20 năm đi lên từ 2 mã chứng khoán đầu tiên
Ngày 20/07/2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh, tiền thân của Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), chính thức khai trương. Ngày 28/07/2000, Trung tâm chính thức đi vào hoạt động và thực hiện phiên giao dịch đầu tiên với hai mã cổ phiếu là REE và SAM, đánh dấu bước tiến quan trọng của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.
20 năm đi lên từ 2 mã chứng khoán đầu tiên
Từ 2 đơn vị ban đầu là REE và SAM, đến nay, đã có hàng ngàn doanh nghiệp góp mặt trên sàn chứng khoán. Tính đến cuối năm 2019, TTCK Việt Nam có 1,622 mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ (CCQ) niêm yết/đăng ký giao dịch; trong đó có 750 cổ phiếu, CCQ niêm yết trên cả 2 Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) và 872 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Hiện tại, đã có trên 25 công ty đạt mức vốn hóa trên 1 tỷ USD, trong đó có 3 công ty đạt mức vốn hóa trên 10 tỷ USD (VIC, VCB, VHM). Tính chung, vốn hóa trên TTCK Việt Nam đạt khoảng 4,384 ngàn tỷ đồng, tương đương 72.6% GDP năm 2019.
Song hành với quá trình niêm yết, chất lượng công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết đã có sự cải thiện đáng kể, thể hiện ở tính chuyên nghiệp, minh bạch và kịp thời của thông tin, các vi phạm về minh bạch thông tin mà cụ thể là vi phạm về báo cáo và công bố thông tin giảm rõ rệt.
TTCK trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả
Nếu giai đoạn 2000-2004, huy động vốn của các doanh nghiệp trên TTCK hầu như không đáng kể thì giai đoạn từ 2005 đến nay, hoạt động này khởi sắc hơn nhiều.
Kể từ khi tham gia niêm yết, các doanh nghiệp đã thực hiện 1,748 đợt phát hành để huy động vốn, trả cổ tức, phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty và tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với gần 48 tỷ cổ phiếu được phát hành thêm. Huy động vốn trên TTCK đạt mức tăng trưởng tích cực, với 834 đợt phát hành (phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ), tổng số tiền huy động được từ các đợt phát hành này gần 298,000 tỷ đồng.
Tính trong 15 năm, các công ty niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã huy động qua sàn này hơn 109,677 tỷ đồng vốn cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo của cải vật chất cho xã hội thông qua hoạt động phát hành cổ phiếu trên TTCK.
* Tính tới cuối năm 2019
Sau 20 năm phát triển của TTCK, khả năng tiếp cận nguồn vốn trên TTCK của doanh nghiệp niêm yết ngày càng nâng cao, giúp giảm áp lực cho kênh tín dụng ngân hàng.
Năm 2019, các thương vụ bán vốn lớn thành công như SK Group đầu tư 1 tỷ USD vào Vingroup (HOSE: VIC); khoản đầu tư 265 triệu USD của GIC và Mizuho vào Vietcombank (HOSE: VCB); Keb Hana Bank đầu tư 20,300 tỷ đồng để sở hữu 603.3 triệu cp của BIDV (HOSE: BID),... giúp duy trì dòng vốn ngoại đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Tiếp sức cho hoạt động thoái vốn Nhà nước
Ngày 16/11/2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 187/2004/NĐ-CP về chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần, tạo tiền đề thúc đẩy tổ chức bán đấu giá cổ phần thoái vốn Nhà nước. Hoạt động này đã góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, tái cơ cấu các DNNN, là chìa khoá giúp gia tăng hàng hóa cho cả hai SGDCK.
Và phiên bán đấu giá cổ phần đầu tiên diễn ra tại CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) vào ngày 17/02/2005 với tổng số lượng bán đấu giá thành công hơn 1.8 triệu cổ phần, giá trị cổ phần bán được đạt 572 tỷ đồng. Cũng từ đây, các doanh nghiệp cổ phần hóa trở thành động lực phát triển của thị trường cổ phiếu niêm yết ở Việt Nam.
Thị trường đứng trước những cơ hội lớn để phát triển
Qua 20 năm phát triển, TTCK Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Ngoài các công cụ là cổ phiếu, trên thị trường cổ phiếu còn có thêm các công cụ đầu tư khác như: Các chứng chỉ quỹ đầu tư, chứng chỉ quỹ ETF, REIT... và gần đây là sản phẩm mới chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrants).
Sau 20 năm phát triển, cấu trúc của TTCK đã tương đối hoàn chỉnh, bao gồm thị trường huy động vốn (thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu) và thị trường phân tán rủi ro (thị trường phái sinh) với những sản phẩm cơ bản phong phú hơn nhiều so với hai thập kỷ trước.
Chia sẻ bên lề Lễ Kỷ niệm 20 năm hoạt động của TTCK Việt Nam, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhận định thị trường Việt Nam tuổi 20 đang đứng trước không ít thách thức và thuận lợi.
Thách thức đầu tiên là dịch Covid-19 đã tác động làm đảo lộn trật tự kinh tế thế giới và phần nào tác động tới kinh tế Việt Nam.
Thứ 2 là thách thức đến từ sự phát triển trong cuộc Cách mạng khoa học 4.0 khiến thế giới vận động rất nhanh. Đồng thời là sự đấu tranh giữa mở cửa kinh tế và bảo hộ mậu dịch.
Thứ 3, diễn biến địa chính trị thế giới phức tạp đang ảnh hưởng tới kinh tế và hoạt động giao thương của các nước.
Cuối cùng là nhu cầu vốn với quá trình phát triển kinh tế Việt Nam hiện rất lớn, dù thị trường chứng vốn hiện tại đang hoạt động rất tốt vẫn chưa thể đáp ứng hết. Do đó, chúng ta cần huy động thêm nguồn lực từ trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng những thách thức này cũng đang mang lại không ít thời cơ đối với TTCK Việt Nam.
Thành tựu từ cuộc cách mạng 4.0 sẽ giúp TTCK Việt Nam có nền tảng hiện đại và được nâng cấp lên. Trong khi đó, dịch Covid-19 ở Việt Nam được không chế tốt, tác động tới kinh tế và chứng khoán Việt Nam chỉ mang tính chất ngắn hạn. Từ đó, sức bật cho đà hồi phục của kinh tế và chứng khoán sẽ có nhiều thuận lợi.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán đang có các điều kiện tốt để phát triển. Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ có hiệu lực từ năm 2021, các SGDCK và Trung tâm Lưu ký đang được sắp xếp lại. Các nền tảng giao dịch mới được đưa vào sẽ giúp vận hành các sản phẩm nghiệp vụ mới trên thị trường, làm thay đổi diện mạo thị trường.
Ông Dũng lạc quan: “Có nhiều khó khăn, thách thức nhưng với giá trị xây dựng được 20 năm qua và kết quả hiện tại chúng ta có cơ sở để tin rằng kinh tế Việt Nam, TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục mạnh về quy mô và về chỉ số”.
Thành viên tham gia TTCK ngày càng trưởng thành
Các định chế tài chính
Trong gần 20 năm đồng hành cùng sự phát triển của TTCK, phải kể đến sự phát triển của các công ty chứng khoán (CTCK) thành viên cả về số lượng lẫn chất lượng hoạt động.
Trong những năm đầu sơ khai của thị trường, số lượng CTCK thành viên của HOSE rất ít, năm 2000 chỉ có vỏn vẹn 7 công ty, tới nay tổng số CTCK thành viên tại HOSE là 74 công ty. Tổng số nhân sự làm việc tại các CTCK đạt gần 10,000 nhân sự.
*Tới cuối năm 2019
Một trong những đại diện nổi bật là CTCK SSI. Qua 20 năm tham gia TTCK Việt Nam từ những ngày đầu tiên, SSI nhận thấy TTCK Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng và bền vững trong suốt thời gian hoạt động.
Vai trò mắt xích quan trọng của CTCK được phát huy khá tốt, thể hiện ở một số điểm chính như sau: (1) Cung cấp thông tin về hàng hóa trên thị trường thông qua hoạt động của các trung tâm nghiên cứu phân tích, (2) thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, (3) tham gia tích cực vào các thương vụ IPO, thoái vốn, huy động vốn… giúp các thương vụ được diễn ra thành công, (4) hoạt động tư vấn của các CTCK cũng giúp các nhà đầu tư trên thị trường và các công ty niêm yết nâng cao đáng kể nhận thức và chuyên môn.
Những năm tới, SSI kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được tăng trưởng mạnh mẽ. SSI tin rằng khối các CTCK sẽ tiếp tục giữ vai trò như thành viên trung tâm và thiết yếu trong việc thực hiện và thúc đẩy toàn diện của TTCK thời gian tới. Việc này đòi hỏi các CTCK phải không ngừng chuyên nghiệp hóa hoạt động để thực hiện các chức năng tốt nhất, từ đó cũng góp phần đưa thị trường đi lên.
Một điểm nổi bật khác trong hành trình 20 năm là làn sóng vốn nước ngoài tham gia tái cấu trúc CTCK trong nước. Theo thống kê từ HOSE, tính đến tháng 2/2020, có 28 CTCK thành viên có sự tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài
Là một trong những CTCK hòa mình cùng làn sóng vốn ngoại, KBSV cho rằng khối các CTCK đã đóng góp vào sự phát triển của thị trường không chỉ về lượng mà còn cả về chất thông qua nỗ lực thực hiện tốt vai trò nhà môi giới tài chính, cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng cho cả hai phía, nhà đầu tư và công ty niêm yết.
Trong 5 năm tới, KBSV kỳ vọng vào những mục tiêu trong Đề án tái cơ cấu TTCK đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ đưa ra, bao gồm việc tăng quy mô thị trường, tăng tính phổ cập đối với người dân, phát triển thị trường trái phiếu, đa dạng hóa các sản phẩm, nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết, và nâng hạng TTCK Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi.
Về phía mình, KBSV sẽ tiếp tục nỗ lực quảng bá hình ảnh TTCK Việt Nam với cộng đồng đầu tư quốc tế, đặc biệt là các nhà đầu tư Hàn Quốc, nhằm tạo kênh dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Nhà đầu tư
Nói đến TTCK, không thể không thể kể đến lớp nhà đầu tư tham thị trường. Nếu không có họ, TTCK sẽ chỉ là cái vỏ không hồn. Trải qua 20 năm hoạt động, TTCK Việt Nam đã chứng tỏ được sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thể hiện qua số lượng nhà đầu tư tham gia giao dịch ngày càng tăng, chất lượng nhà đầu tư ngày càng được nâng cao.
Đồng hành với thị trường, hơn ai hết, những nhà đầu gửi gắm không ít tâm tư vào đây.
Anh N.L.H, làm việc trong ngành công nghệ thông tin, cho hay đã tham gia TTCK cách đây gần 2 năm vì đây là kênh đầu tư hợp pháp, độ an toàn tương đối cao, tiềm năng sinh lời cao hơn gửi ngân hàng. Mặc dù chuyên môn không thuộc lĩnh vực tài chính, nhưng anh H đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về tài chính cũng như chứng khoán nói chung trước khi tham gia.
Đầu tư trong giai đoạn thị trường khó lường đầu năm 2020, anh H kỳ vọng “Với nền kinh tế đang trên đà phát triển tốt cũng như tốc độ hồi phục nhanh sau khi chống dịch Covid-19 thành công, hy vọng Chính phủ sẽ xem xét đưa ra nhiều gói kích thích, hỗ trợ nhà đầu tư, cũng như tiếp tục sửa đổi, cải tiến Luật chứng khoán để nhà đầu tư có thể yên tâm sử dụng chứng khoán như một công cụ đầu tư dài hạn an toàn, đồng thời kéo dòng tiền đầu tư từ quốc tế để kích thích TTCK phát triển mạnh hơn nữa”.
Một nhà đầu tư lâu năm với công việc trực tiếp liên quan đến tài chính là anh N.L.M, cho hay anh tham gia TTCK từ những năm còn ngồi trên ghế đại học. Giảng viên Tài chính doanh nghiệp của anh khuyến khích các sinh viên đầu tư chứng khoán để hiểu cách thị trường vận hành, đọc báo cáo tài chính, đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và tạo ra thu nhập cho bản thân. Việc này đã phần nào định hình tâm lý đầu tư cho anh M. Anh M chia sẻ: “Tôi tin đầu tư là cả quá trình, càng đầu tư nhiều, càng bám trụ thị trường, càng học hỏi thêm được nhiều điều. Kinh nghiệm tích lũy càng nhiều, tỷ lệ thành công của nhà đầu tư càng tăng cao theo thời gian”.
Chủ tịch Dragon Capital - ông Dominic Scriven - là một trong những nhà đầu tư ngoại đầu tiên tại TTCK Việt Nam. Quỹ của ông đã đồng hành với thị trường Việt Nam 26 năm qua, trước cả khi TTCK đi vào hoạt động tháng 7/2000.
Vị chủ tịch của Dragon Capital đánh giá trong những năm qua, thị trường trái phiếu, ngân hàng thương mại vẫn là thành phần tham gia chính, vai trò của các quỹ hầu như là không có. Hay như giao dịch cổ phiếu, vai trò của các quỹ cũng không nhiều, những thành phần khác như chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm chủ yếu và lại dựa nhiều vào tín dụng cầm cố.
Theo ông, nếu mức phát triển kinh tế vẫn thấp thì nhu cầu đầu tư vào các công cụ tài chính của người dân sẽ hạn chế. "Do đó, nền kinh tế cần phát triển đến một mức nào đó để người dân thấy tiền gửi ngân hàng là đủ, nhà ở đủ và tiền dư thừa phải đầu tư vào các công cụ tài chính khác", ông Dominic nhận xét.
Từ phía chủ quan, ông Dominic cho rằng các quỹ cần có nhiệm vụ chào bán những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư với các loại phí hợp lý, đồng thời tạo được sự chuyên nghiệp và uy tín dù không dễ. "Làm cách nào để nhà đầu tư hiểu rằng đầu tư chứng khoán cũng có rủi ro, có khả năng phát triển vốn nhưng cũng có rủi ro không đảm bảo an toàn vốn", ông Dominic nêu và cho rằng đây là vấn đề thách thức, giúp nhà đầu tư hiểu và nâng cao nhận thức phải tự chịu trách nhiệm.
20 năm qua, TTCK Việt Nam đã chứng kiến các lớp nhà đầu tư ngày càng có kiến thức và bản lĩnh. Nhân dịp Kỷ niệm 20 năm TTCK Việt Nam, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng gửi lời chúc tất cả nhà đầu tư trên thị trường kiên định, thông thái hơn, bản lĩnh hơn và cùng thành công với TTCK.
Nội dung: Chí Kiên
Đồ họa: Tuấn Trần - Như Xuân
FILI
|