Chứng khoán toàn cầu rớt mạnh sau tín hiệu bi quan từ Fed
Chứng khoán toàn cầu rớt thảm vào chiều ngày thứ Năm (11/06), sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu sẽ giữ nguyên lãi suất cho đến năm 2022.
Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chứng khoán Australia rớt mạnh nhất, trong đó chỉ số ASX 200 rớt 3.05%. Kế đó, ở Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 lao dốc 652.04 điểm (tương đương 2.82%), còn Topix lùi 2.06%.
Trong khi đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0.86%, còn Straits Times của Singapore rớt 2.92%.
Ở một diễn biến khác, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông sụt 417.51 điểm (tương đương 1.67%), còn chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 0.8%.
Nguồn: CNBC
|
Hợp đồng tương lai Dow Jones giảm hơn 450 điểm khi Fed bi quan về kinh tế
Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào đầu phiên sáng ngày thứ Năm (11/06 - giờ Mỹ) khi nhà đầu tư đánh giá nhịp độ phục hồi và diễn biến về Covid-19.
Các hợp đồng tương lai Dow Jones giảm 461 điểm, ngụ ý chỉ số cơ sở có thể giảm 475 điểm vào lúc mở phiên ngày 11/06. Hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 và Nasdaq 100 cũng giảm mạnh.
Diễn biến tiêu cực của hợp đồng tương lai chứng khoán nối tiếp 2 ngày giảm liên tiếp của chỉ số Dow Jones và S&P 500 khi nhà đầu tư chốt lời các cổ phiếu hưởng lợi từ quá trình mở cửa kinh tế. S&P 500 giảm 0.5% trong ngày thứ Tư (10/06) và Dow Jones lùi 280 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite leo dốc 0.7% lên kỷ lục mới, cũng là lần đầu tiên khép phiên trên 10,000 điểm.
Nasdaq Composite đã leo dốc phiên thứ 8 trong 9 phiên vừa qua, nâng tổng mức tăng trong cả năm 2020 lên gần 10%. Chỉ số S&P 500 giảm 1.2% trong năm 2020, sau khi tích tắc chuyển sang sắc xanh trong tuần này. Dow Jones hiện vẫn còn giảm 5.4% trong năm 2020.
Nhà đầu tư ngày càng lo ngại về làn sóng bùng phát Covid-19 thứ hai khi các bang của Mỹ đẩy mạnh mở cửa kinh tế. Tại Texas, số ca nhiễm Covid-19 phải nhập viện đã chạm kỷ lục trong 3 ngày liên tiếp. Chín quận của California ghi nhận sự tăng vọt về số ca nhiễm Covid-19 hoặc số ca nhập viện, AP đưa tin trong ngày thứ Tư (10/06).
Trong ngày thứ Tư (10/06), nhà đầu tư đang suy ngẫm về những cập nhật của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về nền kinh tế và chính sách tiền tệ. Các nhà hoạch định chính sách nhất trí giữ nguyên lãi suất và dự định không nâng lãi suất cho đến năm 2022.
“Fed hiểu rằng chúng ta chỉ mới ở giai đoạn đầu của đà phục hồi kinh tế và việc thay đổi chính sách hoặc dự báo vẫn còn quá sớm tại thời điểm này”, Charlie Ripley, Chuyên viên chiến lược đầu tư cấp cao tại Allianz Investment Management, cho biết qua một email.
Fed cũng cho biết, ít nhất thì họ sẽ giữ nguyên nhịp độ mua trái phiếu hiện tại trong vài tháng tới. Bên cạnh đó, họ dự báo kinh tế Mỹ sẽ thu hẹp 6.5% trong năm 2020, trước khi tăng trưởng 5% trong năm 2021.
“Chúng tôi thậm chí còn không nghĩ tới chuyện nâng lãi suất nữa”, ông nói tại cuộc họp báo sau khi Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC) quyết định giữ lãi suất ở gần mức 0 và gần như tất cả quan chức đều dự báo giữ nguyên cho đến năm 2022.
“Chúng tôi cam kết sử dụng công cụ để làm mọi điều có thể trong khoảng thời gian càng dài càng tốt”, ông Powell cho biết.
Tại cuộc họp, Fed dự báo GDP Mỹ sẽ giảm 6.5% trong năm 2020 và cần phải tới 2 năm để phục hồi. Dự báo về tỷ lệ thất nghiệp cũng bi quan không kém, ở mức 9.3% vào cuối năm 2020, hơn gấp đôi so với mức trước đại dịch Covid-19.
“Fed rõ ràng rất nhạy cảm với ký ức quá khứ rằng Đại Khủng hoảng đã trở nên tệ hơn khi không hành động, và họ không muốn lặp lại sai lầm đó một lần nào nữa”, Stephen Stanley, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Amherst Pierpont Securities, cho hay.
Nhà đầu tư cũng đang theo dõi dữ liệu về số người đăng ký trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 06/06 – dự kiến công bố vào lúc 9h30 ngày thứ Năm (11/06 – giờ Mỹ). CÁc chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones dự báo số người nộp đơn đăng ký trợ cấp thất nghiệp lên tới 1.595 triệu người trong tuần vừa qua, giảm từ mức 1.775 triệu của tuần trước đó.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|