Thứ Tư, 17/06/2020 09:00

Thủy sản Hùng Vương: Cái tên chỉ còn lại hai chữ... "Từng là"

Câu danh ngôn nổi tiếng từ nhà thơ và nhà soạn kịch người Anh William Shakespeare dường như vận vào câu chuyện của CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG). Phải chăng những giấc mơ của Chủ tịch Dương Ngọc Minh đã bị nhấn chìm trong hố sâu của sự tham vọng?

              Ảnh: Tuấn Trần

Với tham vọng lớn, Chủ tịch HVG Dương Ngọc Minh đã liên tục xin ý kiến cổ đông để tăng vốn điều lệ cho HVG. Kể từ khi niêm yết (25/11/2009), HVG đã trải qua 12 lần tăng vốn. Từ số vốn điều lệ ban đầu chỉ vỏn vẹn 120 tỷ đồng, sau 10 năm con số này đã gấp 19 lần, lên mức 2,270 tỷ đồng.

Nguồn: VietstockFinance

Khoảng thời gian từ 2008 - 2014 có thể nói là giai đoạn tăng tốc của HVG khi doanh thu tăng liên tục từ 2,985 tỷ đồng lên 14,902 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong năm 2011, HVG bứt phá khi ghi nhận lãi ròng cao nhất, đạt 418 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước và doanh thu cũng tăng mạnh 73%, lên 7,689 tỷ đồng.

Năm 2014 là năm đánh dấu tên tuổi của HVG trên sàn chứng khoán khi giá cổ phiếu tăng liên tục và tạo đỉnh vào phiên 06/10/2014 tại mức giá 22,012 đồng/cp. Đi kèm với đó, doanh thu và lợi nhuận cũng lần lượt tăng 35% (15,000 tỷ đồng) và 17% (291 tỷ đồng) so với năm trước.

Ngành cá tra Việt Nam có những biến động kể từ năm 2011 đến nay khi phải đối mặt với loạt khó khăn như tình hình diễn biến phức tạp, dịch bệnh liên tục xảy ra. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp thủy sản còn bị ảnh hưởng nặng nề khi nguồn đầu ra bấp bênh trong khi tín dụng ngân hàng bị hạn chế, giá cá tra thời điểm đó cũng bắt đầu giảm mạnh xuống mức xấp xỉ giá thành sản xuất.

Đứng trước xu thế sụt giảm chung của ngành, bắt đầu từ năm 2015 - năm cuối cùng trước khi bắt đầu niên độ mới cũng chính là năm mở màn cho sự suy thoái của HVG khi Công ty liên tục rơi vào tình cảnh khốn khó. Do chuẩn bị thay đổi niên độ tài chính nên năm 2015 trong báo cáo tài chính của HVG chỉ tính từ 01/01-30/09/2015. Theo đó, HVG ghi nhận lãi ròng 2015 giảm một nửa so với năm trước, xuống chỉ còn 120 tỷ đồng. Liền sau đó, con số lợi nhuận phút chốc biến thành lỗ 49 tỷ đồng (năm 2016 - năm đầu tiên mà HVG thay đổi niên độ mới (01/10 - 30/09) và lỗ sâu 713 tỷ đồng (năm 2017).

Nguyên nhân lỗ sâu đến từ việc HVG sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao trong lúc tình hình thị trường cá tra không mấy thuận lợi. Việc vay nợ để mở rộng hoạt động kinh doanh, tài trợ cho các hoạt động đầu tư, M&A đã khiến cho HVG phải trả giá đắt. Đỉnh điểm vào năm 2016, nợ phải trả của HVG ghi nhận 13,336 tỷ đồng, gấp 4 lần vốn chủ sở hữu tại thời điểm đó.

Con số lỗ chưa dừng lại, khi năm 2019 HVG tiếp tục báo lỗ hơn ngàn tỷ (1,075 tỷ đồng), đây là con số lỗ cao nhất tính từ khi niêm yết của HVG. Kết quả đó khiến HVG phải ôm khoản lỗ lũy kế hơn 1,489 tỷ đồng (tính đến 30/09/2019). Không chỉ vậy, HVG còn bị kiểm toán đưa ra nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Trước đây, HVG được mệnh danh là “Vua cá tra” trong ngành thủy sản khi sở hữu 11 nhà máy chế biến cá, trang thiết bị hiện đại, công suất 400,000 tấn/năm. Tuy nhiên, kể từ khi rơi vào biển nợ, HVG đã phải bán ra loạt công ty con cũng như nhiều tài sản khác để gồng gánh doanh nghiệp. Quyết định được ban lãnh đạo Công ty lý giải nhằm thu hồi dòng vốn, chuyển hướng kinh doanh, trong đó tập trung nguồn lực phát triển ngành kinh doanh cốt lõi.

Cụ thể,  hồi tháng 11/2017, HVG đã bán hết hơn 54% vốn tại CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) cho nhóm cổ đông SSI, thu hồi về 487 tỷ đồng, thoái trên 50% vốn tại CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF), thu hồi 501 tỷ đồng. Ngoài ra, HVG còn thanh lý loạt các dự án bất động sản và giải thể CTCP Địa ốc An Lạc.

Từng “xộ khám” 6 năm, từ hai bàn tay trắng, ông Dương Ngọc Minh chuyển hướng chủ lực từ mặt hàng tôm sang cá tra, đưa Hùng Vương thành một trong những cái tên đầu ngành thời gian đó. Ông Dương Ngọc Minh cũng từng lọt vào top hai doanh nhân giàu trong lĩnh vực thủy sản trên sàn chứng khoán năm 2012 (chỉ đứng sau bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch Vĩnh Hoàn). Và danh xưng “vua xuất khẩu cá tra” cũng gắn liền với ông từ đây.

Chính vì sự chuyển hướng sản phẩm chủ lực này đã giúp HVG tăng gấp 3 lần doanh thu từ không đầy 5,000 tỷ đồng (năm 2010) lên 15,000 tỷ đồng (năm 2014). Đây là  giai đoạn thị trường cá tra trong nước  tăng trưởng tốt giúp cho HVG đạt được thời kỳ  cực thịnh.

Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, chính tham vọng doanh thu tỷ USD sau hàng loạt vụ thâu tóm và mở rộng sản xuất… đã nhanh chóng đẩy HVG vào cảnh khó khăn. Chỉ 2 năm 2016-2017, HVG từ đỉnh vinh quang trượt dài trong nợ nần và báo lỗ ròng 2 năm hơn 760 tỷ đồng.

Nguồn: VietstockFinance

Tính đến 31/12/2019, HVG hiện đang sở hữu trực tiếp 8 Công ty con và gián tiếp 1 công ty con là CTCP Hùng Vương Ba Tri. Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2020 của HVG

Hiện tại, ông Minh đang là cổ đông lớn nhất của HVG khi nắm giữ gần 87 triệu cp, tương đương với tỷ lệ 38%.

Từng chạm mốc 22,012 đồng/cp (06/01/2014) vào giai đoạn cực thịnh, giá cổ phiếu HVG bắt đầu “trượt dài” song song thời gian Công ty gặp khó khăn và có lúc đã bốc hơi 90%, chỉ còn 2,280 đồng/cp (05/07/2018).

Mới hồi giữa tháng 4/2020, HOSE đã có công văn nhắc nhở HVG về việc chậm công bố BCTC riêng và hợp nhất quý 1/2020. Để đảm bảo thông tin đầy đủ đến nhà đầu tư, HOSE đã nhắc lần thứ 3 và đề nghị Công ty khẩn trương công bố thông tin.

Thêm vào đó, cổ phiếu HVG tiếp tục thuộc diện bị kiểm soát kể từ ngày 19/01/2018 do lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2016 và 2017 là số âm.

Từng ở vị trí nhiều doanh nghiệp phải nhìn mà học hỏi, giờ đây HVG vừa bị Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) thông báo đưa cổ phiếu vào diện tạm ngừng giao dịch kể từ ngày 15/05/2020 do Công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.


Trong ngành thủy sản, khi nhắc đến cái tên Hùng Vương, không ai có thể không biết. Đã  tạo được tiếng vang lớn như là doanh nghiệp đi đầu trong xuất khẩu cá tra, giờ đây nhắc đến Hùng Vương chỉ còn là nợ nần, bán công ty con…

Hồi đầu tháng 1 (ngày 10/01/2020), Thadi - một đơn vị thuộc CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco, OTC: THA) chính thức trở thành cổ đông lớn của HVG sau khi mua thành công gần 54 triệu cp HVG, nâng tỷ lệ sở hữu tại HVG từ 0% lên 24.28%.

Tuy nhiên, chỉ sau đó hơn 2 tháng (ngày 27/03/2020), Thadi đã thoái toàn bộ vốn khỏi HVG và rút chân ra khỏi danh sách cổ đông của HVG. Cùng ngày, Thaco đã thỏa thuận mua vào gần 60 triệu cp HVG, nâng tỷ lệ sở hữu tại HVG lên 26%.

Nhưng ở diễn biến mới đây nhất, Công ty TNHH Sản xuất Heo giống và Thức ăn chăn nuôi Việt Đan được HVG hợp tác với CTCP Sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp THADI (Thadi) thành lập từ số vốn điều lệ 556 tỷ đồng. Trong đó, Thadi chiếm 75% vốn và HVG chiếm 25%. Liệu rằng cái bắt tay này có giúp HVG vực dậy sau khủng hoảng tài chính và lấy lại vị trí của mình trong ngành, chứ không còn hai chữ… “từng là”?

Nội dung: Tiên Tiên

Design: Tiên Tiên

FILI

Các tin tức khác

>   DLT: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (11/06/2020)

>   HGM: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 (11/06/2020)

>   PTX: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (11/06/2020)

>   DDV: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (11/06/2020)

>   LNC: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (11/06/2020)

>   PSI: Nghị quyết và Biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 (11/06/2020)

>   KIS: Thông báo ký kết hợp đồng kiểm toán BCTC 2020 (11/06/2020)

>   VWS: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt (11/06/2020)

>   TCM: Lợi nhuận tháng 5/2020 tăng vọt hơn 200% (11/06/2020)

>   MPC: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (11/06/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật