Chuyển 3 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công, giảm thêm 2.000 tỉ
Theo tờ trình chính thức điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc - Nam, Chính phủ đề xuất chuyển 3 dự án PPP sang đầu tư công, rút tổng mức đầu tư xuống 100.816 tỉ đồng.
* Cao tốc Bắc - Nam đắt hay rẻ?
* Sông Đà xin thầu làm cao tốc Bắc - Nam dù nợ 115 triệu USD
* Bộ Chính trị đồng ý chuyển một số đoạn cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công
Tổng mức đầu tư 11 dự án cao tốc Bắc - Nam sau điều chỉnh giảm thêm 2.000 tỉ đồng, còn hơn 100.000 tỉ đồng. Ảnh: M.Hà
|
Thực hiện theo ý kiến kết luận của Bộ Chính trị và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, thừa uỷ quyền Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa trình Quốc hội phương án tiếp tục triển khai 3 dự án cao tốc Bắc - Nam thành phần đầu tư công (gồm đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2).
Đồng thời, chuyển đổi từ PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công với 3 dự án PPP, gồm: 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (Vĩnh Hảo - Phan Thiết) và 2 dự án quan trọng, cấp bách, kết nối với các cửa ngõ các trung tâm chính trị, kinh tế lớn đất nước (đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 dài 63 km và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km).
Sau khi điều chỉnh, tổng mức đầu tư còn khoảng 100.816 tỉ đồng (tổng mức đầu tư được duyệt bước nghiên cứu khả thi là 102.513 tỉ đồng) sau khi loại bỏ chi phí lãi vay với 3 dự án trên, cập nhật chi phí giải phóng mặt bằng theo số liệu triển khai thực tế các địa phương.
Trong đó, chi phí xây dựng, thiết bị là 67.923 tỉ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 15.435 tỉ đồng, chi phí dự phòng 8.345 tỉ đồng, lãi vay trong giai đoạn xây dựng là 1.323 tỉ đồng, chi phí quản lý dự án, tư vấn... là 7.781 tỉ đồng.
Về nguồn vốn, vốn ngân sách nhà nước khoảng 78.461 tỉ đồng, gồm vốn ngân sách nhà nước đã bố trí 55.000 tỉ đồng trước đây, phần vốn còn thiếu khoảng 23.461 tỉ đồng Chính phủ sẽ tổng hợp Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng quy định luật Đầu tư công; vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 22.355 tỉ đồng, nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.
Theo đánh giá, việc chuyển đổi 3 dự án giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhằm khắc phục, hạn chế những tác động của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, sau chuyển đổi, vốn đầu tư công phải bổ sung thêm khoảng 23.461 tỉ đồng. Việc chuyển đổi hình thức đầu tư cũng ảnh hưởng đến doanh thu các dự án PPP trên quốc lộ 1 và các tuyến song hành, do các phương tiện sẽ lựa chọn đường cao tốc để lưu thông nếu không phải trả phí.
Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ tổ chức triển khai các dự án, đảm bảo hoàn thành tiến độ 6 dự án 100% vốn đầu tư công trong năm 2022, riêng dự án cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành trong năm 2023. Các dự án PPP hoàn thành trong năm 2023.
Đồng thời, xây dựng phương án thu phí để thu hồi vốn nhà nước tại các dự án vốn đầu tư công, quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.
Báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án thành phần, trong trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc sau 6 tháng (kể từ thời điểm ký kết hợp đồng dự án) nhà đầu tư không huy động được nguồn vốn tín dụng để triển khai.
Mai Hà
Thanh niên
|