Cuộc khủng hoảng thiếu hụt USD toàn cầu dường như đã tới hồi kết
Số liệu mới nhất từ Fed công bố cuối tuần trước cho thấy, các ngân hàng trung ương khác đã yêu cầu giao dịch số lượng USD thấp nhất trong gần ba tháng.
* Các công ty Mỹ ráo riết trữ tiền mặt
Đồng USD. (Ảnh: THX/TTXVN)
|
Giới quan sát cho rằng tình trạng thiếu hụt đồng USD trên toàn cầu trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng COVID-19 dường như đã qua đi.
Đây là một cột mốc đánh dấu bước ngoặt đáng chú ý trong tình hình tài chính thế giới mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác đều góp sức cải thiện.
Số liệu mới nhất từ Fed công bố cuối tuần trước cho thấy, các ngân hàng trung ương khác đã yêu cầu giao dịch số lượng USD thấp nhất trong gần ba tháng.
Đó là yếu tố chính dẫn đến sự suy giảm bất ngờ trong bảng cân đối 7.000 tỷ USD của Fed - lần giảm đầu tiên kể từ tháng 2/2020 và cũng là mức giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính cách đây hơn một thập kỷ.
Theo báo cáo, số dư của các giao dịch hoán đổi ngoại hối của Fed với các ngân hàng trung ương khác đã giảm 92 tỷ USD tính tới ngày 17/6, từ 444,5 tỷ USD hồi cùng kỳ tuần trước đó, xuống còn 352,5 tỷ USD.
Tổng số tiền chưa được chuyển đi trong các giao dịch hoán đổi - vốn được thiết kế để giảm nhu cầu về đồng USD của các ngân hàng có nhu cầu trong những tuần đầu của cuộc khủng hoảng COVID-19 - cũng là mức thấp nhất kể từ đầu tháng Tư.
Sự suy giảm trong nhu cầu hoán đổi ngoại tệ xảy ra khi các thị trường chứng khoán đã phục hồi khoảng 90% khoản lỗ của họ sau đợt lao dốc hồi tháng Ba.
Hiện các công ty đang huy động vốn trên thị trường trái phiếu với tốc độ kỷ lục và phí bảo hiểm rủi ro được tính vào lợi suất trái phiếu doanh nghiệp đã trở lại mức hồi đầu tháng Ba.
Chi phí huy động vốn bằng đồng USD cũng phần lớn đã trở lại ổn định. Đối với các nhà đầu tư ở Nhật Bản và châu Âu, những nơi có ngân hàng trung ương là bên sử dụng nhiều nhất các kênh hoán đổi ngoại tệ của Fed kể từ tháng Ba, chi phí này đã trở lại mức của cuối tháng Hai.
Nhiều nhà phân tích cho rằng cùng với các dấu hiệu khác về việc nhu cầu đối với các cơ sở thanh khoản khẩn cấp của Fed (như thỏa thuận mua lại - repo) đang suy giảm, diễn biến trên là một dấu hiệu cho thấy thị trường tài chính toàn cầu đang trở lại trạng thái gần như bình thường sau khi bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19 trong tháng Hai và tháng Ba.
Vào thời điểm đó, chứng khoán thế giới đã lao dốc với tốc độ kỷ lục và nhu cầu đối với đồng bạc xanh ở thị trường nước ngoài vượt xa nguồn cung, khiến đồng USD trở nên đắt đỏ đối với các chính phủ nước ngoài và các công ty có nợ định giá bằng đồng tiền này.
Fed đã hành động nhanh chóng để cố gắng khôi phục trật tự. Bên cạnh việc triển khai các công cụ nhắm vào thị trường Mỹ, ngân hàng trung ương này đã thiết lập các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ mở rộng cho chín ngân hàng trung ương khác, ngoài năm thỏa thuận đã có thỏa thuận thường trực trước đó./.
H.Thủy
Vietnam+
|