Vàng thế giới vọt lên cao nhất trong hơn 7 năm khi đồng USD suy yếu
Các hợp đồng vàng tương lai tăng lên mức đóng cửa cao nhất trong hơn 7 năm vào ngày thứ Ba (23/06), khi lãi suất thấp, căng thẳng Mỹ - Trung, và đồng USD suy yếu đã cung cấp hỗ trợ cho vàng, MarketWatch đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng vàng giao tháng 8 tiến 15.60 USD (tương đương 0.8%) lên 1,782 USD/oz, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 04/10/2012, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
Theo CNBC, cũng trong ngày thứ Ba, hợp đồng vàng giao ngay cộng 0.7% lên 1,767 USD/oz.
Những tuyên bố mâu thuẫn về tình trạng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung từ Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro, cùng với căng thẳng leo thang giữa 2 nước, đã dẫn đến việc mua vào tài sản trú ẩn an toàn nhiều hơn, Jeff Wright, Phó Chủ tịch điều hành tại GoldMining, nhận định.
Ông Navarro nói trong cuộc phỏng vấn với Fox News vào tối ngày thứ Hai (22/06) rằng thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, được ký kết hồi tháng 01/2020, đã chấm dứt. Ông Navarro sau đó cho biết những phát biểu của mình đã bị đưa ra khỏi bối cảnh và thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vẫn đang diễn ra. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tweet rằng thỏa thuận thương mại với Trung Quốc vẫn còn hiệu lực.
Thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi từ cú sốc đêm qua do những nhận định của ông Navarro để khởi sắc trong phiên ngày thứ Ba khi các hợp đồng vàng chốt phiên. Tuy nhiên, chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – đã lùi 0.5% và giảm 1.1% từ đầu tuần đến nay uống 96.58.
Bởi vì phần lớn hàng hóa được neo giá theo đồng bạc xanh, đồng USD suy yếu có thể khiến những tài sản này trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua sử dụng những đồng tiền khác.
Chỉ số PMI toàn cầu cho thấy sự phục hồi kinh tế nhanh chóng từ đại dịch Covid-19, góp phần vào đà tăng của chứng khoán, Edward Moya, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, chia sẻ.
Chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ tại Mỹ tăng từ 37.5 trong tháng trước lên 46.7 trong tháng 6, mức cao nhất trong 4 tháng, IHS Markit cho biết. Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất vọt từ 39.8 trong tháng 5 lên đỉnh 4 tháng là 49.6 trong tháng này. Mặc dù có sự cải thiện, các chỉ số vẫn thấp hơn so với mốc 50, cho thấy các điều kiện đang xấu đi.
“Vàng tăng sau chỉ số PMI tại Mỹ, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ nhưng không đạt được kỳ vọng, hỗ trợ quan điểm rằng các cơ quan tiền tệ và chính sách cần tiếp tục tung các gói kích thích”, ông Moya nhận định.
Vàng tăng giá bất chấp đà leo dốc của chứng khoán trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh dần tái khởi động sau đại dịch, dẫu vậy, nhà đầu tư bày tỏ lo ngại rằng đà phục hồi của các tài sản rủi ro cho đến nay là quá nhanh, với sự cẩn trọng nhà đầu tư xem vàng là kênh phòng ngừa trước đà leo dốc của chứng khoán.
Gói kích thích tiền tệ từ các Ngân hàng trung ương toàn cầu, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), và lãi suất âm hoặc cực thấp trong tương lai gần, cũng làm tăng sức hấp dẫn của kim loại quý, vốn không đem lại lợi suất.
Trong số các kim loại trên sàn Comex, hợp đồng bạc giao tháng 7 tiến 0.9% lên 18.063 USD/oz. Hợp đồng đồng giao tháng 7 nhích 0.2% lên 2.6585 USD/lb.
Hợp đồng bạch kim giao tháng 7 cộng 0.3% lên 846.40 USD/oz. Hợp đồng paladi giao tháng 9 tăng 0.5% lên 1,951.10 USD/oz.
An Trần
FILI
|