An Phát Holdings: 'Tự chủ sản xuất nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn'
Đây là một trong những mục tiêu lớn nhất của CTCP Tập đoàn An Phát Holdings (APH) được Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Đinh Xuân Cường chia sẻ tại buổi Roashow trước thềm niêm yết cổ phiếu.
Hội thảo “Giới thiệu cổ phiếu APH: Tập đoàn nhựa đầu ngành - Đón đầu xu hướng xanh” diễn ra chiều ngày 24/07
|
Tại buổi Roadshow chiều ngày 24/07, Ban lãnh đạo Tập đoàn An Phát Holdings đã giới thiệu tiềm năng cổ phiếu APH cũng như chia sẻ kế hoạch phát triển sắp tới của Tập đoàn, trước khi chính thức niêm yết trên sàn giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE).
Cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất ngành nhựa
Cổ phiếu APH sẽ xuất hiện trên bảng điện HOSE vào ngày 28/07 tới. Với giá niêm yết 41,500 đồng/cp, ước tính vốn hóa thị trường của APH vào khoảng 5,500 tỷ đồng. Đây là mức vốn hóa lớn nhất trong các doanh nghiệp ngành nhựa trong nước.
Tính tới hết năm 2019, APH có 2 cổ đông lớn là tổ chức gồm IGG USA Việt Nam (35.5% vốn) và Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (9.6%). Ban lãnh đạo APH cho biết phía nhà đầu tư Mỹ đang nắm lượng cổ phiếu ưu đãi (hơn 14 triệu cp) và có thể sẽ chuyển đổi một phần trong thời gian tới. Về phía cổ đông nội bộ, theo ông Nguyễn Lê Trung - Phó Chủ tịch HĐQT, ban lãnh đạo cam kết sẽ luôn nắm trên 51% vốn.
Ông Đinh Xuân Cường - Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc - cho biết: “Để cổ phiếu APH có tính thanh khoản cao, rõ ràng, minh bạch thông tin, chúng tôi sẽ chính thức niêm yết mã chứng khoán APH của An Phát Holdings trên sàn HOSE - sàn chứng khoán có quy mô lớn nhất và có quy định niêm yết chặt chẽ. Hy vọng việc niêm yết sẽ giúp APH mở rộng cơ hội thu hút nguồn vốn và tìm được thêm những đối tác lớn đồng hành trong chặng đường phía trước.”
Ông Đinh Xuân Cường
|
6 lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn
Tập đoàn An Phát Holdings hiện sở hữu ba công ty đang niêm yết đó là CTCP Nhựa Hà Nội (HOSE: NHH), Nhựa An Phát Xanh (HOSE: AAA), An Tiến Industries (HOSE: HII) và nhiều công ty thành viên khác. Qua gần 20 năm hình thành và phát triển, APH đã tạo lập một hệ sinh thái doanh nghiệp khép kín cho phép khai thác tối đa sản phẩm, dịch vụ có sẵn với 15 công ty thành viên. 6 lĩnh vực kinh doanh của APH gồm:
- Bao bì: AAA, An Vinh Packing
- Nhựa kỹ thuật: NHH, An Trung Industries, Viexim, VAPA (liên doanh với Vinfast)
- Cơ khí và khuôn mẫu: VMC
- Nguyên vật liệu ngành nhựa: HII, An Thành Biscol
- Bất động sản khu công nghiệp: An Phát Complex
- Sản phẩm và nguyên vật liệu sinh học: APH, AAA, An Trung Industries, Ankor Bioplastics
Ở thời điểm hiện tại, cơ cấu doanh thu của APH như sau: Bao bì chiếm 30-35%, nhựa kỹ thuật 15-17%, thương mại 30-35%, bất động sản khoảng 6%, phụ gia nhựa nguyên liệu khoảng 6-7%.
Chiến lược tự sản xuất nguyên liệu xanh
Niêm yết cổ phiếu là bước đi đầu tiên của APH trong kế hoạch huy động vốn xây dựng nhà máy nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn. Đây sẽ là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam giúp đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu xanh cho sản xuất cả trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhà máy nguyên liệu sinh học phân hủy sinh học hoàn toàn sẽ giúp APH tự chủ đầu vào sản xuất, tiết kiệm khoảng 30% chi phí sản xuất cho công ty con trong khi công ty mẹ có thể hưởng biên lợi nhuận gộp từ 25-30% từ dự án này.
Dự kiến nhà máy sẽ khởi công vào đầu năm 2021 tại Hải Phòng, xây dựng trong khoảng 18 tháng, hoàn thiện vào cuối năm 2022, công suất 20,000 tấn sản phẩm/năm. Khi nhà máy đi vào hoạt động, tỷ trọng dòng sản phẩm nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn được kỳ vọng tăng từ 10% hiện tại đến 40-50% trong cơ cấu doanh thu bao bì của APH.
Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nhựa sinh học tiếp tục tăng cao trong nhiều ngành nghề, việc xây dựng nhà máy nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn AnBio được xác định là bước đi chiến lược, tạo đột phá cho APH.
Về dài hạn, động lực tăng trưởng của APH sẽ đến từ dòng sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn thông qua đầu tư vào dự án nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn AnBio. Nhu cầu cho dự án nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn AnBio của APH là hơn 70 triệu USD. Kế hoạch trong năm 2020, Tập đoàn sẽ hoàn thành việc huy động 80% lượng vốn cần thiết, phần còn lại sẽ huy động trong năm 2021 chủ yếu dưới hình thức vay thương mại hoặc trái phiếu trơn.
Nhiều nhà đầu tư quan tâm và đặt câu hỏi về tình hình, chiến lược hoạt động kinh doanh của APH
|
Ban lãnh đạo chia sẻ về tình hình, chiến lược hoạt động và giải đáp thắc mắc của các nhà đầu tư
|
Kế hoạch lãi ròng 650 tỷ đồng trong năm 2020
Trong năm 2020, APH dự kiến phát hành 20 triệu cổ phiếu mới, tương đương 14% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Tập đoàn đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng đạt 12,000 tỷ đồng và 650 tỷ đồng.
Định hướng xa hơn, ông Đinh Xuân Cường - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc - cho biết một trong những mục tiêu lớn nhất của APH là có thể tự chủ việc sản xuất nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn có lợi cho môi trường, hướng tới những dòng sản phẩm có thương hiệu riêng.
Ông Phạm Đỗ Huy Cường - Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Tài chính - chia sẻ rằng việc xuất khẩu qua các thị trường quốc tế của Tập đoàn không bị ảnh hưởng đáng kể bởi dịch Covid-19. Các khách hàng ở Châu Âu, Mỹ là các đối tác lâu năm có uy tín, họ vẫn mua sản phẩm của APH như thường, do đây chủ yếu là các sản phẩm tiêu thụ thường xuyên.
Xuân Nghĩa
FILI
|