ĐHĐCĐ SRF: ‘Khó hoàn thành kế hoạch 2020’
“Trên cơ sở thu hồi được hết công nợ và kinh tế Việt Nam hồi phục nhanh trong quý 3 và quý 4/2020, Công ty mới đạt được kế hoạch đề ra. Nếu không, chúng tôi khó đạt được kế hoạch vào cuối năm, mặc dù mục tiêu đặt ra chỉ bằng 60-70% năm 2019”.
ĐHĐCĐ thường niên 2020 của SRF sáng ngày 19/06/2020
|
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thanh Hường - Tổng Giám đốc CTCP Kỹ nghệ Lạnh (HOSE: SRF) - về kế hoạch kinh doanh 2020 của Công ty tại ĐHĐCĐ thường niên sáng ngày 19/06/2020.
ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh hợp nhất năm 2020 với doanh số ký hợp đồng và doanh thu thực hiện lần lượt dự kiến đạt 2,000 tỷ đồng và 1,500 tỷ đồng.
Mục tiêu lợi nhuận trước thuế và sau thuế dự kiến lần lượt đạt 60 tỷ đồng và 50 tỷ đồng, giảm 26% và 31% so với thực hiện năm 2019.
So với kế hoạch kinh doanh 2020 được SRF đặt ra khi chưa tính đến tác động của dịch Covid-19, SRF đã điều chỉnh giảm 20% chỉ tiêu doanh số ký hợp đồng, 25% chỉ tiêu doanh số thực hiện, 40% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế và 42% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.
Nói về tình hình thực hiện kế hoạch 2020, ông Lê Tấn Phước – Chủ tịch HĐQT SRF cho biết: “Sau khi điều chỉnh giảm kế hoạch, chỉ sau 1, 2 tháng, chúng tôi đã thấy con số này vẫn là thách thức bởi vì với kế hoạch doanh số ký hợp đồng là 2,000 tỷ đồng thì hiện nay, chúng tôi chỉ ký được chưa đến 15%, khoảng 300 tỷ đồng. Thực chất, chúng tôi không rớt công trình nào cả, không phải chúng tôi đấu thầu không trúng thầu mà do không có công trình nào để đấu thầu. Rất nhiều công trình chủ đầu tư mời thầu nhưng sau đó phải hoãn lại. Nếu bây giờ chúng tôi có thi công thì chủ đầu tư cũng không có tiền trả. Do đó, nhiệm vụ HĐQT giao cho Ban điều hành những con số này thật sự thách thức và phải nói rằng, chúng tôi chỉ có thể đạt được điều này với điều kiện tình hình không tiếp tục xấu đi trong quý 3 và quý 4/2020, và cũng phải giả định rằng nền kinh tế Việt Nam và thế giới phục hồi nhanh sau cơn dịch này”.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hường: “Doanh thu M&E chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu của Công ty. Nếu vẫn duy trì cơ cấu doanh thu này khi dịch Covid-19 bùng phát, Công ty sẽ gặp nhiều khó khăn và rủi ro. Vì vậy, HĐQT và Ban điều hành định hướng sang năm 2020, Công ty sẽ giảm tỷ lệ dịch vụ M&E và gia tăng hoạt động sản xuất để vừa có lợi nhuận vừa bảo toàn được vốn.
Riêng kế hoạch 2020, trên cơ sở thu hồi được hết công nợ và kinh tế Việt Nam hồi phục nhanh trong quý 3 và quý 4/2020 thì tương lai Công ty mới đạt được con số này. Nếu không, chúng tôi khó đạt được con số này vào cuối năm, mặc dù mục tiêu đề ra chỉ bằng 70% và 60% của cùng kỳ năm trước”.
Bà Hường cũng cho biết thêm trong quý 1, Công ty đã thực hiện xấp xỉ khoảng 10% kế hoạch năm và dự kiến kết quả quý 2 không tốt.
Với kế hoạch lợi nhuận trên, cổ đông đã thông qua mức cổ tức 10%/mệnh giá mà HĐQT SRF đề nghị, thấp hơn mức cổ tức 15%/mệnh giá của năm 2019.
SRF cũng dự kiến trích 7% lợi nhuận sau thuế công ty mẹ (3.37 tỷ đồng) cho quỹ khen thưởng cán bộ công nhân viên và 3% lợi nhuận sau thuế công ty mẹ (1.45 tỷ đồng) cho quỹ khen thưởng HĐQT và Ban điều hành.
Trong trường hợp không hoàn thành hoặc vượt kế hoạch, HĐQT sẽ xin ý kiến ĐHĐCĐ thường niên 2021 để điều chỉnh lại các tỷ lệ này.
Dự kiến từ năm 2020-2025, SRF sẽ phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu cho đối tác chiến lược nhằm tăng vốn điều lệ phục vụ nhu cầu đầu tư nâng cao tỷ trọng sản xuất và hoàn thiện chuỗi cung ứng.
Năm 2019, SRF có doanh thu hợp nhất 1,706 tỷ đồng, giảm 2% so với năm 2018. Lợi nhuận trước thuế gần 82 tỷ đồng, giảm 16% so năm trước, chủ yếu do doanh thu thuần giảm, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 28% và doanh thu tài chính giảm 61%.
Ái Minh
FILI
|