Thị trường Việt Nam có còn thu hút đầu tư nước ngoài?
Các NHTW toàn cầu sẽ sớm phát hành nguồn tiền mới với tổng giá trị lên tới 6,000 tỷ USD nhằm mục tiêu hỗ trợ kinh tế toàn cầu trong quá trình mở cửa trở lại sau dịch. Chỉ cần một phần nhỏ trong số này cũng có thể giúp kinh tế Việt Nam mau chóng phục hồi và phát triển hơn trong tương lai.
Tại báo cáo mới nhất trong chuỗi bài về tác động của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam và những đề xuất mở cửa lại nền kinh tế, nhóm chuyên gia kinh tế VinaCapital đưa ra những phân tích về nguồn vốn đầu tư nước ngoài, một trong những yếu tố quan trọng sẽ giúp kinh tế Việt Nam sớm hồi phục và tăng trưởng trở lại hậu COVID.
Các Ngân hàng Trung ương (NHTW) toàn cầu sẽ sớm phát hành nguồn tiền mới với tổng giá trị lên tới 6,000 tỷ USD, với phần lớn sẽ đổ vào thị trường vốn, nhằm mục tiêu hỗ trợ kinh tế toàn cầu trong quá trình mở cửa trở lại sau dịch. VinaCapital cho rằng chỉ cần một phần nhỏ trong số này cũng có thể giúp kinh tế Việt Nam mau chóng phục hồi và phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Vậy làm thế nào để thị trường vốn Việt Nam trở nên hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tiếp cận nguồn vốn khổng lồ này?
Việt Nam có thể thu hút vốn từ nước ngoài thông qua 2 kênh.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thường có xu hướng dài hạn, dựa vào từng dự án và cơ bản là được kiểm soát bởi nhà đầu tư nước ngoài. Những dự án này bao gồm nhà máy, các khu cao ốc, căn hộ chung cư và các dự án cơ sở hạ tầng…
Trong khi đó, đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) tham gia vào thị trường vốn thông qua giao dịch cổ phiếu và trái phiếu, hoặc đầu tư vào cổ phần tư nhân hoặc thông qua các quỹ mạo hiểm. FII ảnh hưởng trực tiếp vào khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Năm 2019, giao dịch đạt khoảng 150 triệu USD/ngày và hiện nay là khoảng 200 triệu USD/ngày. Khối lượng giao dịch hiện nay chủ yếu là từ các tổ chức/nhà đầu tư tư nhân trong nước.
Thế giới đang ở trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Dịch bệnh đã khiến nhiều quốc gia rơi vào tình trạng khó khăn về kinh tế. Và để hỗ trợ cho kinh tế phục hồi, Chính phủ các nước, đặc biệt là các nước phát triển, bắt đầu in tiền mới. VinaCapital cho biết, các nước phát triển đang bơm vào khoảng 6,000 tỷ USD để hỗ trợ kinh tế phục hồi.
VinaCapital tin rằng những nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận với nguồn vốn đang được bơm vào các nền kinh tế này cũng chú ý nhiều hơn tới thị trường Việt Nam.
Bởi vì Việt Nam mang lại cho họ lợi nhuận lớn hơn so với các lựa chọn đầu tư tại quốc gia của họ, nơi mà trái phiếu được giao dịch ở mức lãi suất âm, lãi suát tiền gửi có kỳ hạn cũng ở mức dưới 0, lãi từ chia cổ tức chỉ từ 1-2%.
Trong khi đó tại Việt Nam, họ có thể hưởng mức lãi từ chia cổ tức ở mức 3-4%, lãi suất trái phiếu ở mức 3-4% và tiền gửi có kỳ hạn ở mức 6-7%. Và đây thực sự là một nguồn lợi lớn khi đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, tình hình chính trị và môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang rất ổn định.
Khi một nhà đầu tư quyết định đầu tư vào Việt Nam, họ có thể thấy tài sản khấu hao và đồng tiền duy trì ổn định, không bị mất lợi nhuận do tiền Đồng mất giá. Thêm vào đó, Việt Nam hiện có 97 triệu dân, trong đó một nửa dân số ở độ tuổi 35 và thu nhập bình quân nhóm phổ thông ở mức 3,000 USD/năm. Mức thu nhập này đang tăng dần, và theo đó sức mua cũng tăng lên. Điều này là lợi thế lớn thu hút nhiều doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tóm lại, Việt Nam cần tiếp cận với nguồn vốn nước ngoài đang được các NHTW bơm vào, cần thay đổi để trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư nước ngoài.
Hàn Đông ghi
FILI
|