Đồng đô la Mỹ có thể trở thành một loại vũ khí mà cả hai bên đang có nhiều tranh chấp là Mỹ và Trung Quốc có thể sử dụng.
Theo phân tích của tờ South China Morning Post, dù khả năng Mỹ trả đũa Trung Quốc bằng một cuộc chiến tranh tài chính là thấp, phía Trung Quốc vẫn chuẩn bị cho rủi ro Mỹ dùng sức mạnh của đồng đô la Mỹ trong ngoại thương và tài chính để trừng phạt bằng cách không cho Hồng Kông và Trung Quốc tham gia vào hệ thống tài chính sử dụng đồng đô la Mỹ làm phương tiện thanh toán.
Giả thử Washington cắt đứt mối quan hệ của hệ thống tài chính Trung Quốc khỏi hệ thống chi trả bằng đô la Mỹ đang sử dụng các cơ sở hạ tầng trong thanh toán như Swift (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu) hay Chips (Hệ thống thanh toán bù trừ liên ngân hàng quốc tế), điều này có thể gây ra một cơn sóng thần đưa nền tài chính toàn cầu vào một gian đoạn chưa ai biết sẽ đi về đâu. Tờ báo này trích lời một quan chức Trung Quốc không nêu tên cho rằng đây chẳng khác nào Mỹ sử dụng bom hạt nhân, Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại nhưng thiệt hại cho phía Mỹ còn có thể lớn hơn. Ông này cho rằng một kịch bản như thế đang được phía Trung Quốc đánh giá “khả năng xảy ra là thấp” và là chọn lựa cuối cùng của phía Mỹ. “Một hành động như thế là Chiến tranh Nóng chứ không còn là Chiến tranh Lạnh nữa”, nguồn tin này nói.
Trước đây, khi Mỹ cấm vận Iran, Swift đã ngưng cung cấp dịch vụ cho một số ngân hàng Iran bị Mỹ liệt kê trong sổ đen. Swift là một tổ chức quốc tế đóng ở Bỉ chuyên cung cấp dịch vụ chuyển thông tin tài chính tạo điều kiện cho việc chuyển khoản giữa hơn 11.000 ngân hàng thành viên tại hơn 200 nước và lãnh thổ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ từng đe dọa sẽ trừng phạt Swift nếu cung cấp dịch vụ cho các ngân hàng Iran bị cấm vận. Mặc dù bản thân Swift không chuyển khoản cho các ngân hàng, thông tin chuyển qua Swift như chuyển qua một hệ thần kinh trung ương nên ngân hàng nào bị cắt đứt khỏi mạng lưới Swift sẽ không còn chuyển tiền được, nước nào bị tách khỏi Swift sẽ không còn khả năng thanh toán tiền nhập khẩu hay nhận tiền xuất khẩu.
Hiện nay, như nhiều nước khác trên thế giới, Trung Quốc phải dùng đồng đô la Mỹ làm phương tiện thanh toán trong ngoại thương, tài chính và đầu tư, trong đó các định chế tài chính ở Hồng Kông thường đóng vai trò cầu nối trung gian. Việc Trung Quốc và nhiều nước khác phải sử dụng đô la Mỹ đã giúp đưa Mỹ vào một vị thế rất đặc biệt có đặc quyền phát hành tiền thoải mái để chi tiêu mà không sợ lạm phát hay làm đồng tiền mất giá. Trung Quốc lại duy trì dự trữ ngoại hối của mình chủ yếu bằng đô la Mỹ, hiện lên đến 1.100 tỉ đô la, càng làm họ phụ thuộc vào sự lên xuống của đồng đô la.
Chính vì thế trong nhiều năm qua, Trung Quốc nỗ lực hết sức để xây dựng một hệ thống thanh toán quốc tế sử dụng đồng nhân dân tệ nhưng kết quả không đi đến đâu. Các nỗ lực này bao gồm việc thành lập một sàn giao dịch hợp đồng dầu hỏa tương lai nhưng thanh toán bằng nhân dân tệ ở Thượng Hải, một hệ thống chi trả thương mại qua biên giới bằng nhân dân tệ, đặc biệt là việc ký một loạt các hợp đồng hoán đổi ngoại hối với các nước. Theo số liệu của Swift, nhân dân tệ chỉ chiếm 1,66% các giao dịch thanh toán quốc tế so với đô la Mỹ chiếm 43%. Hơn nữa, 70% các giao dịch quốc tế của nhân dân tệ diễn ra ở Hồng Kông, là nơi có đồng tiền riêng và hệ thống tài chính riêng so với Trung Quốc lục địa. Và do đô la Hồng Kông gắn chặt vào đô la Mỹ nên nếu Trung Quốc muốn tiếp cận thị trường tài chính quốc tế họ phải thông qua đồng đô la Mỹ dù trực tiếp hay gián tiếp.
Nếu Mỹ quyết định cắt Trung Quốc khỏi hệ thống thanh toán quốc tế dùng đô la Mỹ, Bắc Kinh buộc lòng phải đẩy mạnh hơn nữa nỗ lực quốc tế hóa nhân dân tệ. Ở mức độ thấp hơn, Mỹ có thể cắt đứt con đường Trung Quốc sử dụng Hồng Kông làm nơi tiếp cận tài chính quốc tế, một biện pháp vừa làm suy yếu Hồng Kông như một trung tâm tài chính vừa gây khó khăn cho Trung Quốc nhưng đồng thời cũng làm suy yếu đồng đô la Mỹ.
Hiện nay, Mỹ đang phải phát hành tiền với số lượng khổng lồ để kích thích nền kinh tế chống dịch Covid-19, nhưng giả thử trái phiếu Mỹ phát hành để có tiền chi tiêu lại không có lối ra ở thị trường Hồng Kông hay Trung Quốc, chắc chắn kế hoạch phát hành tiền sẽ bị ảnh hưởng, đồng đô la sẽ mất giá ngay. Đó là chưa kể Trung Quốc có thể chịu thiệt, cắn răng bán đô la Mỹ đang dự trữ làm đồng tiền này càng thêm lao dốc. Hiện nay, nợ quốc gia của Mỹ đã tăng từ mốc 22.000 tỉ đô la vào cuối tháng 12 năm ngoái lên 25.000 tỉ đô la. Đó là lý do vì sao đô la Mỹ là vũ khí của cả hai bên.