ĐHĐCĐ Fideco: 5 năm liên tục không chia cổ tức
Sáng ngày 03/06/2020, ĐHĐCĐ thường niên 2020 của CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TPHCM (Fideco, HOSE: FDC) đã được tiến hành. Các tờ trình đều được cổ đông thông qua với kế hoạch doanh thu và lợi nhuận giảm gần một nửa so với kết quả 2019. Đáng chú ý, 2020 sẽ là năm thứ 5 liên tiếp FDC không chia cổ tức cho cổ đông.
Ông Lê Chí Hiếu - Chủ tịch HĐQT FDC phát biểu trong ĐHĐCĐ thường niên 2019 sáng 03/06/2020
|
Năm 2019, FDC mang về 517 tỷ đồng tổng doanh thu hợp nhất và gần 66 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất, lần lượt tăng 27% và 85% so với kết quả đạt được năm 2018, đồng thời vượt 48% kế hoạch doanh thu và thực hiện 95% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Theo FDC, kết quả kinh doanh năm 2019 của Công ty tốt hơn năm 2018 và gần đạt so với kế hoạch chủ yếu là do FDC đã ghi nhận khoản doanh thu tài chính từ việc chuyển nhượng một công ty con do hoạt động không hiệu quả là Công ty TNHH Đầu tư Phúc Thịnh Đức; ngoài ra một công ty con khác của Fideco là Công ty Sản Xuất Bao Bì Thiên Ý có kết quả kinh doanh khả quan và bắt đầu có lãi.
Tuy nhiên, trong kế hoạch phân phối lợi nhuận 2019 của Fideco, ngoài việc trích gần 1.4 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng và phúc lợi, Công ty sẽ không chia cổ tức cho cổ đông cũng như trích khen thưởng Ban Quản trị và Điều hành 2019. Thực tế, kể từ năm 2016 đến nay Công ty đã liên tiếp không thực hiện chia cổ tức cho cổ đông, và với kế hoạch kinh doanh đi lùi trong năm 2020, FDC cũng đề xuất sẽ không chia cổ tức năm 2020 cho cổ đông.
Cụ thể, Fideco đề ra kế hoạch 276 tỷ đồng tổng doanh thu và 35 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho năm 2020, lần lượt đi lùi 47% về doanh thu và 47% về lợi nhuận so với kết quả đạt được ở năm trước.
Các chỉ tiêu kế hoạch (hợp nhất) của FDC trong năm 2020
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên khóa 2019 của FDC
|
Theo ban lãnh đạo của Fideco, hoạt động của Công ty đang chịu sức tác động của tình hình kinh tế thế giới chuyển biến phức tạp và chưa phục hồi hoàn toàn. Đồng thời, nguồn vốn để đáp ứng cho yêu cầu phát triển các dự án đầu tư còn nhiều hạn chế cũng như các dự án bất động sản như Dự án Cần Giờ, Văn phòng 28 Phùng Khắc Khoan... đều bị đình trệ do các trở ngại về pháp lý kéo dài.
Để hoàn thành kế hoạch kinh doanh trên, ông Quan Minh Tuấn - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Fideco cho hay, Công ty sẽ vẫn tiếp tục theo dõi và triển khai các dự án đầu tư. Đối với dự án Khu nhà ở huyện Cần Giờ (29.8ha), Công ty đang xin điều chỉnh quy hoạch 1/500 của dự án và các công tác khác để chuẩn bị cho việc tiếp tục thực hiện dự án. Ngoài ra, ông Lê Dư Đăng Khoa - Phó Tổng Giám đốc Fideco cũng trấn an khi cổ đông quan ngại về vấn đề dự án mãi không được triển khai: “Thật ra dự án Cần Giờ không phải là ngưng mà vẫn đang đợi chính sách từ Chính phủ. Với tình hình hiện tại thì Fideco sẽ cố gắng đề từ 6 tháng đến tối đa 1 năm là dự án có thể ‘chạy’ được”.
Về Dự án xây mới tòa nhà văn phòng 28 Phùng Khắc Khoan, Fideco dự kiến sẽ triển khai xây dựng trong quý 3, lý tưởng là vào đầu tháng 7/2020. Đối với Dự án Khu nhà ở phường Bình Trưng Đông (5ha), Fideco đã họp để thống nhất với UBND Quận 2 triển khai bồi thường và giải phóng mặt bằng vào tháng 9/2019. Hiện tại, Công ty vẫn đang trong quá trình bồi hoàn và tiến hành các thủ tục tiếp theo để được bàn giao đất.
Bên cạnh đầu tư các dự án, FDC dự kiến doanh thu từ hoạt động cho thuê văn phòng đến từ Fideco Riverview và Tòa nhà văn phòng 28 Phùng Khắc Khoan là 13.5 tỷ đồng, giảm so với năm trước do việc tạm ngưng cho thuê khu A và B tại 28 Phùng Khắc Khoan để tiến hành xây dựng mới khu A và B.
Đối với hoạt động đầu tư tài chính, ông Tuấn cho hay do nền kinh tế chung vẫn đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nên hiện tại Công ty vẫn ưu tiên để nắm giữ tiền mặt và sẽ không chi cho các hoạt động không cần thiết.
“Công ty có mua chứng khoán trị giá 450 triệu đồng, sau đó lại dự phòng 450 triệu đồng, như vậy thì chẳng phải là mất trắng à?” - một cổ đông thắc mắc. Trả lời cho câu hỏi này, ông Tuấn cho hay khoảng 450 triệu đồng này đã được Công ty thực hiện hơn 10 năm trước, khi đó là do HĐQT cũng như ban điều hành cũ đã đưa ra quyết định đầu tư vào 1 công ty tuy nhiên lại thua lỗ, nên đúng nguyên tắc công ty đã lập dự phòng và cũng có thể xem như là mất trắng.
Như Xuân
FILI
|