Thứ Năm, 18/06/2020 09:00

Động lực nào đằng sau đà tăng 200% trong hơn 2 tháng của cổ phiếu DBC?

CTCP Dabaco Việt Nam (Dabaco, HOSE: DBC) là một trong những cái tên đáng chú ý thời gian gần đây khi cổ phiếu DBC trải qua những phiên tăng giá chóng mặt với khối lượng đột biến hàng triệu đơn vị. Vậy điều gì đang biến DBC trở thành một ngôi sao sáng nhất trên thị trường hiện nay?

Cổ phiếu tăng gần 200% chỉ trong 50 phiên giao dịch

Cổ phiếu DBC đang tạo nên một thành tích vô tiền khoáng hậu trong lịch sử kể từ khi đặt chân lên sàn khi mà giá đã tăng gần 200% chỉ vỏn vẹn sau 50 phiên giao dịch, từ mức 16,000 đồng/cp (chốt phiên 31/03) lên 47,850 đồng/cp (chốt phiên 11/06).

Đặc biệt trong 2 tháng trở lại đây, khối lượng giao dịch tại DBC ghi nhận tăng đột biến với nhiều loạt phiên giao dịch hàng triệu đơn vị, cá biệt lên tới hơn 7 triệu đơn vị (phiên 20/04). Điều này gây bất ngờ khi nhìn lại thanh khoản tại DBC trong năm 2019 khá khiêm tốn, chỉ ở mức 76,000 đơn vị/phiên; trong quý đầu năm nay, phiên thanh khoản nhất cũng chỉ chứng kiến khối lượng nhỉnh hơn 1.3 triệu đơn vị (02/01/2020).

Cần nói thêm, giá cổ phiếu khởi đầu cơn “sóng thần” tăng giá là vào ngày 24/03 (đóng cửa phiên tại mức thấp nhất trong vòng gần 6 năm) khi mà HĐQT DBC đã thông qua phương án mua lại 5 triệu cp làm cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thấy động thái chính thức nào về việc DBC sẽ thực hiện mua ngoài Nghị quyết mà HĐQT đã thông qua.

Cổ phiếu DBC tăng mạnh với khối lượng lớn thời gian gần đây
Nguồn: https://ptkt.vietstock.vn/

Điều gì khiến cổ phiếu DBC tăng mạnh như vậy, phải chăng nhà đầu tư trên thị trường lạc quan vào điều gì khác?

Tăng trưởng lợi nhuận quý 1 ngoài mong đợi

Trong vòng 4 năm trở lại đây, kết quả kinh doanh của Dabaco không ổn định, lên xuống khá thất thường. Nhưng xét trong 2 quý gần nhất, Dabaco cho thấy một bộ mặt hoàn toàn khác, có lẽ vượt mọi mong đợi giới đầu tư.

Kết thúc quý đầu tiên năm 2020, Dabaco ghi nhận doanh thu đạt gần 2,387 tỷ đồng, tăng 41% so cùng kỳ. Công ty lãi ròng gần 349 tỷ đồng, gấp hơn 17 lần con số tại quý 1/2019. Biên lãi gộp quý 1/2020 ghi nhận tới 26%, cao hơn cả tại quý 4/2019 trước đó (23.5%) và gần gấp đôi tỷ trọng quý 1/2019 (13.5%).

Như vậy chỉ sau quý 1, Dabaco đã thực hiện xong 19% kế hoạch về doanh thu và tới 76% kế hoạch về lợi nhuận cả năm 2020.

Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/2020 của DBC. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2020 của DBC

Cần nói thêm, con số lãi ròng quý 1 mà Dabaco đạt được là cao nhất trong lịch sử và cao hơn kết quả lãi ròng của cả năm 2019. Theo DBC, việc đã đưa hoạt động các dự án như Nhà máy chế biến trứng ăn liền DeVi, Khu chăn nuôi gà giống, Nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Bình Phước và Nhà máy dầu thực vật Dabaco có đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh quý 1/2020.

Thực tế, kết quả khả quan của Dabaco dường như bắt đầu từ quý 4/2019. Lúc bấy giờ, dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam đã có bước chuyển biến rõ rệt. Dịch bệnh đã được kiểm soát tốt và người chăn nuôi dần quay lại khôi phục đàn gia súc, gia cầm.

Trong khi đó, đàn lợn của Trung Quốc đã phải tiêu hủy hơn 20%, trực tiếp dẫn đến cơn sốt giá thịt lợn như chúng ta đã chứng kiến những ngày giáp Tết Nguyên Đán . Các doanh nghiệp Trung Quốc lúc này sẵn sàng bỏ ra mức giá cao hơn phía Việt Nam để nhập khẩu các sản phẩm như thịt lợn. Nhớ rằng, họ thường gom mua với số lượng rất lớn.

Điều này tác động lớn lên tình hình kinh doanh của Dabaco, biên lãi gộp cải thiện từ 17.3% (quý 4/2018) lên mức 23.5% (quý 4/2019).

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, lợi nhuận hoạt động kinh doanh của DBC không thật sự ổn định, mà ngược lại thường “nhảy nhót” khá nhiều dựa vào tình hình thực tế. Điều này cũng đặt ra nghi ngại rằng liệu khi dịch bệnh kết thúc và nhu cầu người dân trở lại bình thường, giá lợn giảm thì tính hiệu quả kinh doanh của Dabaco sẽ như thế nào?

Cần chú ý đến rủi ro về cân đối tài chính

Ngoài rủi ro về giá lợn sẽ giảm trở lại trong thời gian tới cùng việc tốc độ tăng đàn chậm hơn so dự kiến, Dabaco còn đối mặt với một số rủi ro về tài chính, trong đó câu chuyện nợ vay cũng rất cần chú ý.

Cụ thể, khoản vay và nợ thuê tài chính Công ty thường duy trì ở mức 4,500 tỷ đồng. Tại cuối quý 1/2020, khoản vay nợ này chiếm tới hơn 47% tổng tài sản của DBC (hơn 9,900 tỷ đồng). Trong khi đó, vốn chủ sở hữu vẫn ghi nhận chưa tới 3,400 tỷ đồng.

Tình hình vay và nợ thuê tài chính của DBC. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Đáng chú ý nữa trong 3 năm trở lại đây, giá trị hàng tồn kho thường chiếm hơn 70% tỷ trọng tài sản ngắn hạn của Dabaco. Theo BCTC hợp nhất năm 2019 (đã kiểm toán), khoản chi phí SXKD cuối kỳ thể hiện hơn 2,100 tỷ đồng, chiếm khoảng 2/3 giá trị hàng tồn kho. Khoản mục này bao gồm chi phí SXKD dở dang hoạt động kinh doanh bất động sản (hơn 518 tỷ đồng) và chi phí SXKD dở dang hoạt động chăn nuôi, hoạt động khác (gần 1,584 tỷ đồng).

Ngược lại, tiền và các khoản tương đương tiền chỉ chiếm tỷ trọng dưới 4% trên tài sản ngắn hạn, duy trì từ năm 2017 đến quý 1/2020.

Rủi ro về thiếu tiền mặt trong ngắn hạn

Theo Công ty Chứng khoán BSC (BSI), DBC sẽ có kết quả kinh doanh tốt trong giai đoạn nửa đầu năm 2020, nhưng khó duy trì được ở mức cao trong những tháng còn lại, do nguồn cung thịt lợn sẽ tăng lên nhờ việc tái đàn trong dân và nhu cầu tích trữ thực phẩm thiết yếu giảm bớt. Sang năm 2021, BSC dự báo giá thịt lợn có thể giảm về ngưỡng 50,000 đồng, qua đó làm giảm biên lãi gộp của DBC.

Về tài chính, BSC đưa cảnh báo về rủi ro thiếu hụt tiền mặt trong ngắn hạn của DBC trong 2020 khi nhận thấy số ngày hàng tồn kho đang tăng mạnh lên 181 ngày, khiến cho vòng quay tiền mặt của doanh nghiệp tăng lên 153 ngày trong quý 1/2020.

Cổ đông lớn chốt lời khi giá cổ phiếu tăng nóng

Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS) cũng cho rằng kết quả kinh doanh tăng trưởng đột biến của DBC không mang tính lâu dài bền vững mà chỉ được xem như lợi thế nhất thời trong ngắn hạn. Nhiều doanh nghiệp lớn như Hòa Phát (HPG) hay Hùng Vương (HVG) và Thadi… cũng đã tham gia đầu tư nuôi lợn, điều này khiến nguồn cung sớm muộn sẽ hồi phục, tất nhiên kéo theo giá thành hạ trở lại.

Giá cổ phiếu DBC tăng trưởng nóng, hoàn toàn vượt trội so với thị trường chung. SBS lưu ý rằng nhiều tổ chức, cổ đông lớn như Chứng khoán SSI (SSI), các quỹ thuộc Vinacapital,… đã tranh thủ bán ra hàng triệu cổ phiếu để chốt lời và giảm tỷ trọng.

Duy Na

FILI

Các tin tức khác

>   YSVN: Quyết định của UBCKNN về việc sửa đổi Quyết định thành lập chi nhánh Chợ Lớn (17/06/2020)

>   PSI: Thông báo ký hợp đồng với đơn vị kiểm toán BCTC năm 2020 (17/06/2020)

>   CCR: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 (17/06/2020)

>   FRM: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt (17/06/2020)

>   VAF: Thông báo về ngày đăng ký cuối cùng tạm ứng cổ tức năm 2019 lần 1 bằng tiền (17/06/2020)

>   SJF: Biên bản họp và Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 (17/06/2020)

>   RDP: Quyết định của HĐQT về việc hoạt động trở lại chi nhánh tại Nghệ An (17/06/2020)

>   PXT: Thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần 11 (17/06/2020)

>   BRC: Quyết định của HĐQT về việc lựa chọn đơn vị kiểm toán BCTC năm 2020 (17/06/2020)

>   BTR: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 (17/06/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật