Thứ Hai, 06/07/2020 13:42

Chứng khoán Yuanta: VN-Index tháng 7 hướng tới vùng 987 - 990 trong kịch bản tích cực

Đó là nhận định của CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN) trong “Báo cáo vĩ mô 6T/2020 - TTCK 7/2020”.

GDP quý 2/2020 thấp nhất lịch sử, mục tiêu lạm phát dưới 4% có thể thực hiện

Theo Yuanta, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng mạnh tới nền kinh tế Việt Nam trong quý 2 vừa qua. Việc cách ly xã hội trong tháng 4 khiến các hoạt động kinh tế trong nước đình trệ, mặc dù tình hình dịch bệnh được kiểm soát vào 2 tháng cuối quý 2 nhưng với các nước có quan hệ giao thương lớn với Việt Nam vẫn trong giai đoạn đỉnh điểm. Yuanta ước tính GDP quý 2 tăng trưởng 0.36% so với cùng kỳ, thấp nhất trong 10 năm qua và GDP 6 tháng đầu năm tăng 1.81% so với 6 tháng đầu năm 2019.

Yuanta dự báo tăng trưởng GDP quý 2 thấp nhất trong lịch sử

Bên cạnh đó, Yuanta cũng cho hay FDI đăng ký và giải ngân vào Việt Nam giảm so với cùng kỳ 2019. Cụ thể, tổng vốn FDI 6 tháng đầu năm đạt 15.7 tỷ USD, giảm 15.1% so với cùng kỳ 2019. Vốn giải ngân đạt 8.65 tỷ USD, giảm 4.9% so với cùng kỳ 2019. Trong đó có 1,418 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký trung bình mỗi dự án 6 Triệu USD. Ngoài ra, mặc dù xuất nhập nhẩu 6 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam giảm nhưng cán cân thương mại lại thặng dư cao.

Tháng 6/2020, CPI tăng 3.2% so với cùng kỳ và tăng 0.66% so với tháng trước. Theo Yuanta, nguyên nhân chủ yếu do 2 lần điều chỉnh tăng giá xăng dầu khiến CPI ngành Giao thông tăng mạnh ở mức 6.05%. Tính từ đầu năm tới nay CPI bình quân tăng 4.2%, vẫn cao hơn mức 2.6% so với cùng kỳ 2019. Mặc dù Chính phủ thực hiện các giải pháp buộc doanh nghiệp giảm giá thịt lợn, nhưng giá thịt lợn trên thị trường vẫn chưa thực sự giảm. Điều này là nguyên nhân khiến CPI ngành hàng ăn và dịch vụ ăn uống vẫn là nhóm ngành tăng mạnh nhất từ đầu năm tới nay, tăng bình quân 11.2%. Với diễn biến hiện tại, mục tiêu lạm phát dưới 4% cả năm 2020 theo Yuanta là có thể đạt được.

Đáng chú ý, sản xuất của Việt Nam đã tăng trưởng trở lại khi chỉ số PMI tháng 6 cao nhất từ đầu năm tới nay ở mức 51.1 điểm, điều này cho thấy những tín hiệu tích cực từ hoạt động sản xuất sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát tại Việt Nam. Số lượng đơn đặt hàng mới lần đầu tiên tăng sau 5 tháng, sản lượng cũng có dấu hiệu tăng trở lại do tác động của lĩnh vực hàng tiêu dùng...

PMI của Việt Nam phục hồi vào tháng 6/2020

Đối với tỷ giá, theo Yuanta các yếu tố như dự trữ ngoại hối cao, lạm phát được kiểm soát tốt, cán cân thương mại xuất siêu cũng như sự điều hành từ NHNN từ đầu năm đến nay đã hỗ trợ giúp ổn định tỷ giá. Qua đó, CTCK này kỳ vọng với sự hồi phục dần của các hoạt động sản xuất, tỷ giá sẽ được duy trì ổn định từ nay đến cuối năm.

Về giá vàng, Yuanta vẫn giữ nguyên quan điểm giá vàng thế giới từ nay tới cuối năm khó có thể hạ nhiệt và giá vàng trong nước sẽ duy trì hoặc tăng nhẹ.

Xa hơn, Yuanta dựa trên các giả định về sự hồi phục kinh tế từ quý 3, mức độ tác động bởi dịch bệnh tương đương quý 1, riêng ngành xây dựng tăng trưởng cao hơn và kinh tế dần trở lại bình thường trong quý 4, CTCK này dự báo tốc độ tăng trưởng GDP quý 3 đạt khoảng 3.97% so với quý 3/2019 và GDP cả năm 2020 ở mức 3.1%.

Tháng 7, thị trường quay về vùng 987 - 990 hoặc giảm về đáy 650 điểm

Yuanta đề ra 2 kịch bản cho tháng 7/2020 với kịch bản 1 - chỉ số VN-Index hướng về vùng 987 - 990 điểm được Công ty nghiêng về hơn. Cụ thể, Công ty cho rằng các yếu tố tiêu cực đều đã phản ánh vào đà giảm trong tháng 6/2020, đặc biệt là kết quả kinh doanh quý 2/2020. Đồng thời, dịch bệnh Covid-19 lần 2 được đánh giá sẽ tác động ít tiêu cực hơn so với giai đoạn 1 và các chính sách tài khóa và tiền tệ vẫn đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế và hệ thống tài chính. Ngoài ra, định giá rẻ và kiểm soát tốt dịch bệnh vẫn là điểm sáng cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đối với kịch bản 2, Yuanta cho rằng chỉ số VN-Index sẽ giảm về lại vùng đáy 650 điểm nếu chỉ số bị xuyên thủng mức hỗ trợ ngắn hạn 797.5 điểm khiến xu hướng giảm mở rộng. Dù vậy, Yuanta cho rằng xác suất để xảy ra kịch bản này là thấp.

Qua đó, với các nhận định trên, Yuanta đề ra chiến lược đầu tư trong tháng 7/2020 với khuyến nghị xem xét tích lũy hoặc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Đồng thời, các nhà đầu tư nên ưu tiên nắm giữ tỷ trọng cao ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa, hạn chế các nhóm Penny trong giai đoạn này. Các nhóm cổ phiếu có thể chú ý đến bao gồm thực phẩm, ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, kim loại.

Như Xuân

FILI

Các tin tức khác

>   FMC, DIG, VIC có điểm nào hấp dẫn? (06/07/2020)

>   Góc nhìn tuần 06-10/07: Phân hóa mạnh? (05/07/2020)

>   Bà Nguyễn Thị Thùy Linh (SSI): Kỳ vọng khác nhau về viễn cảnh kinh tế khiến thị trường biến động khó đoán (03/07/2020)

>   Góc nhìn 03/07: Tiếp tục giảm điểm? (02/07/2020)

>   Góc nhìn 02/07: Tránh mua đuổi (01/07/2020)

>   Góc nhìn 01/07: Tận dụng các nhịp hồi phục để hạ tỷ trọng cổ phiếu? (30/06/2020)

>   Ông Lê Ngọc Nam (TVSI): Thị trường nửa cuối năm sẽ phân hóa nhiều (01/07/2020)

>   Góc nhìn 30/06: Xấu càng thêm xấu? (29/06/2020)

>   Sửa Nghị định 20: Doanh nghiệp niêm yết được hoàn, khấu trừ thuế khoảng 2,374 tỷ đồng (29/06/2020)

>   Ông Nguyễn Tiến Hoàng (VDS): Trong kịch bản tốt nhất, VN-Index vươn lên mốc 940 điểm (29/06/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật