Chứng khoán tháng 6 có lấy lại mốc 900 điểm?
Thị trường Việt Nam đã vừa trải qua một giai đoạn tăng mạnh trở lại sau khi giảm sâu do dịch bệnh với động thái giảm bán ròng đáng kể của khối nhà đầu tư ngoại trong 2 tuần qua. Về mặt cơ bản, triển vọng tăng trưởng kinh tế quý 2/2020 vẫn khá tiêu cực, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong quý 2 cũng sẽ tiếp tục kém khả quan. Vậy kịch bản nào cho thị trường chứng khoán trong tháng 6 này?
VN-Index hướng tới vùng 900 – 920 điểm?
Bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Phân tích CTCK VNDirect
|
Bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Phân tích CTCK VNDirect nhận định chỉ số VN-Index hiện đang hướng đến vùng kháng cự mạnh 870-880 điểm và xa hơn là vùng 900-920 điểm, xu hướng chốt lời sẽ gia tăng khi thị trường hướng tới vùng kháng cự này.
Về mặt cơ bản, triển vọng tăng trưởng kinh tế quý 2/2020 vẫn khá tiêu cực, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong quý 2 cũng sẽ tiếp tục kém khả quan. Những thông tin này dự kiến sẽ được hé lộ trong cuối tháng 6, đầu tháng 7 và có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư (NĐT) và diễn biến thị trường. Theo đó, trong tháng 6 chỉ số VN-Index sẽ dao động trong biên độ 820-920 điểm.
Bà Nguyễn Thị Thùy Linh - Trưởng phòng phân tích cổ phiếu – Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư của CTCK SSI nhận định thị trường Việt Nam đã vừa trải qua một giai đoạn tăng mạnh trở lại sau khi giảm sâu do dịch bệnh với động thái giảm bán ròng đáng kể của khối ngoại trong 2 tuần qua. Do đó, diễn biến bán ròng không còn là mối lo ngại chính với thị trường.
Bà Nguyễn Thị Thùy Linh - Trưởng phòng phân tích cổ phiếu – Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư của CTCK SSI
|
Tuy nhiên, bà Linh đánh giá, một yếu tố rủi ro không nhỏ với thị trường có thể là việc khôi phục sản xuất, kinh doanh hậu Covid-19 của nhiều doanh nghiệp có thể không dễ dàng và mạnh mẽ như thị trường vẫn kỳ vọng. Và nợ xấu ngân hàng có thể phát sinh nhiều hơn dự báo trước đây. Thêm vào đó, khó khăn của các doanh nghiệp vẫn có thể kéo dài sang các quý tiếp theo do triển vọng kinh tế thế giới vẫn khó khăn và thói quen tiêu dùng của người dân có sự thay đổi.
Trên thế giới, quan hệ Mỹ - Trung dự kiến tiếp tục gia tăng căng thẳng, cùng với xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, cũng như hiệp định thương mại EVFTA mới được phê duyệt sẽ mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội. Đồng thời, trong tháng 6, nhiều doanh nghiệp tổ chức ĐHĐCĐ thường niên với nhiều thông tin tích cực về kế hoạch 2020 cũng như kế hoạch chia cổ tức có thể giúp thị trường có thêm thông tin hỗ trợ.
Do đó, bà Linh kỳ vọng VN-Index sẽ có sự điều chỉnh nhẹ về vùng 835 - 845 trước khi bật tăng lên vùng 900 - 920 cuối tháng 6.
Dòng tiền khó đảo chiều
Trong giai đoạn sau Tết Nguyên đán trở lại đây, khối ngoại liên tục bán ròng khiến nhiều NĐT lo ngại về nền tảng dòng tiền trên thị trường.
Liên quan tới vấn đề này, bà Linh nhận định từ đầu năm đến giờ, dòng tiền từ các NĐT tổ chức và cá nhân trong nước đã hấp thụ hết nguồn cung cổ phiếu do khối ngoại liên tục bán ròng với giá trị rất lớn. Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có nhiều cơ hội đầu tư tốt và điều này sẽ giữ chân dòng tiền thông minh ở lại thị trường, dù là tiền nội hay ngoại.
Còn theo bà Hiền, thanh khoản liên tục được cải thiện cùng với xu hướng phục hồi của TTCK Việt Nam với giá trị giao dịch bình quân tháng 4 và tháng 5 tăng so với mức bình quân của quý 1 cho thấy dòng tiền mới đã gia nhập thị trường. Đồng thời, khối ngoại có xu hướng giảm bán ròng đáng kể.
Trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục thực hiện các chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi hậu Covid-19 thì dòng tiền trên thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục khả quan trong những tháng tới đây, rủi ro đảo ngược đột ngột của dòng tiền này trong ngắn hạn là không cao.
Thận trọng trong tháng 6?
Theo bà Linh, chỉ số P/E của thị trường Việt Nam hiện ở mức 14.x, thấp hơn mức 15.9x cuối 2019, cũng như đang thấp hơn chỉ số P/E của thị trường các nước trong khu vực.
KHÓA HỌC ONLINE
Phân tích Kỹ thuật Ứng dụng
💡 Khai giảng: 10/6/2020
💡 Ưu đãi: 50% ++
Hotline: 0908 16 98 98
>> Đăng ký ngay
|
Nhờ kiểm soát dịch bệnh tốt và mở cửa trở lại sớm hơn nhiều nước, kinh tế Việt Nam có triển vọng phục hồi tốt hơn. Việt Nam cũng hưởng lợi từ xu hướng tái cơ cấu chuỗi cung ứng trên thế giới. Đồng thời, các sản phẩm quỹ ETF mới (Finlead ETF và Diamond ETF) cho phép NĐT ngoại mở rộng đầu tư vào các cổ phiếu tốt hết room ngoại. Do đó thị trường Việt Nam có nhiều cơ hội về dài hạn.
Với NĐT ngắn hạn, nên đa dạng hóa danh mục và tuân thủ kỷ luật đầu tư của riêng mình.
Với giả định lạc quan rằng dịch bệnh sẽ không bùng phát trở lại tại Việt Nam, cũng như được kiểm soát mạnh mẽ trên thế giới trong nửa cuối năm 2020, bà Linh cho rằng các ngành như bất động sản khu công nghiệp, vận tải, dịch vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, vật liệu xây dựng, và một số ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, sẽ có kết quả kinh doanh vượt trội so với các ngành khác. Ngành bất động sản du lịch và hàng không sẽ cần nhiều thời gian hơn để phục hồi.
Về phần mình, bà Hiền cho rằng NĐT vẫn nên duy trì tâm lý thận trọng, tránh tâm lý hưng phấn quá đà do triển vọng tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết trong quý 2 vẫn khá tiêu cực. NĐT cân nhắc hạ tỷ trọng cổ phiếu khi thị trường tiến đến các vùng kháng cự mạnh.
Vị chuyên gia nhận xét nếu Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt tại Việt Nam và tiếp đến là trên thế giới, những nhóm ngành liên quan đến các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu sẽ được hưởng lợi trước tiên như là xuất khẩu nông, thủy sản (gạo, cà phê, tôm, cá tra…).
Bên cạnh đó, với những chính sách thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thì những ngành như xây dựng hạ tầng giao thông, vật liệu xây dựng (đá xây dựng, nhựa đường, sắt thép, xi măng) sẽ được hưởng lợi.
Ngoài ra, bà Hiền nhận định FDI vào Việt Nam sẽ dần phục hồi và tăng trưởng do nhu cầu cấp thiết của chính sách “Trung Quốc+1” hiện nay và những doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp vẫn có triển vọng tăng trưởng khả quan trong trung hạn.
Chí Kiên
FILI
|