Thứ Sáu, 19/06/2020 16:30

Chuyên gia kinh tế trưởng WB nói về 'phép màu của kinh tế Việt Nam'

May mắn kết hợp với việc hoạch định chính sách hiệu quả đã giúp Việt Nam thành công trong cuộc khủng hoảng Covid-19 và sẽ tiếp tục có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5/2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 37,36 tỷ USD, tăng 3,5% so với tháng 4. Ảnh: Đ.T

Sức kháng cự tốt

Trong 6 tháng sinh sống tại Hà Nội, tôi đã được tận mắt quan sát đất nước được coi là “phép màu kinh tế trong vòng 25 năm trở lại đây”. Việc kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 của Việt Nam đã cho tôi cái nhìn rõ rệt nhất về đất nước này.

Từ cuối tháng 4, Chính phủ Việt Nam đã nới lỏng giãn cách xã hội, cho phép mở lại các trường học, cửa hàng và nhà hàng. Cuộc sống dần trở lại bình thường, thể hiện qua việc chỉ số di động của Google gần đây tăng 13% tính từ giữa tháng 4 đến tuần thứ hai của tháng 5. Hiện nay, giống như hầu hết người dân Việt Nam cảm thấy hài lòng về cách thức kiểm soát dịch bệnh, tôi cũng cảm thấy an tâm trở lại.

Tâm lý lạc quan đó giải thích lý do theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế Việt Nam có thể hồi phục trong 6 tháng cuối năm 2020. Xin nhớ rằng, nền kinh tế bị tổn thương, nhưng không tê liệt.

GDP của Việt Nam vẫn giữ tỷ lệ tăng trưởng đáng nể ở mức 3,82% trong quý I/2020 và khu vực kinh tế đối ngoại - động lực tăng trưởng chính của Việt Nam - vẫn đang phát triển năng động. Trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đổ vốn vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 12 tỷ USD.

Mặt khác, dù khu vực trong nước có bị ảnh hưởng, chủ yếu do 3 tuần thực hiện cách ly toàn xã hội trong tháng 4, nhưng bắt đầu cho thấy dấu hiệu hồi phục. Một chỉ số có thể thấy rõ là mức tiêu thụ điện trong tháng 4 chỉ giảm 4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức giảm 20-30% của Trung Quốc và các nước châu Âu trong giai đoạn cách ly.

Tất nhiên, một số doanh nghiệp và người dân vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề, nhất là trong lĩnh vực du lịch và vận tải hành khách. Tuy nhiên, xét về tổng thể, nền kinh tế Việt Nam vẫn có sức kháng cự vô cùng ấn tượng trong thời điểm khó khăn bất thường này.

May mắn và bí quyết

Lý do nào khiến nền kinh tế Việt Nam có sức kháng cự tốt   như vậy? Người ta có thể cho rằng, đó là nhờ may mắn. Quả đúng như vậy, nếu tâm chấn của Covid-19 là Thâm Quyến chứ không phải Vũ Hán, thì chuỗi giá trị toàn cầu của ngành hàng điện tử quan trọng của Việt Nam sẽ chịu tác động đáng kể.

Tương tự, Việt Nam có thể bị ảnh hưởng nếu là quốc gia xuất khẩu bông sợi hoặc dầu mỏ lớn trên thế giới, bởi giá các mặt hàng này đang chứng kiến mức sụt giảm mạnh trong vài tuần trở lại đây. Cũng may mắn là, giá xuất khẩu của lúa gạo - mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam - đã tăng 20% trên thị trường thế giới tính từ cuối tháng 2/2020.

Nhưng phải nói rằng, Việt Nam đã hành động rất thông minh. Cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đã triển khai các gói chính sách tiền tệ và tài khóa để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đại dịch. Tuy nhiên, chất lượng của phương án đối phó với Covid-19 của Chính phủ Việt Nam nằm ở sự kết hợp giữa tầm nhìn xa và tính thực tiễn. Dưới đây là 3 ví dụ minh họa cụ thể:

Thứ nhất là quản lý tài khóa. Trước khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ Việt Nam đã dự trữ được dòng tiền đáng kể nhờ thực hiện chính sách quản lý tài khóa thận trọng. Ngoài ra, cùng với việc áp dụng quy định tài khóa theo chuẩn của mình, Việt Nam đã dành 5% ngân sách của năm 2020 để trích lập quỹ dự phòng cho trường hợp khẩn cấp. Nhờ vậy, Chính phủ có thể ứng phó ngay lập tức với cuộc khủng hoảng ở cả cấp trung ương và địa phương, mà không cần đến vay nợ trong nước hay nước ngoài. Chính phủ Việt Nam không hề có dấu hiệu lo sợ nào.

Thứ hai là thương mại và logistics. Theo dự báo của Tổ chức Thương mại thế giới, thương mại toàn cầu trong năm 2020 sẽ suy giảm 15-30%, đây là một trong những lo ngại chính của Việt Nam. Là một trong những nền kinh tế mở cửa nhất trên thế giới, Việt Nam đã nhanh chóng có các hành động nhằm giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp xuất khẩu và ra hướng dẫn về việc cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm phí, đơn giản hóa thủ tục hải quan và thủ tục tại các trung tâm vận tải lớn.

Thứ ba là việc áp dụng số hóa trong phát triển kinh tế. Mặc dù có khu vực xuất khẩu khá năng động, nhưng kinh tế số của Việt Nam còn tương đối tụt hậu. Để ứng phó với cuộc khủng hoảng Covid-19, Chính phủ đã thực hiện một loạt cải cách, bao gồm việc ứng dụng sâu công nghệ số trong phòng chống dịch bệnh. Chính phủ đang xem xét việc đưa vào sử dụng tiền số thông qua hệ thống thanh toán điện tử mới nhằm tiếp cận 2/3 số người dân hiện chưa có tài khoản ngân hàng.

Trước bối cảnh nhiều thách thức, Việt Nam đã và đang phát huy truyền thống lâu đời trong việc chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất, trong khi vẫn linh hoạt áp dụng các cải cách quan trọng và chuyển đổi sang bối cảnh mới. Việc kết hợp giữa tầm nhìn xa và tính thực tiễn trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng Covid-19 đã đem lại thành công đáng kể. Hy vọng rằng, kinh nghiệm của Việt Nam có thể là bài học cho các quốc gia chưa có sự chuẩn bị tốt cho cuộc khủng hoảng này.

Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam

Báo đầu tư

Các tin tức khác

>   ADB hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống 4.1% (18/06/2020)

>   ‘Không có khách hàng nào nợ đến hạn mà không được cơ cấu nợ’ (16/06/2020)

>   Không điều chỉnh mục tiêu GDP năm 2020 (15/06/2020)

>   'Dọn tổ đón đại bàng' thì cũng nên 'rắc thóc cho chào mào, chim sẻ' (15/06/2020)

>   [Infographic] Các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế trong và hậu Covid-19 của Việt Nam (11/06/2020)

>   Chủ tịch Quốc hội: Không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng (08/06/2020)

>   HSBC: Dệt may và da giày sẽ là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA (08/06/2020)

>   Quốc hội chính thức tán thành thông qua Hiệp định EVFTA, EVIPA (08/06/2020)

>   Thành lập BCĐ Tổng điều tra kinh tế Trung ương năm 2021 (05/06/2020)

>   Cả nước chia thành 7 vùng: Phân vùng rồi làm gì nữa? (04/06/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật