Bài cập nhật
ĐHĐCĐ Vinamilk: Lợi nhuận sau thuế 6 tháng ước tăng 3% so cùng kỳ
Đây là chia sẻ của Tổng Giám đốc Mai Kiều Liên tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSE: VNM) được tổ chức sáng ngày 26/06.
Kết thúc Đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua. Như vậy, bà Nguyễn Thị Thắm được bầu vào vị trí Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021.
Thảo luận:
Chiến lược tại Mộc Châu Milk như thế nào?
Bà Mai Kiều Liên: Công ty đã có kế hoạch mở rộng quy mô phát triển Mộc Châu. Chúng ta sẽ thấy sự đi lên của Mộc Châu Milk trong những tháng tới.
VNM chính thức sở hữu 75% vốn tại GTNFoods (HOSE: GTN), qua đó tham gia điều hành CTCP Sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk), đơn vị sở hữu hơn 2,000 con bò sữa tại trang trại và 23,000 con thông qua việc liên kết với 600 hộ dân cùng ba trung tâm giống bò sữa lớn. Theo ước tính, quy mô đàn bò Mộc Châu tăng trưởng trung bình 14% một năm và năng suất bình quân đạt 25 lít sữa/con/ngày.
Vì sao VNM nắm giữ thị phần trong nước cao (hơn 50%) như vậy? Công ty có dự kiến tiếp tục tăng thị phần hay không?
Bà Mai Kiều Liên: Tùy đặc thù của từng nước, có những thứ Việt Nam làm được mà nước khác không làm được và ngược lại. Trong 5 năm tới, Công ty vẫn đảm bảo tăng thị phần. Cụ thể tăng bao nhiêu thì do ĐHĐCĐ quyết định. Theo tôi, việc tiếp tục tăng thị phần là khả thi.
Tình hình thực hiện kế hoạch kinh doanh?
Bà Mai Kiều Liên: Doanh thu 6 tháng tăng khoảng 7%, lợi nhuận trước và sau thuế ước tính tăng 3% so cùng kỳ. Ảnh hưởng nhiều nhất của dịch Covid-19 diễn ra tại chương trình Sữa học đường.
Công ty vẫn đang đạt tiến độ thực hiện kế hoạch đề ra. Cuối năm các bạn sẽ thấy trang trại ở Quảng Ngãi (quy mô 4,000 con) rất đẹp.
Biên lợi nhuận năm 2020 liệu có cao hơn năm 2019?
Bà Mai Kiều Liên: Giá nguyên liệu năm 2020 cao hơn năm 2019, dù vậy biên lợi nhuận dự kiến cao hơn năm 2019 một chút.
Giá sữa của Việt Nam không hề cao, nếu có chỉ là ở mặt hàng sữa bột do giá nhập khẩu cao. Vấn đề ở VNM là giá, sản lượng, dịch vụ. VNM có sản lượng khổng lồ là điểm lợi thế, đồng thời giá và dịch vụ của VNM luôn ở mức cao. Điều này giúp cho VNM có được tỷ suất lợi nhuận cao, có thể nói là top cao nhất trên thế giới.
Giá cổ phiếu VNM tại sao giảm trong thời gian gần đây? Có cần thiết mở chuỗi "Hi-Café"?
Bà Mai Kiều Liên: Công ty vẫn hoạt động tốt, thậm chí đã chia cổ tức tới 74% lãi sau thuế trong năm 2019. Còn chuyện giá cổ phiếu thì tôi cũng không biết được, nhưng mà để ý thì tôi thấy khi chỉ số Dow Jones tăng thì chứng khoán Việt Nam cũng tăng và ngược lại.
Cà phê kết hợp với sữa sẽ ra một mặt hàng nước giải khát. Chúng tôi có hơn 3,000 cửa hàng Giấc mơ sữa Việt, mọi người có thể ra đó để uống thử. Cà phê mà kết hợp với sữa đặc Ngôi sao Phương Nam thì không có gì tuyệt vời bằng.
Tình hình xuất khẩu sữa như thế nào?
Bà Mai Kiều Liên: Công ty vẫn định hướng giữ vững thị phần trong nước rồi mới đến đẩy mạnh xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu tăng trưởng 8% trong quý 1 và ước tính 6 tháng đầu năm thì tăng trưởng khoảng 13%.
Năm 2019, tổng số nước xuất khẩu là 53 quốc gia. Các thị trường xuất khẩu vẫn duy trì được thị phần và tăng trưởng mạnh (như Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc,…). Đối thủ ngành sữa trên thế giới cũng như tại Việt Nam rất nhiều, mục tiêu của VNM là giữ vững thị trường nội địa rồi mới tiến tới xuất khẩu.
Khi nào thì giá mua sữa của VNM sẽ bằng với giá sữa quốc tế? (Hiện giá của VNM cao hơn 30%)
Bà Mai Kiều Liên: Vấn đề nằm ở nguồn sữa từ các hộ nông dân. Ở nhiều nơi trên thế giới thì số lượng bò sữa có bị giới hạn, trong khi ở Việt Nam thì người nông dân có thể nâng đàn lên tới 200 con. Giá sữa từ các nông trường của VNM không hề cao, nhưng nguồn từ các hộ nông dân thì chưa có chuyển biến lớn.
Công ty có các chính sách đối với các hộ nông dân, như hỗ trợ về nguồn thức ăn hay các biện pháp khác. Nếu hiệu quả thì giá sữa có thể giảm xuống một phần. Chỉ khi nào đàn bò từ hộ nông dân giảm xuống (tầm dưới 100 con) thì giá sữa của VNM mới có thể ngang mức với giá sữa quốc tế.
Nguyên nhân chính nào khiến các sản phẩm sữa nhập khẩu từ nước ngoài lại cao hơn so với của VNM?
Bà Mai Kiều Liên: Chi phí nhân công ở nước ngoài cao hơn ở Việt Nam, họ còn chịu thêm nhiều khoản chi phí khác cũng như thời gian đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó là vấn đề về thương hiệu. Tất nhiên Công ty nhìn nhận có nguy cơ từ các nguồn sữa ngoại, vẫn luôn là như vậy. Nhưng VNM vẫn luôn có biện pháp đối ứng, dứt khoát không để mất và tiếp tục tăng thị phần. Đó là điều Công ty đã làm trong hàng chục năm nay.
Công ty có kế hoạch tăng giá sữa trong năm 2020?
Bà Mai Kiều Liên: Năm nay chưa có kế hoạch tăng giá bán. Công ty không hề thích tăng giá do ảnh hưởng tới người tiêu dùng, qua đó cũng làm giảm sản lượng tiêu thụ. Chỉ khi nào giá nguyên liệu tăng thì buộc lòng Công ty phải tăng giá, đó là nguyên tắc thị trường.
Tình hình mua cổ phiếu quỹ của VNM?
Bà Mai Kiều Liên: Mua hay không mua đều phải tính đến hiệu quả. Giá cổ phiếu VNM hiện đã tăng khá nhiều so lúc giảm mạnh trong những tháng trước. Do đó, Công ty phải cân nhắc kỹ hơn đối với quyết định mua cổ phiếu quỹ.
Sản phẩm sữa organic đóng góp bao nhiêu vào doanh thu trong nước?
Bà Mai Kiều Liên: Đây là mặt hàng mới và cũng là xu hướng của thế giới hiện nay, khi sức khỏe được chú trọng nhiều hơn. Lượng tiếp nhận sản phẩm này cũng khá tốt.
Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 của VNM diễn ra sáng ngày 26/06
|
Mục tiêu lãi sau thuế 10,690 tỷ đồng cho năm 2020
Cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với 59,600 tỷ đồng doanh thu và 10,690 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng trưởng 5.7% và 1% so với thực hiện năm 2019.
Có thể thấy chỉ tiêu doanh thu kể trên thấp hơn 3.9% so với con số mà VNM đề ra tại báo cáo thường niên 2019 (62,000 tỷ đồng).
Kế hoạch kinh doanh năm 2020 của VNM
Nguồn: Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 của VNM
|
Đại hội cũng thông qua phương án chia cổ tức bằng tiền của năm 2020 tối thiểu là 50% lãi sau thuế. VNM dự kiến thanh toán tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2020 với tỷ lệ 20% mệnh giá (vào ngày 15/10/2020) và tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2020 với tỷ lệ 10% mệnh giá (vào ngày 26/02/2021). Phần cổ tức còn lại của năm 2020 sẽ do ĐHĐCĐ thường niên 2021 quyết định.
Tổng mức cổ tức bằng tiền của năm 2019 được là 45% mệnh giá; tỷ lệ chia cổ tức phần còn lại (đợt 3) của năm 2019 là 15% mệnh giá, thanh toán vào ngày 15/07/2020. Công ty đã trả tạm ứng cổ tức đợt 1 và 2 của năm 2019 với tổng tỷ lệ 30% mệnh giá.
Như vậy tổng cổ tức của năm 2019 là 7,836 tỷ đồng, tương đương 74% lãi sau thuế.
Phát hành cổ phiếu với tỷ lệ 5:1
VNM dự kiến phát hành và niêm yết cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu (phát hành cổ phiếu thưởng).
Chi tiết hơn, tỷ lệ phát hành là 5:1, nghĩa là mỗi cổ đông sở hữu 5 cổ phiếu tại ngày đăng ký cuối cùng để phát hành sẽ nhận được 1 cổ phiếu phát hành thêm; số lượng cổ phiếu phát hành thêm phụ thuộc vào số lượng cổ phiếu đang lưu hành tại ngày đăng ký cuối cùng theo danh sách của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam - Chi nhánh TPHCM, tối đa không quá 348.3 triệu cp.
Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền là 30/09/2020. Nguồn vốn thực hiện lấy từ lợi nhuận chưa phân phối.
Bổ sung nhiều ngành nghề kinh doanh, mở chuỗi cửa hàng thương hiệu “Hi-Café”
Các ngành nghề được đề xuất đăng ký mới gồm: Sản xuất đường, dịch vụ phục vụ ăn uống, nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động, bán lẻ theo yêu cầu đặt hàng qua bưu điện hoặc internet, bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống, bán buôn kim loại và quặng kim loại.
Ban lãnh đạo cho biết đề xuất đăng ký mới ngành sản xuất đường là do VNM có kế hoạch phát triển các sản phẩm đường thương mại có chức năng chuyên biệt (như đường dành cho người bệnh tiểu đường, người theo chế độ ăn kiêng,...
Đặc biệt, Công ty còn triển khai dự án mở hệ thống/chuỗi cửa hàng bán cà phê, đồ uống và một số thức ăn kèm theo với thương hiệu “Hi-Café”; trong năm 2019, VNM đã mở 1 cửa hàng tại Trụ sở chính của Công ty. Trong năm 2020 và các năm kế tiếp dự kiến sẽ mở rộng chuỗi cửa hàng này tại nhiều địa điểm khác nhau và trực tiếp triển khai vận hành hoạt động kinh doanh.
Xuân Nghĩa
FILI
|