Cổ phiếu ngân hàng chuyển động ra sao trong tháng 5?
Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục nhuộm màu lạc quan trong tháng vừa qua với giá và thanh khoản đều được cải thiện.
Kết thúc phiên 29/05, chỉ số VN-Index tăng 95.36 điểm, tương đương tăng 12% so với cuối tháng trước 29/04, đóng cửa ở mức 864.47 điểm. Dữ liệu VietstockFinance cho thấy, chỉ số ngành ngân hàng vào cuối phiên theo đó cũng tăng 11.27 điểm, tương đương tăng 17% so với cuối phiên 29/04, lên mức 78.39 điểm.
Vốn hóa ngân hàng tăng thêm gần 133,000 tỷ đồng
Giá trị vốn hóa của nhóm ngân hàng đã leo lên mức hơn 921,630 tỷ đồng (tính đến phiên 29/05), tăng thêm hơn 132,424 tỷ đồng, tương đương tăng 17% so với mức 789,206 tỷ đồng của phiên cuối tháng trước 29/04.
Nguồn: VietstockFinance
|
Ngoài Kienlongbank (KLB) và Vietbank (VBB) là 2 nhà băng có vốn hóa sụt giảm lần lượt 9% và 1% so với tháng trước 29/04, còn gần 3,103 tỷ đồng và hơn 5,908 tỷ đồng thì hầu hết các ngân hàng còn lại đều có vốn hóa tăng trong tháng qua.
Trường hợp của SHB, giá cổ phiếu ngân hàng này giảm mạnh nhất trong ngành trong tháng 5 vừa qua với mức giảm 12%. Tuy nhiên, vốn hóa SHB vẫn nhích nhẹ khi khép lại tháng 5 là do đơn vị này niêm yết bổ sung hơn 251 triệu cp vào ngày 20/05.
‘Ông lớn’ Vietcombank (315,996 tỷ đồng) có vốn hóa tăng mạnh nhất 25%. Còn vốn hóa BIDV (161,283 tỷ đồng) và VietinBank (83,777 tỷ đồng) cùng tăng 13% so với cuối tháng trước 29/04.
Ở phía các ngân hàng cổ phần tư nhân, vốn hóa Techcombank (TCB) gần 72,453 tỷ đồng, tăng 20%, đứng vị trí thứ hai ngân hàng có vốn hóa tăng mạnh nhất. Vốn hóa HDB tăng 17% và STB tăng 13% so với cuối tháng trước, lần lượt đạt hơn 23,375 tỷ đồng và gần 18,578 tỷ đồng.
Nói thêm về HDB, cổ phiếu ngân hàng đã tăng hơn 16% trong tháng 4 khi công bố kết quả kinh doanh quý 1 khả quan, thuộc câu lạc bộ các ngân hàng lợi nhuận sau thuế ngàn tỷ đồng. Ngân hàng ghi nhận tăng trưởng huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế đạt 4.61%, dư nợ tăng gần 6% so với đầu năm. Bước sang tháng 5, Tập đoàn Sovico đăng ký mua tiếp 4.6 triệu cổ phiếu HDB sau khi mua 5.4 triệu cp vào tháng 4.
Nguồn: VietstockFinance
|
Thanh khoản BAB tăng phi mã, EIB dẫn đầu giao dịch thỏa thuận
Nhìn vào thanh khoản cổ phiếu ngân hàng trong tháng qua, đã có gần 65 triệu cp/ngày được chuyển giao, tăng 7% so với tháng 4, tương ứng với giá trị giao dịch hơn 1,200 tỷ đồng/ngày, tăng 15% so với tháng trước.
Nguồn: VietstockFinance
|
Giống như tháng 4, Sacombank (STB) tiếp tục giữ vị trí đứng đầu về thanh khoản khi có hơn 12 triệu cp/ngày được giao dịch, tăng 27% so với tháng trước.
Xét về tốc độ tăng trưởng, EIB (-49%), HDB (-32%), LPB (-2%), TCB (-19%), TPB (-34%), VBB (-99%), VCB (-4%) là 7 mã có khối lượng giao dịch bình quân giảm còn các mã khác đều có thanh khoản tăng. Trong đó, Vietbank (VBB) có thanh khoản giảm mạnh nhất, chỉ còn 8,190 cp/ngày được giao dịch, giảm 99% so với tháng trước.
Ngược lại, trong khi tháng 4, Bac A Bank (BAB) là nhà băng có thanh khoản giảm mạnh nhất (-99%) thì tháng 5 này, BAB lại có thanh khoản tăng phi mã, gấp 39 lần so với tháng 4, với 107,055 cp/ngày được giao dịch.
Nguồn: VietstockFinance
|
Khối ngoại mua ròng hơn 867 tỷ đồng
Trong tháng 5, khối ngoại đã mua ròng hơn 9 triệu cp ngành ngân hàng, với giá trị mua ròng hơn 867 tỷ đồng, trong khi tháng trước bán ròng hơn 82 triệu cp, với giá trị bán ròng gần 1,705 tỷ đồng.
Nguồn: VietstockFinance
|
Nếu xét về khối lượng mua ròng, VPBank là nhà băng có khối ngoại mua ròng mạnh nhất với hơn 17 triệu cp, giá trị gần 404 tỷ đồng.
Còn VCB là nhà băng có giá trị khối ngoại mua ròng lớn nhất với gần 696 tỷ đồng, khối lượng mua ròng gần 10 triệu cp.
Ngược lại, có đến 7 ngân hàng bị khối ngoại bán ròng bao gồm BID, EIB, MBB, NVB, SHB, STB, VIB.
Ái Minh
FILI
|