NGỌC ÁNH - SƠN NHUNG

Người lao động

Các tin tức khác

>   Thuê nam '6 múi' bán sầu riêng cải thiện doanh số (06/07/2020)

>   Giá vàng có thể lên tới 54 triệu đồng/lượng (05/07/2020)

>   Bỏ việc ngân hàng đi khởi nghiệp vì 'sợ đời buồn tẻ' (28/06/2020)

>   Dùng 1.5 triệu USD cứu trợ Covid-19 để chơi chứng khoán và mua xe Tesla (25/06/2020)

>   Giá vàng có thể tăng trong tuần tới (14/06/2020)

>   Vắng khách nước ngoài, hơn nửa số sạp chợ Bến Thành đóng cửa (09/06/2020)

>   Giá vàng có thể tăng tiếp tuần tới (31/05/2020)

>   Soya Garden đóng cửa hàng loạt, tham vọng lớn bị tổn thương (29/05/2020)

>   Cây xăng bị phát hiện 'găm' hàng, chờ tăng giá (28/05/2020)

>   Đại lý xăng dầu tố doanh nghiệp đầu mối găm hàng, cắt chiết khấu (26/05/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật