Sẽ có app cho vay hợp pháp
Thí điểm cho vay qua app nhằm hạn chế, ngăn chặn tiêu cực và phát huy mặt tích cực của loại hình mới này.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo lấy ý kiến quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Đáng chú ý, dự thảo nêu rõ sẽ thực hiện giám sát các hoạt động thí điểm như công ty fintech cung cấp dịch vụ thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng (P2P lending). Thời gian thử nghiệm các giải pháp này kéo dài 1-2 năm.
Đây là loại hình dịch vụ trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay mà không thông qua trung gian tài chính như tổ chức tín dụng.
Kiểm soát cho vay ngang hàng để giảm rủi ro
Đại diện NHNN giải thích việc xây dựng và ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động fintech nhằm tạo lập môi trường thử nghiệm các dịch vụ; đồng thời hạn chế rủi ro xảy ra cho khách hàng khi tham gia sử dụng dịch vụ fintech chưa được cho phép chính thức.
Nhiều ý kiến đánh giá cao chủ trương này bởi việc cho vay ngang hàng, vay qua app đang hoạt động rầm rộ nhưng chứa đựng rất nhiều rủi ro do thiếu hành lang pháp lý. Mặt khác, hoạt động cho vay ngang hàng nếu được quản lý tốt sẽ góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, đặc biệt là tại các địa bàn mà hệ thống tài chính chưa phát triển.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nhìn nhận đối với cơ chế hoạt động thử nghiệm thì bản dự thảo này đã khá đầy đủ và cần thiết trong bối cảnh các hoạt động cho vay ngang hàng, vay qua app thời gian qua biến tướng với đủ chiêu trò, gây bất ổn cho xã hội. Tuy nhiên, liên quan đến việc áp dụng thời gian thử nghiệm thì chỉ nên dừng lại ở mức một năm là đủ chứ không nên kéo dài có thể đến hai năm như dự thảo.
Lý do là sau thử nghiệm một năm đã có thể đánh giá được mặt nào được, mặt nào bất ổn để đưa ra quy định pháp luật chính thức ngằm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng. “Việc kéo dài thêm thời gian thử nghiệm càng lâu càng khiến cho hình thức cho vay trá hình, lừa đảo... có cơ hội gây thiệt hại nặng nề hơn cho người dân” - TS Hiếu nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, để giảm thiểu rủi ro trong cho vay ngang hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất: NHNN có thể xem xét bổ sung thêm quy định cho phép các công ty tham gia hoạt động cho vay ngang hàng được truy cập thông tin tín dụng từ cổng thông tin kết nối khách hàng vay của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) thuộc NHNN. Khi được truy vấn thông tin khách hàng trên hệ thống này, các công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng sẽ biết người vay có bị nợ xấu hay không.
Nhờ đó, quyền lợi an toàn vốn của nhà đầu tư sẽ được bảo đảm tốt hơn và đồng thời giúp người dân tiếp cận kênh tín dụng chính thức thay vì tiếp cận tín dụng đen.
Công an TP.HCM mới đây khám xét trụ sở Công ty Cashwagon cho vay qua app với lãi suất tương đương 1.600 %/năm (ảnh lớn). Để đòi nợ, những app cho vay đăng thông tin cá nhân của khách hàng để tạo áp lực (ảnh nhỏ). Ảnh: TỰ SANG
|
Cần thêm công cụ bảo vệ người dân, nhà đầu tư
Dự thảo quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát công nghệ tài chính trong lĩnh ngân hàng của NHNN đưa ra rất nhiều tiêu chí. Ví dụ một app cho vay ngang hàng muốn được thử nghiệm bắt buộc không được tiềm ẩn rủi ro gây bất ổn đến thị trường tài chính, ngân hàng.
Bình luận về tiêu chí này, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định “chắc chắn sẽ không có app cho vay ngang hàng nào tìm ra được giải pháp không tiềm ẩn rủi ro”. Do vậy, nếu NHNN đặt ra tiêu chí này thì các công ty cho vay ngang hàng không thể hoạt động được.
“Chỉ có thể đưa ra tiêu chí để các công ty fintech hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng phải quản lý, kiểm soát rủi ro ở mức hợp lý mà thôi chứ không thể bắt tuyệt đối không có rủi ro” - ông Hiếu nói.
Luật sư Trương Thanh Đức thì ước tính hiện có khoảng 50% ứng dụng cho vay qua điện thoại hoặc kết nối người vay và người cho vay theo hình thức cho vay qua app có nguồn gốc từ Trung Quốc. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng ban hành khung pháp lý thí điểm cho các mô hình dịch vụ mới này chứ không nên kéo dài, tránh để hoạt động này ở ngoài vòng pháp luật lâu. Khung pháp lý sẽ tạo cơ hội công bằng cho các công ty được tiếp cận lẫn tham gia cung ứng dịch vụ tài chính qua app.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia nhìn nhận hiện nay các ngân hàng không thể giải quyết hết tất cả nhu cầu của người cần vay tiền gấp trong thời gian ngắn. Vì vậy, NHNN cần có thêm các công cụ tài chính mang tính linh hoạt, đáp ứng nhu cầu khoản vay nhỏ từ vài đến vài chục triệu đồng. Có như vậy mới có thể đáp ứng nhu cầu cấp bách, bức thiết của người dân và giảm được tín dụng đen hoành hành.
Trong khi chờ cơ chế quản lý, để tránh rủi ro cho bản thân, ông Trần Đại Dương, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Interloan - một startup trong lĩnh vực fintech lưu ý: Trong bối cảnh nhiều app cho vay biến tướng đang lộng hành thì cách dễ dàng nhất để người dân phân biệt giữa app “ma” và app “xịn” đó là người vay hãy yêu cầu app cho vay công khai, minh bạch tổng số tiền cần phải nộp là bao nhiêu. Xem tổng chi phí có đúng như lãi suất mà họ công bố không là biết ngay cách làm ăn của những app cho vay này ra sao.
Hiện lãi vay có tài sản thế chấp tại các ngân hàng đang dao động trong khoảng 10%-13,5%/năm, vay tín chấp khoảng 15%-30%/năm. Song có những app cho vay ngang hàng quảng cáo mức lãi suất chỉ từ 20%/năm. Thoạt nghe, người vay có cảm giác như mức lãi suất cho vay qua app quá hấp dẫn, thấp hơn nhiều so với lãi suất vay tiêu dùng của ngân hàng hoặc các công ty tài chính.
“Trên thực tế, một số app “ma” chỉ đưa ra lãi suất tượng trưng, còn mức lãi suất ẩn danh sẽ nằm trong các khoản như phí dịch vụ, lãi phạt cao. Do đó, khi cộng dồn các khoản này thì lãi vay thực tế có thể sẽ vọt tới mấy trăm phần trăm là chuyện bình thường” - ông Dương lưu ý.
Phá đường dây vay app lãi suất siêu khủng
Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM mới đây đã triệt phá đường dây cho vay lãi nặng thông qua app (ứng dụng) do người Trung Quốc cầm đầu nhưng thuê người đang ở TP.HCM đứng tên giấy phép kinh doanh và đại diện pháp luật.
Đường dây này cho vay tiền thông qua các ứng dụng trên điện thoại như Vaytocdo, Moreloan, VD online… Đến nay, nhóm người Trung Quốc đã cho hơn 60.000 người ở nhiều địa phương vay khoảng 100 tỉ đồng với lãi suất từ hơn 1.000% đến 2.000%/năm.
Khi khách hàng không trả nợ đúng hạn, bộ phận thu hồi nợ đe dọa, chửi bới, tung ảnh người vay và cả những người thân, bạn bè lên mạng.
Chủ tịch Tập đoàn NextTech Nguyễn Hòa Bình khẳng định: Qua nghiên cứu và theo dõi cho thấy hiện có khoảng 60-70 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho vay của Trung Quốc đã tràn sang Việt Nam sau khi mô hình này bị siết chặt tại Trung Quốc.
|
THÙY LINH
Pháp luật TPHCM
|