Thứ Sáu, 12/06/2020 10:46

ĐHĐCĐ GVR: Trọng điểm là phát triển khu công nghiệp gắn liền khu dân cư, kế hoạch lãi 4 ngàn tỷ

Tập đoàn tiếp tục thoái vốn các doanh nghiệp khác, kể cả các doanh nghiệp đang kinh doanh hiệu quả, nhằm tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực có biên lợi nhuận cao là phát triển khu công nghiệp gắn liền với khu dân cư.

Sáng ngày 12/06, ĐHĐCĐ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (HOSE: GVR) đã được tổ chức.

Năm 2020 được dự báo là một năm khó khăn với mảng kinh doanh cao su, lĩnh vực chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất của GVR, do giá bán cao su vẫn ở mức thấp. Khối sản xuất gỗ và công nghiệp chịu áp lực cạnh tranh gay gắt. Trong khi đó, khối khu công nghiệp chưa có tín hiệu rõ ràng về cơ chế thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Dù vậy, Ban lãnh đạo GVR vẫn đề ra mục tiêu tăng trưởng trong năm 2020 với chỉ tiêu doanh thu hợp nhất gần 24.65 ngàn tỷ đồng và lãi sau thuế gần 4.03 ngàn tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng xấp xỉ 8% và 5% so với năm trước. GVR dự kiến tiếp tục chia cổ tức 6% cho năm này, tương tự mức của năm 2019.

Tuy nhiên, trước sự phức tạp của dịch bệnh Covid-19, HĐQT cũng trình và được cổ đông thông qua việc ủy quyền cho HĐQT điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và đầu tư năm 2020 phù hợp với tình hình thực tế.

Mảng cao su đứng trước thách thức

Tập đoàn hiện đang quản lý 410 ngàn ha cao su, trong đó, trên 70% diện tích cao su nằm tại Việt Nam. GVR chiếm đến 30% diện tích và sản lượng cao su cả nước. Tuy nhiên, đây là mảng không có lợi nhuận cao do giá cao su giảm, GVR sẽ duy trì quy mô hiện tại và không đầu tư mở rộng.

Theo chia sẻ của ông Phạm Văn Thành - Thành viên HĐQT GVR, giá mủ cao su ở giai đoạn này là thấp và khó có khả năng giảm thêm. Dù vậy, Tập đoàn chủ trương “làm ra chừng nào bán chừng đó, không tồn kho nhiều” vì không thể biết diễn biến tương lai sẽ thế nào.

Ông Thành cũng nêu ra khó khăn của GVR khi không thể ngừng sản xuất kể cả nếu giá mủ giảm thấp dưới giá vốn, “bởi người lao động nghỉ thì sẽ rất khó để tuyển lại”. Ngành cao su Việt Nam hiện đang phải cạnh tranh về thu hút lao động với nhiều lĩnh vực sản xuất khác.

Tái cấu trúc Tập đoàn, thoái vốn khỏi SIP trong năm nay

GVR sẽ nghiên cứu chuyển đổi 20 công ty nông nghiệp TNHH MTV sang CTCP, thu hút vốn đầu tư bên ngoài và giảm vốn của Tập đoàn tại các đơn vị này.

Một trường hợp cụ thể là quá trình thoái vốn tại CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (UPCoM: SIP), theo đó, đại diện GVR cho biết đã thẩm định giá xong. Tuy nhiên, phía GVR muốn bán trực tiếp trên sàn giao dịch trong khi quyết định trước đây của Bộ Nông Nghiệp là thoái vốn thông qua đấu giá. Đến nay, quyết định cuối cùng vẫn chưa có và phía GVR đang tiến hành thẩm định giá lần hai, dự kiến sẽ thoái vốn tại SIP trong năm 2020.

Chủ tịch Trần Ngọc Thuận cũng cho biết GVR sẽ xin chủ trương để thoái vốn tại NTC và giữ lại cổ phần tại PHR.

Trong phần trình bày của mình, Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Bảo cho biết giá trị cần phải thoái vốn của GVR theo phương án đã được phê duyệt là 2,061 tỷ đồng, trong đó khoản 1,079 tỷ đồng là giá trị của 5 công ty thủy điện. Tập đoàn tiếp tục thoái vốn các doanh nghiệp khác, kể cả các doanh nghiệp đang hiệu quả để tập trung đầu tư các lĩnh vực có biên lợi nhuận cao là phát triển khu công nghiệp gắn liền với khu dân cư.

Khu công nghiệp Nam Tân Uyên

Trọng tâm phát triển là khu công nghiệp gắn liền khu dân cư

Hạ tầng khu công nghiệp (KCN) là lĩnh vực đáng chú ý, với kỳ vọng về dòng dịch chuyển sản xuất toàn cầu sẽ tìm đến Việt Nam trong những năm tới. GVR hiện đang quản lý 16 KCN với tổng diện tích gần 6,566 ha.

“Đây là lĩnh vực có lợi nhuận cao, tiềm năng và có nhiều lợi thế nên tập trung đầu tư mạnh trong năm 2020 và cho giai đoạn 2021-2025”, Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Bảo chia sẻ.

Trong năm 2019, GVR chưa hoàn thành kế hoạch về diện tích cho thuê KCN vì chưa thực hiện được các thủ tục liên quan. Mảng KCN của GVR hiện có tỷ lệ lấp đầy cao, diện tích thương phẩm sẵn sàng cho thuê không còn nhiều.

Trong năm 2020, GVR kỳ vọng sẽ triển khai các KCN Nam Tân Uyên, Rạch Bắp mở rộng và dự kiến đến cuối năm sẽ có sản phẩm thương mại. Phần còn lại, các KCN Bắc Đồng Phú, Nam Đồng Phú, Long Thành - Dầu Giây,… đang tiến hành thực hiên các thủ tục.

Theo chia sẻ của Thành viên HĐQT Phạm Văn Thành, quá trình này mất nhiều thời gian, “khi bắt đầu làm thủ tục thì 2-3 năm nữa mới có sản phẩm thương mại”. Hiện, GVR đang phối hợp với các địa phương để quy hoạch các KCN, diện tích dự kiến trong giai đoạn 2021-2025 lên đến 15 ngàn ha, theo đó, từ 600-1,000 ha sẽ được cho thuê mỗi năm.

Đền bù đất đai sân bay Long Thành

Về câu chuyện đền bù đất làm sân bay Long Thành, phía GVR cho biết ½ tiền đền bù đã hạch toán trong 2019, phần còn lại sẽ ghi nhận vào 2020. Giá đền bù 600 triệu đồng/ha, với tổng cộng 2 ngàn ha thì khoảng trên dưới 1,000 tỷ đồng tiền đền bù. Theo kế hoạch, GVR sẽ giao đất cho tỉnh Đồng Nai vào tháng 11/2020, theo đó tiếp tục bàn giao cho nhà đầu tư triển khai xây dựng sân bay.

Ngoài ra, GVR cũng dự kiến giao cho địa phương trên dưới 1 ngàn ha đất mỗi năm. Giá đền bù theo giá Nhà nước tối đa chỉ 100-200 triệu đồng/ha, tuy nhiên, lãnh đạo GVR cho biết đã đấu tranh với các địa phương sử dụng đất để phát triển kinh tế với mức giá là 500-600 triệu/ha.

3 hướng kinh doanh còn lại

Với các sản phẩm công nghiệp cao su (vỏ xe, bao tay cao su,...), theo Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Bảo, GVR sẽ duy trì việc kinh doanh như hiện tại do ngành này có tính cạnh tranh lớn, lợi nhuận không cao. "Ngành này là ngành rất mới và GVR đang tiếp cận tìm hiểu thị trường, trong năm 2020 sẽ chưa có lãi", Chủ tịch Thuận chia sẻ thêm.

GVR cũng tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, Tập đoàn đã thí điểm chuyển đổi 200 ha trồng chuối nuôi cấy mô tại Cao su Dầu Tiếng, Đồng Phú và Phước Hòa. Theo chia sẻ của ông Bảo, lĩnh vực có lợi nhuận khá tốt nhưng GVR sẽ triển khai thận trọng vì rủi ro đầu ra và công nghệ sản xuất. Tập đoàn sẽ nâng dần quy mô dựa theo tình hình thực tế.

Đối với lĩnh vực chế biến gỗ, với 20 nhà máy hiện có (tổng công suất 1.13 triệu m3/năm), GVR dự kiến tiếp tục tăng công suất các nhà máy chế biến gỗ và đầu tư các dự án sản xuất những sản phẩm mới phù hợp với khả năng vùng nguyên liệu và thị trường.

Mảng gỗ MDF hiện đang có sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu từ Malaysia, Thái Lan và cả từ Trung Quốc, Ấn Độ.

Các đơn vị của GVR cũng đã làm các hồ sơ chống bán phá giá trình Bộ Công Thương. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ cạnh tranh, những nhà máy của GVR đủ khả năng đương đầu với hàng ngoại nhập. “Nhưng Hiệu quả sẽ không cao như những năm trước, do giá bán giảm vì biên lợi nhuận thấp hơn", Thành viên HĐQT Phạm Văn Thành cho biết.

Trong tương lai, GVR sẽ không đầu tư mở rộng mảng gỗ MDF vì công xuất sản xuất cả nước đã ngang bằng với nhu cầu hàng năm.

Thừa Vân

FILI

Các tin tức khác

>   GTD: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (12/06/2020)

>   SSI: Thông báo thời gian, địa điểm và link cung cấp tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 (12/06/2020)

>   TCSC: Thông báo ký kết hợp đồng kiểm toán BCTC 2020 (12/06/2020)

>   SBSI: Nghị quyết HĐQT về việc lựa chọn đơn vị kiểm toán cho năm tài chính 2020 (12/06/2020)

>   BVSC: Nghị quyết HĐQT về việc kế hoạch kinh doanh năm 2020 (12/06/2020)

>   BVSC: Nghị quyết HĐQT về việc tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 (12/06/2020)

>   VIE: Thay đổi giấy đăng ký kinh doanh (12/06/2020)

>   HBE: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (12/06/2020)

>   TCB: Đính chính Quyết định của HĐQT về thay đổi địa chỉ chi nhánh Đồng Tháp (12/06/2020)

>   DL1: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (12/06/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật