Doanh nghiệp sắp phá sản mới được hỗ trợ?
Quy định doanh nghiệp không có doanh thu mới tiếp cận được gói hỗ trợ người lao động, điều này chẳng khác nào doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản mới được hỗ trợ.
* Chưa doanh nghiệp nào vay được gói 16.000 tỉ đồng lãi suất 0%
Cần sớm sửa đổi quy định để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động tiếp cận nguồn vốn. Ảnh: Ngọc Thắng
|
Người lao động khó được hỗ trợ
Bà Thanh Thảo, kế toán Công ty M.T (hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo) cho biết trong tháng 4, công ty cho toàn bộ nhân viên nghỉ để phòng chống dịch Covid-19 và không chi trả lương. Sau khi nghe thông tin nhà nước có gói hỗ trợ người lao động tạm ngừng việc sẽ được nhận 1,8 triệu đồng/người/tháng, công ty đã làm hồ sơ từ tháng 4 và mới đây nhận phản hồi từ UBND quận là không được, do bên cơ quan thuế thẩm định thông báo tài khoản công ty còn tiền. “Trong suốt tháng 4, công ty không hề có doanh thu hay xuất bất cứ hóa đơn nào. Thế nhưng một số khoản nợ trước đó của khách hàng thanh toán rơi vào tháng 4 nên chúng tôi bỗng dưng lại không đáp ứng được điều kiện để người lao động nhận được khoản hỗ trợ trên”, bà Thảo nói.
Tiêu chí DN không còn tiền mới hỗ trợ người lao động là điều kiện không hợp lý. Điều kiện này chẳng khác nào đề cập đến việc DN chết, phá sản đến nơi
rồi mới nhận được hỗ trợ
Ông Nguyễn Trí Hiếu, Giám đốc Trung tâm Vốn của Viện Khoa học quản trị DN vừa và nhỏ
|
Những trường hợp như Công ty M.T là rất nhiều bởi Nghị quyết 42 của Chính phủ quy định người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1.4.2020 và không quá 3 tháng. Thế nhưng Công ty M.T có nguồn tiền thanh toán từ đối tác nên đã không đáp ứng được điều kiện này.
Gói cho DN vay 16.000 tỉ đồng trả lương cho người lao động nghỉ việc với lãi suất 0% đến nay chưa giải ngân được đồng nào cũng vì lý do tương tự. Ông Phan Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, Tổng giám đốc VietThang Jeans, cho biết ngoài điều kiện về không có doanh thu, gói này còn đưa ra điều kiện “20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên”. “Không lẽ DN cho người lao động nghỉ việc mới có thể tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất 0%?”, ông Việt đặt câu hỏi và phân tích, để giữ chân người lao động trong mùa dịch Covid-19, các DN dệt may đã phải nghĩ ra nhiều cách để có thể duy trì hoạt động như chuyển sang sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ lao động hoặc cho người lao động nghỉ luân phiên thay vì cho họ nghỉ luôn... Nếu người lao động nghỉ 20% trở lên, thì không DN nào đáp ứng được. “Ngân hàng (NH) nên cho DN vay vốn lãi suất 0% trả lương để duy trì lực lượng lao động làm việc, vừa đảm bảo vấn đề an sinh xã hội”, ông Việt đề xuất.
Ngoài ra, quy định gói tín dụng cho vay trả lương cho người lao động đặt ra điều kiện DN đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả cho người lao động ngừng việc; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài tại thời điểm ngày 31.12.2019. Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, nhận xét: Các điều kiện và thủ tục vay gói 16.000 tỉ đồng khó đáp ứng nên DN thấy phiền hà trong làm thủ tục. Đặc biệt các DN nhỏ, siêu nhỏ có 5 - 10 lao động phải làm thủ tục vay vài tháng lương cho người lao động nên không mấy mặn mà. Chẳng hạn DN phải chứng minh không có doanh thu, khai thuế như thế nào, rồi chờ Sở LĐ-TB-XH xét... DN dù có kẹt nguồn tiền trả lương cho người lao động thì đi vay đâu đó cho xong, chứ chờ đến phá sản, không có tiền trong tài khoản thì còn hỗ trợ gì nữa.
Chưa giải ngân đồng nào
Sau hơn 1 tháng triển khai gói 16.000 tỉ đồng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NH Nhà nước, cho hay NH Chính sách xã hội vẫn chưa cho DN nào vay được gói này để trả lương cho người lao động bị ngừng việc do chưa đáp ứng được các điều kiện đưa ra. Để tháo gỡ khó khăn, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ LĐ-TB-XH phối hợp cùng NH Nhà nước điều chỉnh tiêu chí để DN tiếp cận được nguồn vốn này.
Có vay có trả nên trường hợp DN có nhu cầu vay trả lương cho người lao động, phía ngân hàng nên cho vay thay vì bắt DN phải chứng minh rất nhiều điều kiện, yêu cầu khó khăn. Như vậy gói tín dụng mới dễ triển khai được.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM
|
Ông Nguyễn Trí Hiếu, Giám đốc Trung tâm Vốn của Viện Khoa học quản trị DN vừa và nhỏ, cho rằng: “Tiêu chí DN không còn tiền mới hỗ trợ người lao động là điều kiện không hợp lý. Điều kiện này chẳng khác nào đề cập đến việc DN chết, phá sản đến nơi rồi mới nhận được hỗ trợ”. Theo ông Hiếu, việc tài khoản của DN còn tiền nhiều khi là vấn đề thanh khoản của họ, ít nhiều gì cũng phải có. Đưa ra tiêu chí như trên là không hợp lý trong khi các chương trình hỗ trợ hướng đến giúp người lao động khoản chi tiêu khi thất nghiệp và DN giữ chân người lao động vượt qua khó khăn. Nếu đưa quy định DN không có doanh thu đồng nghĩa khả năng phục hồi yếu thì việc vay vốn trả lương theo gói 16.000 tỉ đồng có nguy cơ mất luôn cả tiền vay.
Ở đây, các chính sách muốn hỗ trợ DN có khả năng phục hồi, do đó không nên đưa điều kiện không có doanh thu hay tiền trên tài khoản mới được hưởng chính sách hỗ trợ. Chính vì vậy theo ông Hiếu, cần bỏ ngay tiêu chí này cũng như điều kiện DN có nằm trong nhóm nợ xấu hay không. DN nợ xấu và hỗ trợ người lao động là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Thanh Xuân
Thanh niên
|