Thứ Tư, 24/06/2020 10:42

BÀI CẬP NHẬT

ĐHĐCĐ HBC: 'Không có chuyện một tập đoàn lớn gom mua cổ phiếu để thâu tóm HBC'

Sáng ngày 24/06, ĐHĐCĐ thường niên 2020 của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) đã được tiến hành. Qua đó, cổ đông đã thông qua chỉ tiêu 12,500 tỷ đồng tổng doanh thu và 125 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho năm 2020.

Thảo luận

Có tin đồn một Tập đoàn bất động sản lớn nhất Việt Nam đang nhờ một quỹ mua gom cổ phiếu của Hòa Bình nhằm thâu tóm, Công ty có ý kiến gì về vấn đề này?

Chủ tịch Lê Viết Hải: Đã nói là tin đồn thì đây là thông tin không được xác minh. Thực tế qua nghiên cứu danh sách cổ đông thì chúng tôi có thấy có một số cổ đông là khách hàng của Hòa Bình, tuy nhiên không chiếm tỷ lệ trọng yếu, nên tôi xin khẳng định là không có.

Tuy nhiên tôi cũng xin xác nhận là có rất nhiều khách hàng quan tâm đầu tư vào HBC và đề nghị hợp tác đầu tư chiến lược, nhưng tôi xin khẳng định Công ty sẽ không hợp tác chiến lược với các Công ty bất động sản này. Nguyên nhân bởi điều này sẽ hạn chế hoạt động của Hòa Bình, do Công ty đang có trên 40 khách hàng là các doanh nghiệp bất động sản.

Ngoài ra Hòa Bình cũng sẽ không phát hành tăng vốn cho cổ đông chiến lược bởi thị giá của cổ phiếu không phù hợp.

Mảng xây dựng hạ tầng chưa triển khai dự án mới vì dịch Covid-19

HĐQT và Ban giám đốc đã làm gì để đón nhận làn sóng đầu tư dân dụng sang công nghiệp?

Như tôi có phát biểu trong phần báo cáo của mình, chúng ta đã có chuẩn bị nguồn lực, trong năm qua HĐQT đã bổ nhiệm 1 Phó Tổng chuyên về công nghiệp là anh Hồ Ngọc Phương. Đối với dự án Nhà máy gang thép Hoà Phát - Dung Quất 250 ha, không như nhà xưởng dân dụng khác, vừa thiết kế thi công trên 200 hạng mục khác nhau trong 1.5 năm lên đến 2,400 tỷ đồng, doanh thu 1,800 tỷ.

Ngoài ra, về mảng xây dựng hạ tầng Hòa Bình đang đầu tư Công ty 479 với tỷ lệ chi phối, giúp HBC có năng lực phát triển mảng hạ tầng. 

Tuy nhiên, do đại dịch nên những dự án mới chưa được triển khai ngay nên cổ đông cần kiên nhẫn chờ đợi thêm 1 thời gian nữa.

Giải pháp tài chính để Công ty hỗ trợ nguồn vốn kinh doanh trong hoạt động  thời gian tới?

Chủ tịch Lê Viết Hải: Nguồn vốn của Hòa Bình sẽ đến từ nhiều nguồn như thu hồi nợ từ khách hàng, tăng cường quan hệ chiến lược với các ngân hàng gia hạn thời gian thanh toán nợ, lên kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi với những chính sách không ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông lớn và bán bớt một số cổ phần ở một số Công ty con…

* IR Awards 2020: 45 doanh nghiệp niêm yết xuất sắc lọt vào vòng Bình chọn IR

5 tháng đầu năm trúng thầu 3,100 tỷ đồng

Giá trị ký mới của Hòa Bình trong năm nay là bao nhiêu, giá trị backlog (phần chưa thực hiện) chuyển sang năm nay là bao nhiêu? Công ty xử lý như thế nào về việc thu nợ?

Ông Dương Đình Thanh: Tính đến tháng 5, HBC trúng thầu 3,100 tỷ, tổng thầu dự kiến cho cả năm nay là 16,200 tỷ đồng. Backlog từ các năm trước chuyển sang cho năm 2020-2021 vào khoảng 16,000 tỷ đồng.

Về việc xử lý thu hồi nợ, tôi xin công bố số liệu qua các năm như sau: Năm 2017 thu được 78% giá trị doanh thu, 2018 thu được 85%, 2019 thu được 94% và tính đến cuối tháng 5/2020 thu được 121.5% (bao gồm những khoản trước chưa thu được), về bức tranh tổng thể con số lũy kế từ năm 2017 đến tháng 5/2020 đạt 89.5% đây là con số rất đáng vui mừng dù chúng tôi kỳ vọng ở mức 92%. Điều này thể hiện sự tiến bộ rất lớn và sự nỗ lực của Tập Đoàn nhằm cân đối nguồn vốn. Qua đó, cổ đông hãy tin tưởng vào Hòa Bình với sự phát triển trong thời gian tới.

Hòa Bình chấp nhận chi phí cao để phục vụ cho mục tiêu chiến lược lâu dài

Doanh thu thuần vượt kế hoạch, lợi nhuận sau thuế 2019 chỉ đạt 58%, có phải do chi phí đội lên quá cao?

Chủ tịch Lê Viết Hải: Đúng là chi phí có cao, trong khi giá tham dự thầu không cao. Thị trường trong 2 năm 2018 - 2019 cạnh tranh rất khốc liệt, nhất là về lĩnh vực địa ốc - lĩnh vực chính mà Hòa Bình kinh doanh.

Thực tế, khi thiếu việc, hầu hết các nhà thầu đều cố gắng có hợp đồng để giữ được nguồn nhân lực và có được một phần lợi nhuận. Hòa Bình cũng không ngoại lệ, qua đó kết quả kinh doanh của Công ty bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, Hòa Bình chấp nhận chi phí cao để phục vụ cho mục tiêu chiến lược lâu dài, trong thời gian vừa qua, Hòa Bình đã tập trung đào tạo nguồn nhân lực để tập trung vào chiến lược phát triển, tái cấu trúc của Tập đoàn trong thời gian tới.

Tổng doanh thu 2020 theo kế hoạch giảm 33% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm đến 70% so với năm 2020. Có sự chênh quá lớn giữa doanh thu và lợi nhuận sau thuế của năm nay so với các năm trước cả về con số tuyệt đối và tỷ lệ hay không?

Chủ tịch Lê Viết Hải: Câu trả lời của tôi vẫn là vì chiến lược duy trì nguồn nhân lực, để đảm bảo mục tiêu chiến lược lớn hơn và đường dài hơn, do đó lãi sau thuế không thể tính theo cùng một tỷ lệ với doanh thu được vì không thể cắt giảm chi phí nhân lực tương ứng với mức doanh thu mà Hòa Bình đề ra.

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của HBC phát biểu khai mạc Đại hội

Kế hoạch lãi 125 tỷ đồng, dự kiến giá trị trúng thầu 18,000 tỷ

Thay mặt HĐQT, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HBC cho biết, năm 2019, Hòa Bình mang về 18,610 tỷ đồng doanh thu thuần và 417 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đạt 100% kế hoạch doanh thu và 58% kế hoạch lợi nhuận.“Với tư cách là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn, tôi xin nhận kết quả chưa hoàn thành kế hoạch này của Hòa Bình. Dù không đạt kế hoạch, HBC vẫn đạt được những thành tựu như doanh nghiệp xây dựng có quy mô doanh thu lớn nhất nước (xét theo BCTC riêng 2019 của Công ty), hạng nhì trong top 50 công ty có kết quả kinh doanh hiệu quả nhất, hạng 8 trong top 50 doanh nghiệp tăng trưởng nhất Việt Nam…”

“Từ đầu năm 2020, HĐQT đã đề ra kế hoạch doanh thu 20,200 tỷ đồng, lợi nhuận 720 tỷ đồng. Tuy nhiên, do đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam từ tháng 1 đến nay; và mức độ ảnh hưởng, hệ lụy di chứng chắc chắn còn nhiều phức tạp khi chưa tìm ra thuốc đặc trị. Do đó, HĐQT đã rất khó khăn trong việc đề ra mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2020.” - ông Hải chia sẻ với cổ đông.

Theo đó, Hòa Bình đã đặt kế hoạch mới với 12,500 tỷ đồng tổng doanh thu và 125 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng đi lùi 33% và 70% so với năm 2019. Tuy nhiên, tổng giá trị trúng thầu trong năm 2020 vẫn được HĐQT HBC ước đạt 18,000 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước.

Kế hoạch kinh doanh 2020 của HBC
Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2020 của HBC

Về triển vọng của ngành xây dựng, ông Hải cho hay: “Bên cạnh tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 thì vẫn có những điểm sáng nhất định, như thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đẩy mạnh đầu tư công để thúc đẩy sự hồi phục của nền kinh tế. Dù chưa thực hiện ngay trong năm nay mà có thể là sang năm sau nhưng Việt Nam sẽ có ưu điểm khi đón nhận làn sóng đầu tư từ nước ngoài nhờ chuyển dịch cơ cấu.”

Về các dự án bất động sản, đầu tư dài hạn và hướng phát triển trong thời gian tới, HĐQT trình cổ đông ủy quyền để triển khai, quyết định phương án thực hiện, mở rộng hay thu nhỏ quy mô các dự án đầu tư, có thể tăng/giảm tỷ lệ tham gia của HBC; triển khai, thực hiện thêm một số dự án hợp tác kinh doanh và đầu tư địa ốc mới có tính khả thi; cũng như thông qua các phương án vay vốn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn từ các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong ngoài nước, phát hành trái phiếu phục vụ cho các hoạt động của Công ty...

Hoãn phát hành ESOP năm 2019

Năm 2020, thù lao cho HĐQT được thông qua là là 0.8% LNST cổ đông Công ty mẹ. Đối với ban điều hành và cán bộ trọng yếu tỷ lệ thưởng khích lệ lần lượt đạt 1.25% và 3.75% trên LNST; ngoài ra khi LNST vượt kế hoạch thì Công ty sẽ trích 10% của phần vượt để khích lệ và số tiền thưởng được phân bổ cho ban điều hành đạt 25% và cán bộ trọng yếu đạt 75%.

Đối với ESOP năm 2019, cổ đông Công ty thông qua đề xuất hoãn phát hành 1.3 triệu cổ phiếu ESOP với giá bằng mệnh giá. Nguyên nhân chủ yếu là do giá cổ phiếu HBC trên thị trường chứng khoán trong năm qua có nhiều biến động dẫn đến việc phát hành ESOP không phản ánh đúng tinh thần khuyến khích, tạo động lực làm việc cho người lao động. Qua đó, ban lãnh đạo đề xuất cổ đông ủy quyền để Công ty lự chọn thời điểm thích hợp phát hành trong năm 2020 hoặc các năm sau.

Thay vào đó, Hòa Bình sẽ phát hành 2.5 triệu cổ phiếu bằng mệnh giá và 4.62 triệu quyền mua cổ phiếu cho CBCNV trong năm nay.

Trong Đại hội lần này, cổ đông đã thực hiện bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019 - 2024 thay cho ông Trương Quang Nhật (đã từ nhiệm cuối tháng 5/2020). Người  trúng cử là con trai của Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải -  ông Lê Viết Hiếu - Phó tổng giám đốc đối ngoại khu vực miền Bắc.

Ngoài ra, cổ đông cũng thông qua việc ông Lê Viết Hải là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc điều hành của Công ty.

Như Xuân

FILI

Các tin tức khác

>   DNSE: Nghị quyết HĐQT về việc triệu tập ĐHĐCĐ bất thường năm 2020 (23/06/2020)

>   NST: Thư mời họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 (23/06/2020)

>   L18: Thông báo về ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức năm 2019. (24/06/2020)

>   HTC: Ký kết Hợp đồng kiểm toán BCTC năm 2020 (24/06/2020)

>   HJS: Thông báo thay đổi thời gian tổ chức đại hội đồng cổ đông năm 2020 (24/06/2020)

>   HVT: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 (24/06/2020)

>   L18: Nghị quyết Hội đồng quản trị (24/06/2020)

>   ART: Thay đổi giấy đăng ký kinh doanh (24/06/2020)

>   GLT: Báo cáo thường niên 2019 (24/06/2020)

>   VTH: Nghị quyết Hội đồng quản trị (24/06/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật