Bài cập nhật
ĐHĐCĐ ACV: 'Kế hoạch cũng chỉ là dự kiến, mất vài năm để phục hồi ảnh hưởng từ Covid-19'
“Trong bối cảnh như thế này, kế hoạch cũng chỉ là dự kiến. Chúng ta không chỉ phụ thuộc vào Việt Nam mà còn cả các quốc gia khác”, Chủ tịch Lại Xuân Thanh chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP (UPCoM: ACV) được tổ chức vào sáng ngày 26/06/2020.
Theo ông Thanh, ACV cũng đã chuẩn bị phương án dịch kéo dài đến hết năm 2020. "Trong phương án phục hồi lại quốc tế trong tháng 8/2020, thị trường của chúng ta bị lùi về năm 2015. Ảnh hưởng sẽ kéo dài đến sau dịch Covid-19 và sẽ mất vài năm để phục hồi lại".
Thảo luận:
Khi nào ACV niêm yết lên sàn HOSE?
Tổng Giám đốc Vũ Thế Phiệt: Một công ty đã lên UPCoM thì ai cũng muốn lên sàn HOSE, vì quyền lợi cổ đông tốt hơn. Về việc niêm yết trên sàn HOSE, ACV vẫn đang nỗ lực để niêm yết sớm nhất. Nhưng chúng tôi vẫn đang vướng phần cơ chế khu bay và chưa thể hoạch toán rõ ràng.
Để chấp thuận được niêm yết lên HOSE, vốn chủ sở hữu, các khoản phải thu phải trả trong báo cáo kiểm toán phải không có ý kiến nhấn mạnh. Báo cáo kiểm toán năm 2019 của ACV vẫn còn ý kiến nhấn mạnh nên chúng tôi vẫn chưa thể niêm yết lên sàn HOSE.
Nếu sân bay Long thành được xây dựng, bao nhiêu chuyến quốc tế sẽ chuyển sang đó?
Tổng Giám đốc Vũ Thế Phiệt: Trên tinh thần là sân bay Long Thành chiếm 85% quốc tế. Tất nhiên còn phải tùy thuộc vào tình hình thực tế, điều này còn do cơ quan Nhà nước quyết định. Phần lớn chuyến bay quốc tế của Tp.HCM sẽ tập trung về Long Thành. Phần quốc tế còn lại sẽ khai thác ở Tân Sơn Nhất. Ngược lại, phần lớn chuyến bay nội địa sẽ tập trung ở Tân Sơn Nhất.
Chưa tính tới doanh thu tài chính, quý 2 dự kiến lỗ 400 tỷ
Kết quả kinh doanh quý 2 về doanh thu và lợi nhuận?
Tổng Giám đốc Vũ Thế Phiệt: Dự kiến quý 2 sẽ lỗ khoảng 400 tỷ, chưa tính tới doanh thu tài chính. Để có lợi nhuận trong năm 2020 là nhiệm vụ hết sức khó khăn. ACV quyết tâm không lỗ là không lỗ về hoạt động kinh doanh cốt lõi và chưa tính tới phần doanh thu tài chính. Nếu có khách du lịch quốc tế trong quý 3/2020, lợi nhuận hoạt động kinh doanh cốt lõi có thể hơn 50 tỷ đồng.
Trong kịch bản từ đây đến cuối năm, nếu không có khách quốc tế thì lợi nhuận của ACV sẽ là bao nhiêu?
Tổng Giám đốc Vũ Thế Phiệt: Với sản lượng khách dự kiến trong tháng 6/2020, doanh thu cốt lõi chỉ khoảng 500 tỷ đồng, chưa thể bù nổi chi phí.
Vì doanh thu quốc tế chiếm quá lớn nên hoạt động kinh doanh ACV bị tác động mạnh. Đến tháng 9 thì may ra mới có khách quốc tế. Hiện tại, doanh thu nội địa không thể bù đắp được chi phí. Cần phải có khách quốc tế vào thì mới đảm bảo được lợi nhuận cho ACV.
ĐHĐCĐ thường niên 2020 của ACV
|
Doanh thu quốc tế chiếm hơn 60%, tháng 6 đang lỗ
"Trong những tháng đầu năm, bức tranh đang rất tốt. Đến tháng 1/2020, tăng trưởng tiếp tục duy trì trên 10%. Tuy nhiên, đến tháng 2/2020 thì đại dịch Covid-19 ập đến và mang đến rủi ro khách quan rất lớn đến toàn thế giới. Ngành bị nặng nhất là hàng không và du lịch”, Tổng Giám đốc Vũ Thế Phiệt cho biết.
Kế hoạch dự kiến xây dựng trong năm 2019 tương đối khả quan, nhưng vì Covid-19 nên đành phải thay đổi. Trước đó, ACV dự kiến có khách du lịch quốc tế qua đường hàng không vào cuối quý 2 hoặc đầu quý 3/2020. Tuy nhiên, tình hình quốc tế hiện nay vẫn diễn biến rất phức tạp. Ngay cả Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc xuất hiện tình trạng nhiễm lại trong cộng đồng. Điều này nằm ngoài dự báo của ACV. Với tình hình này, dự kiến phải đến giữa hoặc cuối quý 3/2020 mới có thể mở lại thị trường quốc tế, theo ông Thế Phiệt.
“Năm 2020, Công ty cố gắng không lỗ. Điều này đặt ra thách thức rất lớn cho Công ty trong thời gian tới”, vị Tổng Giám đốc ACV nhấn mạnh.
Đáng chú ý, ông Thế Phiệt chia sẻ: “Doanh thu quốc tế chiếm hơn 60% doanh thu ACV. Hoạt động hàng không nội địa gần như phục hồi trong tháng 5 và 6. Tuy nhiên, doanh thu hàng không nội địa trong tháng 6/2020 chỉ có 480 tỷ đồng, nhưng chi phí lên đến khoảng 600 tỷ đồng, tức ACV đang lỗ. Thị trường nội địa phục hồi, số lượng hành khách cao, nhưng việc không có thị trường quốc tế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu và kế hoạch sản xuất kinh doanh của ACV”.
Ngoài ra, kế hoạch đầu tư và mở rộng gặp rất nhiều vướng mắc. Ông Thế Phiệt cũng hy vọng ACV sẽ được giao những hạng mục thiết yếu tại dự án Long Thành.
Va phải vật cản Covid-19
Bước vào năm 2020, ngành hàng không lập tức va phải vật cản mang tên Covid-19. Hàng loạt chiếc máy bay phải nằm “đắp chiếu” trong khoảng thời gian dài và nhiều hãng hàng không trên thế giới cũng rơi vào tình thế ngặt nghèo. Ngoài ra, sự suy giảm trong thu nhập cộng với tâm lý e dè của người dân khiến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không suy giảm ngay cả khi gỡ bỏ lệnh giới hạn di chuyển.
Giữa bối cảnh đó, ACV đặt ra kế hoạch đánh dấu sự sụt giảm mạnh. Đáng chú ý lãi trước thuế dự kiến ở mức 2,007 tỷ đồng, giảm 80% so với năm 2019 và cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2012.
Tuy vậy, mức lãi dự kiến hơn 2,000 tỷ đồng của ACV vẫn được xem là tích cực nhất ngành hàng không trong bối cảnh dịch bệnh.
Về phương án phân phối lợi nhuận còn lại và chia cổ tức, ACV cho biết hiện đang chờ ý kiến của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Do đó, ACV sẽ thực hiện xin ý kiến cổ đông bằng văn bản hoặc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2020 để thông qua nội dung này khi có ý kiến của cấp có thẩm quyền theo quy định. Trước đó, ACV dự kiến trả cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 9%.
Kế hoạch kinh doanh năm 2020 của ACV
Nguồn: Tài liệu họp của ACV. Đvt: Tỷ đồng
|
Kế hoạch kinh doanh 2020 của ACV cũng cho thấy những khó khăn của ngành hàng không trong thời gian tới. Quý 1/2020 ghi nhận lãi trước thuế đến 1,927 tỷ đồng, nhưng kế hoạch lãi trước thuế cả năm 2020 chỉ ở mức 2,007 tỷ đồng.
Giữa lúc oằn mình với đại dịch Covid-19, ACV đã chuyển dịch theo hướng phòng thủ hơn bằng cách tăng lượng tiền mặt. Tính tới cuối quý 1/2020, ACV đã tăng tiền mặt lên gần 33,000 tỷ đồng, tăng gần 1,500 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó chủ yếu là tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới 12 tháng.
Nguồn: VietstockFinance
|
Việc giữ lượng tiền mặt ở mức cao tạo tấm đệm an toàn để ACV duy trì hoạt động trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đồng thời giúp Công ty tận dụng cơ hội khi giai đoạn khó khăn qua đi.
Ngoài ra, phần lãi tiền gửi ngân hàng của ACV trong những năm qua cũng rất đáng kể, trong quý 1/2020 là 540 tỷ đồng – đóng góp 1/3 lãi sau thuế của ACV trong giai đoạn này.
Tổng Giám đốc Vũ Thế Phiệt cho biết, trong kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2020, doanh thu tài chính chiếm đến 1,955 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận của các hoạt động cốt lõi của ACV cố gắng đạt 50-52 tỷ đồng.
Trước tình hình biến động khó lường, ACV cũng trình ĐHĐCĐ ủy quyền cho ban lãnh đạo điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp theo tình hình mà không cần phải tổ chức đại hội bất thường.
Kế hoạch đầu tư dự án 2020
Trong năm 2020, ACV sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án trọng điểm: Nhà ga hành khác T3 – Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Mở rộng nhà ga hành khách T2 – Cảng HKQT Nội Bài; Xây dựng nhà ga hành khách T2 tại các Cảng HKQT Phú Bài, Cát Bi, Vinh; các dự án sân đỗ máy bay tại các Cảng hàng không Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Liên Khương, Cát Bi, Vinh, Phú Bài.
“Hoạt động đầu tư mở rộng sẽ trở lại sau dịch. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào các dự án trọng điểm như dự án Tân Sân Nhất, Phú Bài, Nội bài”, vị Tổng Giám đốc Vũ Thế Phiệt chia sẻ.
Ông Thế Phiệt nói thêm ACV sẽ giãn tiến độ thực hiện các dự án tùy theo tình hình dịch Covid-19. Tuy vậy, những dự án trọng điểm sẽ không giãn tiến độ.
Hiện công ty nắm quyền khai thác 21/22 sân bay dân dụng tại Việt Nam, bao gồm các cảng hàng không lớn nhất cả nước như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng.
Kết thúc đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.
Vũ Hạo
FILI
|