Giải mã hiện tượng tăng giá phi mã của cổ phiếu HSG
Cổ phiếu HSG xuất hiện điểm cắt vàng (golden cross), khởi đầu chu kỳ tăng giá dài hạn.
Dưới sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đặc biệt là chỉ thị giãn cách xã hội của Chính phủ, chỉ số VN-Index và cổ phiếu HSG cùng tạo đáy ngày 01/04/2020. Tuy nhiên, khi thị trường hồi phục, HSG là một trong những cổ phiếu có sức tăng giá mạnh nhất và thanh khoản lớn nhất thị trường. Tính đến ngày 19/06/2020, chỉ số VN-Index từ đáy 680 điểm lên 868 điểm, tăng gần 28%, thì cổ phiếu HSG đã thu hút dòng tiền mạnh mẽ, tăng một mạch từ 4,600 đồng/cp lên 11,900 đồng/cp, tăng 157% với thanh khoản lớn nhất kể từ khi niêm yết, đạt khối lượng giao dịch trung bình 20 ngày là 13.4 triệu cổ phiếu/ngày.
Diễn biến chỉ số VN-Index và giá cổ phiếu HSG từ ngày 01/04-19/06/2020
Biểu đồ phân tích kỹ thuật theo ngày của cổ phiếu HSG cho thấy tại ngày 01/06/2020, cổ phiếu HSG là một trong rất ít cổ phiếu trên thị trường đã xuất hiện điểm cắt vàng (golden cross) khi đường SMA 50 ngày cắt lên trên đường SMA 200 ngày, được xác nhận bằng khối lượng giao dịch lớn trong nhiều ngày giao dịch liên tiếp, khẳng định xu hướng giá dài hạn của cổ phiếu HSG đã đảo chiều từ giảm sang tăng, khởi đầu cho chu kỳ tăng giá dài hạn của cổ phiếu HSG.
Nếu trong 2-3 tuần tới, giá cổ phiếu HSG phá vỡ hoàn toàn vùng 11,000-11,900 đồng/cp thì triển vọng dài hạn sẽ càng tích cực, do đây là kháng cự đã duy trì suốt 2 năm qua.
Biểu đồ cổ phiếu HSG theo ngày đến 19/06/2020
Đâu là nguyên nhân cho sự đảo chiều xu hướng ngoạn mục này?
Dĩ nhiên, nguyên nhân trực tiếp khiến cổ phiếu HSG tăng giá mạnh là do HSG đạt được lợi nhuận cao trong thời gian vừa qua. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế (LNST) hợp nhất 6 tháng đầu niên độ tài chính (NĐTC) 2019-2020 là 383 tỷ đồng, tăng 229% so với cùng kỳ; ước LNST hợp nhất tháng 4 là 90 tỷ đồng. Như vậy, ước LNST hợp nhất lũy kế 7 tháng NĐTC 2019-2020 là 472 tỷ đồng, vượt 18% chỉ tiêu kế hoạch cả năm.
Biểu đồ dưới đây thể hiện rõ 2 xu hướng trái ngược nhau giữa giá HRC thế giới và khả năng tạo lợi nhuận của HSG: Trong lúc giá HRC biến động theo chiều hướng giảm thì LNST của HSG lại tăng ngoạn mục trong quý 1, quý 2 của NĐTC 2019-2020.
Giá HRC thế giới trên biểu đồ được điều chỉnh chậm đi 1 quý so với thực tế. Nguyên nhân: Kể từ khi ký hợp đồng đến khi HRC về kho và được sản xuất thành thành phẩm mất thời gian gần 1 quý. Việc điều chỉnh này nhằm thể hiện đúng thời điểm giá HRC có thể tác động đến lợi nhuận của HSG.
|
Vậy, sự tăng trưởng lợi nhuận này có nguyên nhân từ đâu? Theo văn kiện ĐHĐCĐ 2019, HSG đã có chủ trương tái cấu trúc toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh, có lẽ đây là cốt lõi của việc phục hồi mạnh mẽ của HSG. Hãy xem các số liệu trong báo cáo tài chính hợp nhất quý của HSG để tìm hiểu vấn đề này.
1. Chủ trương không chạy theo sản lượng, không cạnh tranh về giá dẫn đến lợi nhuận gộp tăng mạnh
HSG đã có những thay đổi quan trọng trong chiến lược kinh doanh là không chạy đua theo sản lượng, không cạnh tranh về giá bán trên thị trường mà tập trung thực hiện cải thiện trình độ kỹ thuật công nghệ, nâng cấp chất lượng sản phẩm, bán hàng vào các thị trường và các mặt hàng có biên lợi nhuận cao, khai thác tốt lợi thế cạnh tranh của hệ thống chi nhánh và cửa hàng trên toàn quốc để tìm kiếm lợi nhuận tối đa. Theo số liệu các báo cáo tài chính quý, thì sau khi chạm đáy vào quý 1 NĐTC 2018 – 2019, lợi nhuận gộp của HSG đã tăng trở lại cả về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ lợi nhuận gộp biên, kể cả khi giá HRC giảm mạnh và đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu từ tháng 3/2020.
2. Quản lý hiệu quả các loại tài sản
- Đối với hàng tồn kho, hàng tồn kho của HSG liên tục được kéo giảm trong 9 quý liên tiếp. Thời điểm hàng tồn kho giảm mạnh trùng với thời điểm HSG bắt đầu thực hiện chủ trương tái cấu trúc toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, ta có thể suy đoán việc giảm hàng tồn kho này là kết quả của việc chủ động thực hiện chính sách quản lý hàng tồn kho hợp lý hơn. Nhờ việc kéo giảm lượng hàng tồn kho nguyên nhiên vật liệu, thành phẩm, hàng hóa, HSG đã giảm được các khoản nợ vay ngắn hạn tài trợ cho vốn lưu động.
- Đối với các khoản phải thu ngắn hạn, HSG dường như đã tập trung vào việc quản lý công nợ khách hàng hiệu quả hơn. Nhờ vào đó, tỷ lệ nợ phải thu khách hàng và số ngày công nợ bình quân đều giảm đáng kể trong 2 năm qua. Cụ thể, số ngày công nợ đã giảm từ hơn 85 ngày xuống còn xấp xỉ 60 ngày, còn tỷ lệ nợ phải thu khách hàng/doanh thu cũng giảm từ 24% còn khoảng 18%, tức là nếu HSG bán ra 100 đồng doanh thu thì chỉ cho khách hàng nợ 18 đồng.
- Ngoài hàng tồn kho và nợ phải thu khách hàng, HSG cũng tăng cường quản lý hiệu quả hơn các khoản tài sản ngắn hạn khác nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động.
- Kết quả của việc quản lý hàng tồn kho, công nợ và các loại tài sản ngắn hạn khác một cách hiệu quả hơn đã giúp HSG giảm mạnh các khoản nợ phải trả cũng như kéo giảm tỷ lệ đòn cân nợ trong cơ cấu nguồn vốn, yếu tố quyết định để giảm chi phí tài chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh
3. Quản lý hiệu quả các loại chi phí
- Như đã được nhắc đến ở trên, việc HSG tăng cường quản lý hiệu quả tất cả các loại tài sản: Hàng tồn kho, các khoản phải thu ngắn hạn và các tài sản ngắn hạn khác đã tạo điều kiện để giảm dư nợ vay ngân hàng, từ đó tiết giảm chi phí tài chinh, đặc biệt là chi phí lãi vay.
- Ngoài ra, HSG công bố đã vận hành thành công hệ thống ERP trong việc quản lý toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này dẫn đến chi phí quản lý doanh nghiệp đã giảm mạnh so với trước đây.
- Cuối cùng, ta thấy có sự tương đồng giữa diễn biến của chi phí bán hàng và lợi nhuận gộp trong những quý gần đây. Từ đó, ta có thể suy đoán chính sách thu nhập dành cho đội ngũ kinh doanh của HSG sẽ gắn liền với lợi nhuận gộp của HSG, buộc đội ngũ bán hàng phải hoạt động hiệu quả hơn, mang lại lợi nhuận tốt hơn cho HSG.
4. Kết luận
Sau gần 2 năm tiến hành tái cấu trúc toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của HSG đã phục hồi mạnh mẽ. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ các yếu tố khách quan như đại dịch COVID-19 hay diễn biến giá HRC không thuận lợi, HSG vẫn có mức tăng trưởng ấn tượng về lợi nhuận gộp và và lợi nhuận sau thuế. Sự tăng trưởng này bắt nguồn từ chính những sự thay đổi bên trong của HSG, do đó, ta có thể tin tưởng vào kết quả kinh doanh tích cực của HSG trong khoảng thời gian còn lại của NĐTC này và trong tương lai. Hy vọng rằng những kết quả tích cực từ hoạt động kinh doanh sẽ hỗ trợ giá cổ phiếu HSG tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, mang lại lợi ích cho các cổ đông của HSG.
Đâu là các đích đến tiếp theo của giá cổ phiếu HSG?
Biểu đồ phân tích kỹ thuật theo tuần cho thấy chu kỳ tăng giá dài hạn của cổ phiếu HSG đã bắt đầu. Đầu tháng 5/2020, giá cổ phiếu HSG đã phá vỡ đường xu hướng giảm dài hạn với khối lượng giao dịch lớn. Hiện tại, giá cổ phiếu HSG đang được kỳ vọng sẽ vượt qua ngưỡng kháng cự gần nhất là mốc Fibonacci 38.2% dài hạn ở vùng giá 12,000 đồng/cp một cách dứt khoát vào tuần cuối cùng của tháng 6/2020.
Nếu vượt qua vùng giá 12,000 đồng/cp, dự báo giá sẽ nhanh chóng tiếp cận mốc Fibonacci 61.8% dài hạn ở vùng giá 17,000 đồng/cp, và sau đó sẽ là mốc Fibonacci 78.6% dài hạn ở vùng giá 20,000 đồng/cp.
Biểu đồ cổ phiếu HSG theo tuần đến 19/06/2020
Hy vọng giá cổ phiếu HSG sẽ sớm đạt được các mốc trên và hướng tới vùng giá 20,000 đồng/cp như Chủ tịch Lê Phước Vũ đã phát biểu trong ĐHĐCĐ thường niên ngày 13/01/2020: “Kế hoạch 400 tỷ đồng lợi nhuận là khiêm tốn, xem như chắc chắn đạt được. Cổ phiếu HSG cũng sẽ sớm trở lại vùng giá 20,000 đồng, thậm chí lên 30,000 đồng với điều kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump không có thêm 'ý tưởng' áp thuế nào khác”.
FILI
|