Chính thức loại sân bay Gia Lâm khỏi mạng sân bay dân dụng
Năm 2006, sân bay Gia Lâm (Hà Nội) được quy hoạch làm cảng hàng không dân dụng cấp 3C phục vụ nội địa kết hợp quân sự cho giai đoạn tới năm 2025, Bộ GTVT vừa có quyết định bỏ quy hoạch này, do hạn chế trong việc mở rộng và nằm giữa khu dân cư.
Từ nay, sân bay Gia Lâm chỉ phục vụ mục đích quân sự.
|
Bộ GTVT vừa ban hành Quyết định 528/QĐ-BGTVT về việc bãi bỏ Quyết định 980 ngày 28/4/2006, về việc quy hoạch tổng thể Cảng hàng không Gia Lâm giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025.
Theo quyết định cũ năm 2006, Cảng hàng không Gia Lâm đã được Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch tổng thể, với vai trò cảng hàng không nội địa cấp 3C và sân bay quân sự cấp II.
Tuy nhiên, do nhiều hạn chế, sân bay Gia Lâm không còn phù hợp với kế hoạch phát triển đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam và xu thế phát triển đội tàu bay trên thế giới.
Vì để có thể khai thác hàng không dân dụng, sân bay Gia Lâm sẽ phải kéo dài đường cất/hạ cánh để phục vụ các loại tàu bay cỡ lớn hiện nay. Trong khi, việc kéo dài đường cất/hạ cánh khó khả thi, không phù hợp với quy hoạch phát triển của Hà Nội và quy hoạch vùng Thủ đô.
Sân bay Gia Lâm cũng nằm trọn trong khu vực nội đô Hà Nội, nếu mở rộng để đón được tàu bay lớn hơn sẽ không đảm bảo môi trường tiếng ồn cho các khu dân cư đông đúc bên cạnh.
Trước đó, ngày 23/2/2018, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 236/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Quyết định này đã không còn Cảng hàng không Gia Lâm không còn nằm trong hệ thống cảng hàng không toàn quốc.
Thủ tướng giao Bộ GTVT thực hiện các thủ tục bãi bỏ quy hoạch tổng thể Cảng hàng không Gia Lâm đã duyệt để Bộ Quốc phòng quản lý theo hiện trạng.
Do đó, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 528, bãi bỏ quy hoạch năm 2006 của sân bay Gia Lâm.
Hiện tại, Cảng hàng không Gia Lâm do Quân chủng Phòng không không quân quản lý, đang khai thác bay quân sự, không có hoạt động bay dân sự.
Lê Hữu Việt
Tiền phong
|