BÀI CẬP NHẬT
ĐHĐCĐ OCB: Lợi nhuận 6 tháng ước đạt 1,870 tỷ đồng
Sáng ngày 30/06/2020, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OTC: OCB) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020. Theo đó, cổ đông OCB đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020, tăng vốn điều lệ, niêm yết trên sàn HOSE và thành lập Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản.
Đồng thời, ĐHĐCĐ đã bầu bổ sung 5 thành viên bao gồm ông Ito Takeshi – Giám đốc điều hành Ngân hàng Aozora và ông Yoshizawa Toshiki – Đồng tổng quản lý Ngân hàng Aozora, bà Trịnh Mai Anh, ông Bùi Minh Đức và ông Phạm Trí Nguyễn giữ thành viên HĐQT OCB. Trong đó, ông Phạm Trí Nguyễn và ông Bùi Minh Đức giữ chức thành viên HĐQT độc lập.
Việc thôi nhiệm của hai thành viên HĐQT Phan Vũ Tuấn và Lê Quang Nghĩa cũng được cổ đông thông qua.
Thảo luận:
Thế mạnh của Aozora Bank, lợi ích đem lại khi hợp tác?
Qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, Aozora là ngân hàng tốt tuy không phải là ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, có quy mô 50 tỷ USD. Aozora là ngân hàng hiệu quả nhất Nhật Bản, quan hệ quốc tế rộng, đủ điều kiện giúp OCB về các mặt.
Tương tự như OCB, tuy không phải tốt nhất nhưng tỷ suất lợi nhuận của OCB vẫn đứng vị trí cao trong số các ngân hàng. Thỏa thuận giữa hai bên sẽ giúp về quản trị, điều hành, rủi ro, công nghệ, phát triển sản phẩm.
Thị giá phát hành cho Aozora là bao nhiêu?
Các bài toán mô hình tài chính, định giá OCB hơn 1 tỷ USD, với vốn điều lệ chưa đến 9,000 tỷ đồng sẽ ra mức giá phát hành cho Aozora Bank.
Phần còn lại dự kiến phát hành riêng lẻ có thực hiện được trong năm nay hay không?
Đã có cổ đông quan tâm hơn nửa năm nay, nhưng không dám thực hiện vì phải chốt với Aozora Bank. Sau khi hoàn tất phát hành cho Aozora mới tính đến phát hành cho cổ đông này.
Lùi thời hạn niêm yết năm 2019, nếu 2020 không thuận lợi, có thực hiện niêm yết trên HOSE hay không?
Chủ trương của HĐQT muốn niêm yết càng sớm càng tốt, đều muốn rõ ràng minh bạch, khả năng thanh khoản tốt đúng với giá trị thực. Nhưng chủ trương của ĐHĐCĐ tăng vốn bằng phát hành cho cổ đông nước ngoài, kéo dài hơn 2 năm vừa qua. Cuối năm 2017 và đầu năm 2018 là cơ hội vàng để niêm yết, nhưng thời điểm ấy mới có đối tác rút khỏi và phải tìm cổ đông chiến lược khác thay thế.
Hôm qua đã phát hành thành công cho Aozora Bank do đó đã có đầy đủ cơ sở, chỉ còn phụ thuộc vào thị trường. Trước quy định của pháp luật, nhắc nhở ngân hàng chưa niêm yết phải niêm yết, phải tuân thủ pháp luật, OCB sẽ tập trung cố gắng hoàn thành việc niêm yết đúng quy định.
Lợi nhuận 6 tháng đạt 1,870 tỷ đồng
Mục tiêu lợi nhuận 2020 tăng 36% so với năm 2019, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến ngân hàng, HĐQT và Ban điều hành OCB có tự tin với kế hoạch trên hay không, làm gì để đạt được?
Trong 5 năm, tăng trung bình 86% lợi nhuận, với đà như vậy nhưng do Covid-19 nên đây là thách thức, đã bàn điều chỉnh kế hoạch vì đề ra vào lúc tháng 11-12 năm ngoái, nhưng cuối cùng vẫn quyết định giữ nguyên để phấn đấu.
Ngoài ra, OCB là ngân hàng không lớn về quy mô, nhưng đã khẳng định được vị thế, hướng đến hiệu quả, chất lượng tài sản và khả năng sinh lời tốt.
Có tự tin với kế hoạch thì chỉ hết sức cố gắng để hoàn thành kế hoạch, ngoài ra, OCB phụ thuộc room tăng trưởng tín dụng ảnh hưởng đến lợi nhuận, quý 1 đã hết room 10%, gia giảm thu nợ để cho vay, room tín dụng không có thì rất khó, không có cái để giải ngân. Đang chờ được cấp mới room tín dụng. Khi xin được, kế hoạch lợi nhuận sẽ đạt được.
Lợi nhuận 6 tháng đầu năm?
Tính đến hiện tại, hoàn thành 43% kế hoạch lợi nhuận năm 2020, tương đương đạt 1,870 tỷ đồng. Lộ trình hợp lý nên 6 tháng cuối năm sẽ đạt được kế hoạch.
Nguyên nhân lợi nhuận 2019 vượt kế hoạch nhưng vốn điều lệ chưa hoàn thành, đồng thời các chỉ tiêu hoạt động như dư nợ chỉ xấp xỉ kế hoạch?
Chủ yếu muốn tăng lợi nhuận và tiết kiệm chi phí cho cổ đông. Tăng dư nợ phải chịu sự phê duyệt của Ngân hàng nhà nước (NHNN) nên việc hoàn thành 95% kế hoạch tăng trưởng tín dụng đã tính đến sự kiểm soát của NHNN.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của OCB được tổ chức sáng ngày 30/06/2020
|
Mục tiêu lãi trước thuế 2020 tăng 36%
Theo OCB, năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện chiến lược tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2016-2020, do đó, OCB đề ra mục tiêu tham vọng hơn với mục tiêu tăng trưởng 25% đối với chỉ tiêu hoạt động (trong điều kiện cơ quan quản lý chấp thuận giới hạn tăng trưởng tín dụng như kỳ vọng), tỷ lệ CIR kiểm soát dưới 37%.
Ngoài ra, OCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2020 đạt 4,400 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2019.
Để đạt được mục tiêu này, OCB đề ra kế hoạch đạt 103,284 tỷ đồng tổng huy động thị trường 1 và 90,549 tỷ đồng tổng dư nợ thị trường 1 (trên cơ sở phê duyệt của NHNN), lần lượt tăng 21% và 25% so với thực hiện năm 2019.
Kế hoạch tổng tài sản đạt 150,000 tỷ đồng, tăng 27% và vốn điều lệ dự kiến đạt 11,275 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2019. Mục tiêu tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Với kế hoạch lợi nhuận trên, OCB dự kiến mức cổ tức 2020 từ 25-27%/năm, còn mức chi trả cổ tức năm 2019 là 25% bằng cổ phiếu.
Muốn tăng vốn điều lệ lên mức 11,275 tỷ đồng
Năm 2020, OCB dự định tăng thêm 3,377 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua phát hành riêng lẻ cho Ngân hàng Aozora (Nhật Bản) gần 869 tỷ đồng, chia cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu gần 2,192 tỷ đồng và phát hành riêng lẻ hơn 316 tỷ đồng. Dự kiến sau khi tăng thêm, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng từ 7,899 tỷ đồng lên hơn 11,275 tỷ đồng.
Cụ thể hơn, về phương án trả cổ tức năm 2019, OCB dự định phát hành hơn 219 triệu cp với mệnh giá 10,000 đồng/cp. Tỷ lệ phát hành tương ứng 25% vốn điều lệ từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến ngày 31/12/2019. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2020.
Bên cạnh đó, OCB dự định phát hành riêng lẻ hơn 31.6 triệu cp cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Tổng giá trị cổ phiếu dự kiến chào bán theo mệnh giá hơn 316 tỷ đồng. Giá chào bán dự kiến không thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần của Ngân hàng tại thời điểm cuối quý gần nhất tại thời điểm phát hành.
Trước đó, Nghị quyết của ĐHĐCĐ thường niên ngày 27/04/2019 đã phê duyệt phương án phát hành cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ để tăng vốn điều lệ thêm gần 1,185 tỷ đồng, trong đó đã phê duyệt phát hành gần 868.7 tỷ đồng cho Ngân hàng Aozora.
Theo OCB, Ngân hàng Aozora đã đăng ký mua 869 tỷ đồng và đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục với cơ quan Nhà nước.
Tổng số vốn tăng thêm này sẽ được OCB sử dụng đầu tư cho công nghệ thông tin, nâng cấp tài sản, thiết bị và bổ sung nguồn vốn kinh doanh và cho vay.
Chuẩn bị niêm yết trên sàn HOSE
Năm 2019, OCB vẫn chưa hoàn tất việc nộp hồ sơ xin phép niêm yết cổ phiếu đến Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE).
Theo đó, OCB trình và được cổ đông phê duyệt việc tiếp tục thực hiện kế hoạch niêm yết cổ phiếu OCB tại HOSE. Thời gian cụ thể nộp hồ sơ sẽ do HĐQT quyết định.
Thành lập Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản
Nhằm phục vụ nhu cầu quản lý nợ và khai thác tài sản của OCB thông qua việc tiếp nhận, quản lý và thu hồi các khoản nợ tồn đọng, đảm bảo kinh doanh an toàn, OCB cần thiết phải thành lập công ty nợ và khai thác tài sản trực thuộc OCB.
Do đó, cổ đông OCB thông qua việc thành lập Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản sẽ thực hiện các hoạt động quản lý nợ và khai thác tài sản của OCB theo pháp luật quy định. Công ty hoạt động dưới hình thức Công ty TNHH MTV, là công ty con OCB đầu tư 100% vốn với số vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng, có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập.
Ái Minh
FILI
|