TPHCM có bao nhiêu dự án tạm dừng triển khai?
Phát biểu trong hội thảo "Thị trường bất động sản thế nào sau dịch Covid-19" sáng 11.6, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam khẳng định giá nhà đất chỉ có tăng.
Ông Đính cho rằng, giá nhà đất chỉ có tăng, khó giảm. Ảnh: Khả Hòa
|
Ông Đính phân tích, thị trường bất động sản ở TP.HCM là thị trường lớn nhất nước, gấp đôi so với TP Hà Nội. Nhưng thời gian gần đây, có những năm TP.HCM và Hà Nội gần bằng nhau về nguồn cung và giao dịch, có chăng TP.HCM chỉ “nhỉnh” hơn Hà Nội khoảng 10 - 15%, như vậy có thể thấy sự không tương xứng của TP.HCM.
Ông Đính đưa ra dẫn chứng cụ thể, như năm 2017 TP.HCM có nguồn cung ra thị trường 37.000 sản phẩm, năm 2018 đưa ra khoảng 45.000 sản phẩm, đến năm 2019 lượng cung sụt giảm gần 1 nửa so với năm 2018 với khoảng 20.000 sản phẩm. Điều này không tương xứng với quy mô, tiềm lực của TP.HCM.
“Theo báo cáo, đến nay tại TP.HCM có 126 dự án tạm dừng triển khai, nhưng thực tế cho thấy con số các dự án không thể triển khai còn nhiều hơn. Một dự án làm thủ tục có thể mất 3 - 5 năm, có dự án như của Tập đoàn Đại Phúc phải mất 15 năm mới xong thủ tục nên chắc chắn giá chỉ có tăng chứ không thể giảm do chi phí vốn quá lớn”, ông Đính lý giải.
Các sàn giao dịch bất động sản đóng cửa, tạm dừng hoạt động đến 80% trên tổng số 1.200 sàn trên cả nước. Ảnh: Khả Hoà
|
Cũng theo ông Đính, giá bất động sản ở TP.HCM trước đây thấp hơn Hà Nội nhưng TP.HCM tăng mỗi năm bình quân hơn 10%, thậm chí có những dự án còn tăng nhiều hơn trong khi các dự án nhà giá bình dân gần như vắng bóng. Trước đây, nhiều doanh nghiệp dự kiến làm nhà ở giá bình dân, nhưng đến nay bán hơn 30 triệu đồng/m2. Nguyên nhân là do chi phí tăng nên phải đẩy giá lên và cũng không ngoại trừ việc nguồn cung hạn chế đẩy giá nhà đất tăng. Đây là hạn chế của thị trường bất động sản TP.HCM. Chính vì vậy, các bên cần hợp tác với nhau để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp giá nhà giảm xuống để người thu nhập thấp có cơ hội mua nhà.
Không chỉ nguồn cung sụt giảm, dự án không thể triển khai, các doanh nghiệp môi giới cũng lao đao. Số liệu thống kê cho thấy toàn bộ các sàn giao dịch trên cả nước khoảng 1.200 sàn, trong đó TP.HCM có khoảng 500 sàn và Hà Nội có khoảng 300 sàn. Khi dịch Covid-19 xảy ra, nhiều sàn phải cho nhân viên nghỉ ở nhà, đóng cửa, với con số khoảng 80% các sàn tạm ngưng hoạt động. Nhiều sàn phải chuyển qua hoạt động online để duy trì được khách hàng, thị trường.
Đình Sơn
Thanh niên
|