APH tăng kịch trần trong phiên chào sàn, vốn hóa đạt hơn 6,600 tỷ
Ngay khi vừa niêm yết lên HOSE, cổ phiếu APH của CTCP Tập đoàn An Phát Holdings đã tăng trần lên mức 49,800 đồng/cp và giữ vững trong suốt phiên sáng ngày 28/07. Như vậy vốn hóa của APH đang đạt mức 6,600 tỷ đồng, cao nhất trong các doanh nghiệp ngành nhựa niêm yết.
Ông Đinh Xuân Cường, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của APH, thực hiện nghi thức đánh cồng
|
Sáng ngày 28/07, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) đã trao quyết định niêm yết 132.6 triệu cp của CTCP Tập đoàn An Phát Holdings. Mức giá chào sàn là 41,500 đồng/cp, biên độ dao động 20% trong ngày giao dịch đầu tiên.
Ngay sau phiên ATO, cổ phiếu APH đã tăng kịch trần lên mức 49,800 đồng/cp. Theo đó vốn hóa của An Phát Holdings đang đạt hơn 6,600 tỷ đồng, tương đương gần 281 triệu USD, trở thành cổ phiếu của công ty ngành nhựa có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Mức định giá này dường như đã được phản ánh qua phiên IPO trước đó (ngày 22/06) đấu giá 4.3 triệu cổ phiếu APH với mức giá trúng 50,018 đồng/cp.
*An Phát Holdings đấu giá thành công 4.3 triệu cp, định giá hơn 6,600 tỷ đồng
Cổ phiếu APH tăng trần ngay trong phiên ATO
|
Đại diện APH, ông Đinh Xuân Cường - Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc - phát biểu tại buổi lễ: “Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu chặng đường mới của An Phát Holdings trong việc trở thành công ty niêm yết, thành viên của HOSE. Trong năm 2020, Tập đoàn định hướng tập trung vào dòng sản phẩm sinh học phân huỷ hoàn toàn do đó việc tự chủ nguồn nguyên liệu xanh, nhân tố quyết định quan trọng nhất đến giá thành sản phẩm, là ưu tiên hàng đầu. Và chúng tôi đã giải quyết bài toán này bằng việc IPO nhằm huy động vốn xây dựng nhà máy nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn đầu tiên tại Việt Nam’’.
Nhu cầu nguyên liệu sinh học hiện nay chỉ chiếm khoảng 1% nhu cầu tổng các nguyên liệu khác, nhưng xu hướng này đang thay đổi nhanh do câu chuyện bảo vệ môi trường, thống kê cho thấy có 127 quốc gia đã cấm và đang có kế hoạch cấm dùng sản phẩm truyền thống sử dụng một lần.
Sau khi niêm yết, APH sẽ mở thêm một cánh cửa huy động vốn nhằm xây dựng nhà máy nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn AnBio đầu tiên tại Việt Nam. Dự án hoàn thành sẽ giúp APH trở thành một trong số ít doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn trên thế giới bên cạnh BASF, Novamont, NatureWorks, Total Corbion… cũng như thay đổi vị thế để vừa là nhà sản xuất, vừa là nhà cung cấp nguyên liệu xanh.
Việc tự chủ nguyên liệu sẽ giúp APH giảm giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường đồng thời tiết kiệm chi phí sản xuất khoảng 30% cho các công ty con trong khi công ty mẹ vẫn hưởng biên lợi nhuận gộp từ 25 - 30% của dự án này. APH đặt mục tiêu đến năm 2023 sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn sẽ đóng góp 40-50% trong cơ cấu doanh thu bao bì của Tập đoàn. Nhà máy nguyên liệu sinh học phân huỷ hoàn toàn AnBio dự kiến khởi công vào đầu năm 2021 tại Hải Phòng, xây dựng trong khoảng 18 tháng, hoàn thiện vào cuối năm 2022, công suất 20,000 tấn sản phẩm/năm.
Kế hoạch lãi ròng 650 tỷ đồng trong năm 2020
APH hiện sở hữu trực tiếp 2 công ty đang niêm yết đó là CTCP Nhựa Hà Nội (HOSE: NHH), Nhựa An Phát Xanh (HOSE: AAA), và nhiều công ty thành viên khác. Qua gần 20 năm hình thành và phát triển, APH đã tạo lập một hệ sinh thái doanh nghiệp khép kín cho phép khai thác tối đa sản phẩm, dịch vụ có sẵn với 15 công ty thành viên
Kết thúc năm 2019, doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất của APH đạt lần lượt 9,513 tỷ đồng và 712 tỷ đồng, tăng trưởng 19% và 305% so với cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận gộp đạt 1,082 tỉ đồng, tăng hơn 60%; biên lãi gộp được cải thiện từ 8% lên 11% so với năm trước đó. Tổng tài sản đạt gần 10,000 tỷ đồng. Tính đến tháng 7/2020, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 3,076 đồng.
Ở thời điểm hiện tại, cơ cấu doanh thu của APH như sau: Bao bì chiếm 30-35%, nhựa kỹ thuật 15-17%, thương mại 30-35%, bất động sản khoảng 6%, phụ gia nhựa nguyên liệu khoảng 6-7%.
Trong năm 2020, APH đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng cả năm đạt 12,000 tỷ đồng và 650 tỷ đồng. Về dài hạn, động lực tăng trưởng của APH sẽ đến từ dòng sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn thông qua đầu tư vào dự án nhà máy nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn AnBio.
* An Phát Holdings: 'Tự chủ sản xuất nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn'
* Mức giá nào phù hợp với tân binh APH?
Xuân Nghĩa
FILI
|