Người dân Hồng Kông xếp hàng mua nhà ở
Luật an ninh đầy tranh cãi của Trung Quốc cũng không thể làm chậm bước tiến của thị trường bất động sản đắt đỏ nhất trên thế giới.
Hàng tá người mua xếp hàng dưới mưa để có cơ hội đấu giá mua 94 căn hộ tại dự án The Campton ở khu trung tâm Kowloon, với giá khởi điểm từ 6.8 triệu HKD (tương đương 872,400 USD) cho căn hộ có 1 phòng ngủ. 93 căn hộ của dự án này được bán hết trong vòng 8 giờ, mang về cho China Vanke khoảng 880 triệu HKD.
Cư dân Hồng Kông xếp hàng chờ mua căn hộ tại một dự án nhà ở Hồng Kông. Ảnh: Bloomberg
|
"Khi hệ thống chính trị và kinh tế bất ổn, tiền mặt sẽ mất giá rất nhanh", bà Li - một phụ nữ đứng xếp hàng mua căn hộ, cho biết. "Tôi muốn rót tiền mua căn hộ để bảo toàn giá trị".
Nhìn thoáng qua, dường như đây không phải thời điểm tốt nhất để mua bất động sản tại Hồng Kông. Tương lai Hồng Kông đang bị treo lơ lửng bởi luật an ninh của Trung Quốc – một yếu tố đã thôi thúc Mỹ dọa tước bỏ trạng thái đặc biệt của thành phố này.
Luật an ninh của Trung Quốc châm ngòi cho lo ngại dòng vốn tháo chạy khỏi Hồng Kông, làm nảy sinh làn sóng biểu tình và gia tăng căng thẳng tại nền kinh tế vốn đang cố gượng dậy sau đại dịch. GDP Hồng Kông được dự báo giảm kỷ lục 7% trong năm nay.
Bất động sản là kênh trú ẩn giữa lúc phong tỏa
Đối với một số cư dân, biến động kinh tế và chính trị lại khiến bất động sản trở thành một khoản đặt cược tốt hơn nhiều loại tài sản khác. Tháng trước, Sun Hung Kai Properties bán được 97% trong số 298 căn hộ với tổng trị giá 2 tỷ HKD chỉ trong một ngày. Vào cuối tuần trước, Sun Hung Kai bán hơn 90% trong số 209 căn hộ trong cùng dự án.
Li - bà nội trợ đang ở tuổi tứ tuần - tin rằng thị trường bất động sản có thể đứng vững dù nền kinh tế đi xuống, do nguồn cung sẽ không bao giờ bắt kịp nhu cầu.
"Hồng Kông rất nhỏ", bà cho biết. "Nhìn qua giá nhà 20 năm trước và bây giờ, những bất động sản được mua khi đó đều mang lại lợi nhuận khổng lồ".
Những con số này củng cố cho lập luận của bà. Dữ liệu từ Centaline Property Agency cho thấy, giá bất động sản đã tăng 230% kể từ năm 2000, từ đó củng cố cho quan điểm bất động sản sẽ luôn luôn là kênh trú ẩn. Bất chấp sự suy yếu của nền kinh tế, giá nhà ở có sẵn đã tăng 1.2% trong năm nay và ở mức cao nhất kể từ tháng 11/2029, dựa trên chỉ số của Centaline.
Thậm chí, khi giá và doanh số bán nhà tại nhiều thị trường như London và Singapore đang đi xuống, Hồng Kông lại ghi nhận 6,885 thương vụ trong tháng 5. Đây là mức cao nhất trong 12 tháng, trong bối cảnh thành phố này nới phong tỏa.
Hồng Kông vẫn là thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới, theo báo cáo từ CBRE. Một bất động sản trung bình của Hồng Kông có giá 1.3 triệu USD, vượt mặt Vancouver, Los Angeles, Paris và New York.
Simon Smith, Giám đốc nghiên cứu và tư vấn tại Savills, cho biết lãi suất thực thấp và sự thành công trong kiểm soát đại dịch đã giúp thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới này sôi động.
Trong dài hạn, nguồn cung hạn chế, nhu cầu cao do tỷ lệ sở hữu nhà còn thấp và lãi suất gần 0% sẽ hỗ trợ thị trường bất động sản, theo báo cáo ngày 26/05 của Morgan Stanley.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|