Thứ Năm, 04/06/2020 13:00

Coteccons: ‘Giàn giáo sập ở thượng tầng’

Mâu thuẫn trong nội bộ những người điều hành với cổ đông lớn đang bóp nghẹt tương lai của nhà thầu xây dựng hùng mạnh nhất Việt Nam.

Ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Coteccons.

Doanh thu, lợi nhuận sụt giảm và giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán theo đó ngã nhào. Cổ phiếu CTD hiện rớt giá gần 70% so với mức đỉnh cuối năm 2017.

Giữa cuộc bể dâu đang diễn ra vì Covid-19, nhà thầu hùng mạnh nhất Việt Nam với những nền móng vững chắc từ năng lực thi công, đội ngũ cùng vị thế tài chính như Coteccons (HOSE: CTD) đáng lý phải là cái tên sáng giá khi những đối thủ cùng ngành xoay xở trong khó nhọc.

Thế nhưng cuối cùng, tòa tháp ngà Coteccons vốn được xây móng chắc chắn lại có nguy cơ mắc kẹt với “những giàn giáo sập ở thượng tầng”.

* Hai mối bất hòa ‘khóa trái’ cửa tăng trưởng của Coteccons

Ngày 02/06 vừa qua, giới đầu tư bất ngờ trước thông tin cổ đông lớn của Coteccons là Kustocem (Kusto) triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường để bầu mới HĐQT và chỉ định kiểm toán đặc biệt để làm rõ những vấn đề xoay quanh câu chuyện xung đột lợi ích tại Coteccons.

Cổ phiếu CTD từ việc là “vịnh trú bão” giữa mùa Covid-19 khi tăng giá gần 35% trong giai đoạn từ sau Tết đến nay, bỗng trở thành một thứ tài sản đầy rủi ro. CTD giảm kịch sàn ngay trong chiều 02/06.

“Các hành vi quản trị, quản lý và điều hành liên quan tới xung đột lợi ích của đội ngũ lãnh đạo Coteccons giữa các công ty trong ‘Coteccons Group’ đã gây thiệt hại cho khoản đầu tư của chúng tôi khi giá cổ phiếu giảm đáng kể và quyền cổ đông của chúng tôi bị vi phạm nghiêm trọng.” - Kusto cho biết.

Nổi bật trong các mối quan hệ với Coteccons là công ty Ricons.

“Các lãnh đạo cấp cao của Coteccons quyết định chọn công ty nào đấu thầu cho dự án nào khi họ đồng thời quản lý cả hai công ty cạnh tranh trực tiếp với nhau? Các lãnh đạo cấp cao của Coteccons và Ricons quyết định phân bổ lợi nhuận cho từng bên như thế nào trong các hợp đồng giữa hai bên?” - Kusto đặt câu hỏi.

Ngay sau đó, vào chiều 03/06, phía lãnh đạo Coteccons, với đại diện là Tổng Giám đốc Nguyễn Sỹ Công, đã ra thông cáo khẳng định sự minh bạch của doanh nghiệp và cho biết chính phía Kusto là bên đi ngược lại những cam kết ban đầu trong việc phát triển Coteccons.

Ricons duy trì được lợi nhuận trong giai đoạn 2018-2019
trong khi Coteccons suy yếu
Đvt: Tỷ đồng

Ngược trở về quá khứ, phần lợi ích tại Coteccons của Kusto vốn đã liên tục giảm xuống trong giai đoạn sáp nhập Unicons từ 2013-2015 và đợt phát hành tăng vốn ngàn tỷ vào năm 2016. Bất chấp sự tăng trưởng mà Coteccons có được, việc pha loãng lợi ích tại doanh nghiệp là điều không lấy gì làm vui vẻ.

Ngoài ra, phía Kusto cũng có những nghi ngờ về việc Coteccons cũng trợ lực kinh doanh cho các công ty khác ngoài Ricons.

Và rồi định hướng “một Coteccons”, sáp nhập các công ty trong hệ sinh thái về một mối, của ông Nguyễn Bá Dương lại tiếp tục mâu thuẫn với lợi ích của nhóm cổ đông lớn Kusto. Điều này là cội nguồn tranh cãi tại cuộc họp thường niên một năm trước đây.

Những mâu thuẫn tại Coteccons không phải điều mới, nhưng khó ai ngờ rằng mọi thứ lại đi xa đến vậy. Các cổ đông nhỏ, những người sở hữu hơn 28% cổ phần tại Coteccons, rơi vào tình huống bị động.

Các nhóm cổ đông quyền lực nhất tại CTD hiện nay đều là những nhà đầu tư tài chính, bao gồm nhóm Kusto và THE8TH, cổ đông nước ngoài nhận chuyển nhượng cổ phần CTD từ nhóm quỹ đầu tư Korea Investment Management từ tháng 08/2019. Thông tin về THE8TH là rất ít cho đến lúc này.

Về phía các ông Nguyễn Bá Dương, Nguyễn Sỹ Công và Trần Quang Quân thì sở hữu tổng cộng 7.9% cổ phần tại CTD.

Phía Kusto yêu cầu các thành viên chủ chốt tại Coteccons là Chủ tịch Nguyễn Bá Dương, Tổng Giám đốc Nguyễn Sỹ Công và Phó Tổng Giám đốc Trần Quang Quân phải từ chức khỏi tất cả các vị trí ngay lập tức. Trong khi phía lãnh đạo Coteccons cũng phản pháo rằng Kusto sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì những hành vi thù địch, bôi nhọ danh dự của Ban lãnh đạo Coteccons.

Cơ cấu cổ đông tại Coteccons
Nguồn: BCTN của Coteccons, Vietstock tổng hợp

Ngành xây dựng vốn là lĩnh vực mà sự thành công mang nhiều màu sắc cá nhân. Coteccons sẽ còn lại gì khi Chủ tịch Dương và bộ sậu thân cận, những người đã làm nên Coteccons, rời khỏi doanh nghiệp?

Để có được câu trả lời, hãy nhìn cái cách mà cựu Phó Tổng Giám đốc Trần Quang Tuấn ngay khi rời khỏi Coteccons vào năm 2017 đã lập tức dựng nên cơ đồ với Centralcons, doanh nghiệp chưa đầy 3 năm tuổi nhưng đã chạm tay đến các dự án như Empire City giai đoạn 2, Vinhomes Grand Park, Vinhomes Smart City,… với 15 ngàn tỷ đồng hợp đồng đã ký.

Với những nhà đầu tư mua cổ phiếu CTD vào phiên sáng 02/06 thì đây thật sự là điều khủng khiếp. Coteccons không Nguyễn Bá Dương sẽ không còn là doanh nghiệp mà họ từng biết.

Kể cả khi Kusto đã đồng hành cùng Coteccons từ năm 2012, giá trị và sức mạnh của Coteccons vẫn sẽ hoàn toàn khác khi nằm trong tay các nhà đầu tư tài chính so với khi nằm dưới sự điều hành của những người đã 16 năm dẫn dắt doanh nghiệp đến vị thế của hiện tại.

“Người ta giao việc cho tôi chứ không phải cho bất kỳ công ty nào” - là câu nói nổi tiếng của ông Nguyễn Bá Dương, một trong những người định hình nên ngành xây dựng Việt Nam. Ngay chính Landmark 81, biểu tượng đưa tên tuổi Coteccons lên tầm cao mới, cũng được đặt nền móng từ cuộc gọi từ tỷ phú Phạm Nhật Vượng đến ông Dương.

Khi mà ai cũng tin rằng Coteccons sẽ tiến lên những đỉnh cao mới thì mâu thuẫn của những người cầm cương khiến mọi thứ đi chệch hướng. Đó là câu chuyện bắt đầu từ cách đây 2 năm, nhưng đến nay vẫn chưa hồi kết.

Nghĩ về Coteccons, khó có thể tin rằng nhà thầu hùng mạnh nhất nước giờ lại đứng trước một tương lai bất định trong vùng xoáy của những xung đột.

Còn ở một góc nhìn khác, sắp tới đây, lại thêm một thương hiệu lớn của Việt Nam rồi sẽ nằm dưới quyền kiểm soát của những nhà đầu tư ngoại quốc?

Nhà đầu tư nhỏ lẻ có lý do để sợ Kusto

Kustocem Pte. Ltd (Kusto) là công ty có trụ sở tại Singapore và hiện là cổ đông lớn nhất của Coteccons.

Nói về Kusto là nhớ đến một công ty đầu tư với những câu chuyện tai tiếng tại Descon và Beton 6, từng là hai doanh nghiệp tên tuổi trong ngành xây dựng và vật liệu tại Việt Nam.

Đối với Descon, nhóm Kusto sau khi nắm đủ số phiếu biểu quyết đã tiến hành bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Xuân Bằng, người sau đó phải rời đi sau 20 năm gắn bó với doanh nghiệp. Còn về Beton 6, doanh nghiệp này cũng bất ngờ hủy niêm yết vào cuối năm 2015, dưới danh nghĩa tái cấu trúc hoạt động trong một năm có sự tăng trưởng mạnh về doanh thu, với sự hậu thuẫn của nhóm cổ đông có liên quan đến Kusto.

Descon và Beton 6 cuối cùng đều đi đến bước đường phá sản.

Tại Đại hội thường niên Coteccons vào tháng 04/2019, phía Kusto từng phải nhận chất vấn từ các cổ đông khác của Coteccons về động cơ của việc công bố những thông tin bất lợi về thương vụ sáp nhập Ricons vào Coteccons trước thềm cuộc họp.

Thừa Vân

FILI

Các tin tức khác

>   FTI: Thông báo thay đổi thời gian họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 (03/06/2020)

>   CIP: Báo cáo thường niên 2019 (03/06/2020)

>   STU: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (03/06/2020)

>   BAB: Quyết định Hội đồng quản trị về thời gian họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 (03/06/2020)

>   DCH: Báo cáo thường niên 2019 (03/06/2020)

>   DTG: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 (03/06/2020)

>   HPW: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (03/06/2020)

>   HPW: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (03/06/2020)

>   MPC: Báo cáo thường niên 2019 (03/06/2020)

>   GLW: Báo cáo tài chính quý 1/2020 (03/06/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật