Đại hội ‘buồn’ của cổ đông HMC
“Đại hội năm nay tôi đọc báo cáo thấy buồn quá”, một cổ đông cá nhân chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 của CTCP Kim khí TP HCM (HOSE: HMC).
Tại Đại hội thường niên tổ chức ngày 12/06, các cổ đông cá nhân bày tỏ sự thất vọng về kết quả kinh doanh năm 2019 của HMC. Theo đó, giá cổ phiếu suy giảm dẫn đến thua lỗ cho cổ đông.
Cổ tức cũng là vấn đề nóng. Nhiều cổ đông đồng tình rằng doanh nghiệp đang chia cổ tức quá thấp trong khi vẫn còn dư 30 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Có cổ đông đề nghị tối thiểu phải chia cổ tức 10% mỗi năm.
“Chúng tôi xin lỗi cổ đông vì không đạt kế hoạch kinh doanh năm 2019. HMC đã chia cổ tức toàn bộ lợi nhuận của năm vừa qua. Tuy nhiên, còn 30 tỷ đồng giữ lại là do liên quan đến câu chuyện số 8 Lê Duẩn.” - Chủ tịch Dương Trung Toản phản hồi cổ đông.
Theo ông Toản, thanh tra Chính phủ có thể buộc HMC trả lại 50 tỷ đồng lợi nhuận, do đó, Công ty giữ lại số tiền này để đề phòng. Vị Chủ tịch cũng khẳng định HMC sẽ chia cổ tức hết 30 tỷ đồng kể trên cho cổ đông nếu tòa không yêu cầu trả lại phần lợi nhuận trước đây.
“Trước mắt xin phép cổ đông cho trả cổ tức 5%. Mong cổ đông thông cảm.” - Chủ tịch Toản nói.
HĐQT trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức tỷ lê 5% cho năm 2019 và 7% cho năm 2020.
Tổng Giám đốc HMC - ông Võ Trí Nghĩa trình bày tại Đại hội thường niên chiều ngày 12/06/2020. Ảnh: TV
|
Kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận, nhưng…
Năm 2020 được dự báo tiếp tục là khoảng thời gian khó khăn của ngành thép nói chung và HMC nói riêng. Trong năm nay, Ban lãnh đạo Công ty đặt kế hoạch doanh thu 3,284 tỷ đồng, giảm 27% so với năm trước; chỉ tiêu lãi sau thuế ở mức 16.7 tỷ đồng, tăng 46%, nhưng thực tế là kết quả lợi nhuận của HMC trong năm 2019 nằm ở mức rất thấp.
Lợi nhuận sau thuế của HMC từ 2012-2019
và kế hoạch năm 2020
Đvt: Tỷ đồng
|
Nói về các chỉ tiêu kế hoạch ở mức thấp của HMC, Tổng Giám đốc Võ Trí Nghĩa cho biết Covid-19 đã làm cho tình hình thị trường thép vốn đã thử thách từ cuối năm 2019, nay lại càng khó khăn gấp bội.
Việc kinh doanh thép nhập khẩu của HMC bị ảnh hưởng tiêu cực và đứng trước nguy cơ vỡ kế hoạch tiêu thụ. Trong khi đó, lợi nhuận mang lại bởi bán hàng thép xây dựng quá nhỏ.
Mảng kinh doanh dịch vụ cho thuê đối với 2 tòa nhà 193 Đinh Tiên Hoàng (4.9 ngàn m2) và 189 Nguyễn Thị Minh Khai (3 ngàn m2) dự kiến mang về lần lượt 5 tỷ đồng và 3.6 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2020. Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Nghĩa, điều ngặt nghèo là thuế đất áp cho 2 tòa nhà này bị nâng lên gấp mười mấy lần. “Chúng tôi phải đóng thêm 9 tỷ đồng/năm chỉ riêng cho 2 tòa nhà này”.
Thuế đất tăng lên cũng là vấn đề đau đầu với chi phí tại tổng kho (quy mô 64 ngàn m2) của HMC đặt tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức. “Đơn giá thuê mới có thể tăng 13-14 lần so với đơn giá cũ. Đây là thứ mà chúng ta phải đối mặt”. Hiện phía HMC đang đôn đốc để làm sao có giấy phép thuê sớm nhất (giấy phép cũ đã hết hạn từ 01/01/2020) cho khu đất đặt tổng kho. Theo ông Nghĩa, tổng kho này là “xương sống” đối với các hoạt động của HMC.
Không thoái các khoản đầu tư thua lỗ
Tính đến cuối quý 1/2020, HMC có khoản đầu tư vào 2 doanh nghiệp ngành thép là Thép Nhà Bè (UPCoM: TNB) và Thép Tấm Lá Thống Nhất (UPCoM: TNS). Giá gốc đầu tư ghi nhận tổng cộng 37 tỷ đồng nhưng đã trích lập dự phòng đến gần 70%; riêng khoản đầu tư vào TNB thì đã trích lập toàn bộ 14 tỷ đồng vốn đầu tư.
Chủ tịch Toản chia sẻ rằng đây là những doanh nghiệp đã rơi vào khó khăn và cũng đã có cân nhắc đề nghị thoái vốn của cổ đông tại TNB và TNS. Tuy nhiên, ông Toản cho biết HMC là đơn vị có vốn Nhà nước sở hữu trên 55% (thông qua Tổng Công ty Thép Việt Nam), do đó, việc thoái vốn phải thực hiện theo thủ tục của Nhà nước.
TNS hiện thoái vốn chỉ dưới giá trị sổ sách nên không phù hợp quy định. Trong khi đó, HMC mua IPO cổ phiếu TNB với giá trên 20 ngàn đồng/cp nên giờ không thể bán với giá 13-14 ngàn đồng/cp ngoài thị trường được, ông Toản chia sẻ.
Thừa Vân
FILI
|