Thứ Hai, 08/06/2020 10:24

EVFTA: Cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam bước vào thị trường rộng lớn

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thị phần xuất khẩu của Việt Nam sang EU mới chỉ chiếm 2%, đứng thứ 7 trong các đối tác xuất khẩu sang EU, điều đó cho thấy dư địa còn rất lớn.

* Quốc hội chính thức tán thành thông qua Hiệp định EVFTA, EVIPA

* Những cam kết về xóa bỏ thuế nhập khẩu của EU trong Hiệp định EVFTA

EVFTA mở ra nhiều cơ hội hợp tác trao đổi kinh thế thương mại giữa Việt Nam và EU. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (gọi tắt là EVFTA) đã chính thức được biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14 vào sáng ngày 8/6/2020, đánh dầu một bước ngoặt mới trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai đối tác.

Ngay sau khi được thông qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (đơn vị được Chính phủ giao trực tiếp tham gia đàm phán, ký kết hiệp định và là đầu mối xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ về việc thực thi hiệp định) đã có một số trao đổi với phóng viên về các công việc phải làm cũng như nhiệm vụ đặt ra nhằm khai thác tối đa lợi ích mà hiệp định mang lại.

- Xin chào Bộ trưởng, hiện Nghị quyết phê chuẩn EVFTA đã được các đại biểu bấm nút thông qua, vậy xin Bộ trưởng cho biết công việc tiếp theo ngay sau đây là gì?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Chúng ta còn một số nhiệm vụ rất cấp bách và rất cần thiết.

Theo đó, Việt Nam phải phối hợp cùng với Liên minh châu Âu để các cơ quan chức năng của phía Chính phủ Việt Nam sẽ hoàn tất các quy trình pháp lý để đảm bảo cho việc hiệp định được đi vào cuộc sống và có hiệu lực theo đúng thời điểm mà hai bên đã thống nhất, đó là ngày đầu tiên của tháng thứ 2 sau khi Hiệp định được phê chuẩn, có nghĩa là từ ngày 1/8/2020.

Vì vậy việc tiến hành trao đổi công hàm của hai phía đấy là công việc phải làm tiếp.

- Là đơn vị đầu mối xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ về việc thực thi Hiệp định, xin được hỏi Bộ trưởng về công việc này cũng như công tác chuẩn bị của Chính phủ và các bộ ngành cụ thể cho đến thời điểm này ra sao?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Có thể nói Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, các tổ chức trong hệ thống chính trị của cả nước vào cuộc từ rất sớm.

Ngay từ trong quá trình chúng ta triển khai các hoạt động đàm phán rồi sau đó là ký kết và bây giờ là phê chuẩn Hiệp định. Đặc biệt, công việc này thể hiện rất rõ quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng trong Chương trình tổng thể-Chương trình hành động của Chính phủ Việt Nam để thực thi hiệp định.

Đây cũng là một nội dung rất quan trọng đối với phía bạn-Liên minh châu Âu, vì điều này chứng minh một quan điểm tích cực và trách nhiệm ở mức cao nhất của Chính phủ Việt Nam, của Việt Nam nói chung là đối tác tin cậy và bình đẳng của EU.

Tôi cũng muốn nhắc lại là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới kiểu này thì Việt Nam là nước đầu tiên được EU lựa chọn và để tổ chức xây dựng và thực thi.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trao đổi với báo chí. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong chương trình hành động của Chính phủ mà Bộ Công Thương là đơn vị đầu mối chủ trì để tổ chức xây dựng và báo cáo Thủ tướng để phê duyệt và chúng ta sẽ rất sớm được chứng kiến việc phê duyệt của Thủ tướng để ban hành, thực tế đã có rất đầy đủ những nội dung, nhiệm vụ, biện pháp và giải pháp.

Tuy nhiên, để thực thi hiệp định này có hiệu quả, Bộ Công Thương đã chủ động báo cáo với Chính phủ phương án trình Quốc hội để bằng việc thông qua Nghị quyết của Quốc hội cho phép thực thi ngay một số điều khoản quan trọng trong các nội luật mà đang còn có sự khác biệt.

Ví dụ như Luật Sở hữu trí tuệ, hay Luật bảo hiểm để chúng ta có thể triển khai được ngay hiệp định để đảm bảo phục vụ cho doanh nghiệp của cả hai bên.

Tiếp đến là một số quy phạm pháp luật và những văn bản hướng dẫn mà trong thẩm quyền trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong đó có Bộ Công Thương thì có kế hoạch xây dựng và ban hành ngay.

Cụ thể như Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp để hướng dẫn xây dựng cấp chứng nhận xuất xứ mặt hàng gạo, để các mặt hàng gạo của chúng ta có điều kiện tiếp cận với thị trường châu Âu ngay sau khi có hiệp định có hiệu lực, bởi vì gạo là mặt hàng chúng ta có ưu thế và lợi thế rất lớn khi cắt giảm thuế quan từ 42% xuống còn 0%. Đây là những công việc rất cụ thể để cho doanh nghiệp và các ngành hàng của chúng ta có thể khai thác được ngay.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã tổ chức ngay các chương trình tập huấn và hướng dẫn cho các cơ quan quản lý, nhất là các cấp địa phương để có thể triển khai hiệp định này theo tinh thần của các cam kết trong hiệp định và của những nội dung, nhiệm vụ đã quy định trong Chương trình hành động của Chính phủ, kể cả trong những yêu cầu cụ thể mà Bộ Công Thương nêu ra cho các địa phương trong việc tổ chức thực thi.

Xin nhấn mạnh thêm là ở đây không giới hạn trong những vấn đề liên quan đến thương mại và đi thâm nhập các thị trường này mà Bộ Công Thương còn lồng ghép và tổ chức thực hiện thông qua các chương trình về phát triển công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ xúc tiến thương mại quốc gia, xây dựng thương hiệu, về triển khai kiểm dịch động thực vật để mở cửa thị trường cũng nhu các vấn đề liên quan đến hỗ trợ cho doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các điều kiện về nhân lực, về tín dụng… để doanh nghiệp khai thác được hiệp định này một cách kịp thời nhất và nhanh nhất.

Từ diễn biến dịch COVID-19 đã cho thấy những thiệt hại và tác động rất sâu, rất rộng đến kinh tế Việt Nam, đến các hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam, nhất là xuất khẩu. Chính vì vây chúng ta cần phải tranh thủ thời gian và tranh thủ các cơ hội từ hiệp định này để có thể bù đắp lại cho các mục tiêu trong phát triển kinh tế, cho đời sống người dân cũng như sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

- Cán cân thương mại Việt Nam-EU trong 5 tháng, giai đoạn 2019-2020:

- Vậy Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về khả năng khai thác thị trường EU của doanh nghiệp Việt Nam từ hiệp định này?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Tôi phải nhắc lại, thị trưởng EU là một thị trường vô cùng quan trọng đối với chúng ta. Đây là một khu vực kinh tế với GDP lên tới 18.000 tỷ USD, đó là một thị trường rất mạnh, đứng thứ 2 của thế giới với nhu cầu nhập khẩu mỗi năm khoảng 2.400 tỷ USD.

Còn với xuất khẩu của Việt Nam sang EU mặc dù đã tăng rất nhanh trong thời gian qua (tính trong vòng 15 năm trở lại đây xuất khẩu tăng hơn 15 lần) đạt giá trị xuất khẩu lên tới hơn 41 tỷ USD, thế nhưng thị phần xuất khẩu của Việt Nam sang EU mới chỉ có 2%, đứng thứ 7 trong các đối tác xuất khẩu sang EU. Điều đó cho thấy dư địa còn rất lớn.

Nếu nhìn vào cơ cấu thương mại sẽ có rất nhiều ngành hàng chúng ta có năng lực cạnh tranh, có năng lực sản xuất và xuất khẩu, từ dệt may, điện tử, da giày, đồ gỗ, nông thủy sản... chính vì vậy đây là một cơ hội rất lớn để doanh nghiệp nâng được năng lực cạnh tranh thông qua cắt giảm thuế quan và đơn giản hóa các thủ tục xuất khẩu sang thị trường này.

Tôi tin rằng với mức cắt giảm thuế quan như hiện nay và rất cao dành cho Việt Nam thì doanh nghiệp có những lợi thế và điều kiện rất thuận lợi để có thể cạnh tranh có hiệu quả hơn, để hướng tới thị phần lớn hơn nữa và đặc biệt là giá trị gia tăng cao hơn cho xuất khẩu sang thị trường này.

Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có ngay mọi thứ. EU là một thị trường có những yêu cầu rất khắt khe và đòi hỏi rất cao về mặt chất lượng kỹ thuật, đặc biệt thông qua các hàng rào kỹ thuật liên quan đến từ việc kiểm dịch động vật,thực vật cho đến vệ sinh an toàn thực phẩm và các tiêu chí khác…

- Theo Bộ trưởng thì thách thức lớn nhất với doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam khi tham gia hiệp định này là gì và đâu là nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ cần triển khai trong thời gian sớm để doanh nghiệp và nền kinh tế có thể tận dụng ngay được các lợi thế mà hiệp định EVFTA mang lại, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Do hạn chế về quy mô nên doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng gặp nhiều khó khăn về điều kiện tiếp cận với tín dụng, trình độ quản trị doanh nghiệp, trình độ nguồn nhân lực, nhất là những cơ hội của tiếp cận thị trường…

Vì vậy tôi cho rằng việc thực thi nghiêm túc, đầy đủ các yêu cầu mà Chính phủ đã chỉ đạo căn cứ trên các nền tảng pháp lý quan trọng như Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ là vô cùng cần thiết, song cũng cần phải tính đến các yếu tố đó là phải có sự chủ động tương tác từ hai phía. Có nghĩa là bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động, tích cực hơn nữa trong cuộc chơi chung này.

Hơn nữa, các doanh nghiệp cần phải nhanh chóng tiếp cận với những chương trình từ phổ biến kiến thức pháp luật, về các hiệp định và các khung khổ hội nhập như thế này, cho đến những nghiên cứu sâu hơn trong chiến lược phát triển và thâm nhập thị trường, tổ chức lại các hoạt dộng sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc... cũng như nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp và nhất là nâng cao trình độ nguồn nhân lực.

Tôi cho rằng sắp tới đây còn một nhiệm vụ quan trọng khác nữa mà các bộ, ngành cần phải tập trung, đó là việc tổ chức tập huấn và đào tạo cho nguồn nhân lực của khu vực doanh nghiệp và nhỏ thêm các kiến thức về thương mại quốc tế và hội nhập.

Đây là một nhiệm vụ mà Bộ Công Thương cũng đã nêu trong Chương trình hành động và bộ sẽ tổ chức triển khai một cách đầy đủ và kịp thời nhất.

Dù vậy, khi ra một sân chơi lớn với luật chơi chung như thế này thì doanh nghiệp không thể trông chờ vào ai cả ngoại trừ bằng chính hiểu biết, bằng kiến thức và năng lực của mình. Do đó, những điều kiện cần Chính phủ sẽ lo và sẽ chuẩn bị, nhưng những điều kiện đủ đấy chính là bản thân khu vực doanh nghiệp chúng ta phải tính.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Đức Duy

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Đường sắt Việt Nam nhiều sai phạm, chậm xử lý kỷ luật (08/06/2020)

>   Vang xa, vươn xa, Việt Nam (08/06/2020)

>   Mất oan tiền tỷ cho 'cò' để xuất khẩu khẩu trang (08/06/2020)

>   Mitsubishi xem xét xây nhà máy sản xuất ôtô ở Bình Định (07/06/2020)

>   5 tháng giảm thu 19.000 tỉ đồng, hải quan nói khó ‘hoàn thành chỉ tiêu’ (07/06/2020)

>   Thêm 30 triệu chiếc khẩu trang y tế xuất đi Bắc Mỹ (07/06/2020)

>   Xuất khẩu cua ghẹ sang Trung Quốc tăng đột biến bất chấp đại dịch Covid-19 (06/06/2020)

>   Để tránh bị thâu tóm 'thù địch', phải hoàn thiện khung pháp lý (06/06/2020)

>   Doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng EVFTA cách nào? (06/06/2020)

>   Lời giải duy nhất cho giao thông TP.HCM là metro! (06/06/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật