Thứ Sáu, 05/06/2020 06:53

Cấp không 'đất vàng' cho doanh nghiệp

Như Thanh Niên số ra ngày 4.6 phản ánh, nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, trong đó có các dự án xã hội hóa, đã gây bức xúc dư luận địa phương là bởi được ưu ái một cách khó hiểu.

Cấp không 'đất vàng' cho doanh nghiệp
Hoang tàn Khu dịch vụ chất lượng cao. Ảnh: Phạm Anh

Nhập nhằng công - tư

Ông Nguyễn Hoàng Sơn, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết phần đất mà dự án (DA) xã hội hóa Khu dịch vụ chất lượng cao - Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai (khu vực đường Lê Hữu Trác - Hồ Đắc Di, TP.Quảng Ngãi), ông và lãnh đạo tỉnh cùng thời đã tốn rất nhiều công sức tạo ra quỹ đất này, để sau này có điều kiện sẽ mở rộng, phát triển BV công ở đây, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, phục vụ người dân.

Bản thân ông Sơn và lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi phải làm việc, thương lượng, đối thoại nhiều lần, thậm chí “năn nỉ” các gia đình có đất và phải đền bù xứng đáng, họ mới “nhường” khoảng 6.000 m2 cho BV. Thế nhưng không hiểu vì sao, khi lãnh đạo nhiệm kỳ trước nghỉ hưu, thì lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đương nhiệm lại đi cấp khu đất này cho doanh nghiệp làm DA xã hội hóa.

Điều đáng nói, khi mời nhà đầu tư, tỉnh Quảng Ngãi mới làm các động thái: bổ sung đất (đất đang được BVĐK tỉnh Quảng Ngãi quản lý) vào kế hoạch sử dụng đất năm 2017; bổ sung danh mục quy hoạch đất dành cho xã hội hóa...

Theo đó, DA nói trên được đầu tư theo lĩnh vực xã hội hóa, đơn vị đầu tư là Công ty CP Medika Investment Việt Nam và BVĐK tỉnh Quảng Ngãi. Hai đơn vị này cùng thành lập Công ty TNHH BVĐK quốc tế tỉnh Quảng Ngãi, cùng xây dựng DA Khu dịch vụ chất lượng cao trên đường Lê Hữu Trác - Hồ Đắc Di, diện tích 11.000 m2, vốn đầu tư 1.100 tỉ đồng, quy mô 14 tầng, 500 giường bệnh nội trú, 40 phòng khám, 10 phòng mổ... DA được miễn tiền thuê đất 49 năm (đến tháng 5.2066), được cấp sổ đỏ ngày 15.9.2017. Ngày 24.6.2017, DA này đã khởi công (lúc chưa được cấp sổ đỏ), dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ vận hành chính thức.

Quán Lava Casa Coffee & Tea trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi

Tuy nhiên vào đầu tháng 6.2020, khi đến thực địa DA này, PV Thanh Niên chứng kiến cảnh hoang tàn. Công trường là bãi cọc sắt, vật liệu xây dựng ở khắp nơi và không hoạt động xây dựng. Theo tìm hiểu, DA này chậm tiến độ với lý do chính là thiếu vốn. Hiện nhà đầu tư đã đầu tư hơn 100 tỉ đồng, nhưng số vốn đầu tư còn lại do không vay được ngân hàng nên DA phải dừng triển khai.

Theo ông Lê Thanh Đức, Tổng giám đốc Công ty CP Medika Investment Việt Nam (trụ sở P.6, Q.3, TP.HCM), sở dĩ không vay được vốn từ ngân hàng là do phải điều chỉnh pháp lý, làm rõ chủ thể vay vốn. Cũng theo ông Đức, nếu cùng góp vốn thành lập công ty thì đại diện của BVĐK tỉnh Quảng Ngãi phải cùng đi vay vốn ngân hàng, nhưng đại diện BV lại không chịu cùng đứng tên vay vốn.

Trong khi đó, lãnh đạo BVĐK tỉnh Quảng Ngãi cho rằng khi thành lập Công ty TNHH BVĐK quốc tế tỉnh Quảng Ngãi, trong hợp đồng nguyên tắc về hợp tác đầu tư có ghi rõ: BV góp 35% vốn điều lệ, tương đương 77 tỉ đồng, nhưng không bằng tiền mà bằng giá trị lợi thế vị trí, giá trị thương hiệu, giá trị đầu tư công trình chung, giá trị tài sản trên đất. Còn Công ty CP Medika Investment Việt Nam góp vốn 65%, chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư, kinh doanh, tài chính, hỗ trợ, quản trị trong quá trình đầu tư và vận hành khu dịch vụ chất lượng cao.

“Như vậy, việc vay vốn thì BVĐK tỉnh Quảng Ngãi không chịu trách nhiệm. Hơn nữa, nếu chẳng may Khu dịch vụ chất lượng cao hoạt động kém hiệu quả, ngân hàng thu hồi tài sản, thì vô tình đại diện BVĐK tỉnh Quảng Ngãi lại tiếp tay làm thất thoát tài sản nhà nước, cụ thể ở đây là 11.000 m2 đất công y tế”, một lãnh đạo BVĐK tỉnh Quảng Ngãi phân tích và cho biết thêm: “Làm công chức ăn lương nhà nước, không thể đứng ra đi vay kiểu này được”.

Cũng có ý kiến cho rằng nếu làm theo luật Đầu tư thì chủ DA phải đấu giá, mua dứt điểm khu đất để xây BV, chứ không nhập nhằng công - tư như đã nêu.

Theo tài liệu PV có được, khi nhà đầu tư triển khai DA trên đất BVĐK tỉnh Quảng Ngãi, thì có tài sản công gồm: nhà đại thể, phòng giám định pháp y diện tích 438 m2; khu xử lý nước thải 812 m2; nhà xe số 1 diện tích 1.311 m2; nhà xe số 2 diện tích 510 m2; bể chứa nước, bồn hoa diện tích 304,51 m2 và phần diện tích còn lại đã đầu tư hạ tầng. Đây là nhà, đất công sản nhưng Sở TN-MT tham mưu cho UBND tỉnh quyết định cho thuê đất; Sở Tài chính tham mưu xử lý tài sản trên đất và cơ sở hạ tầng, là sai quy định hiện hành.

Ông Nguyễn Hoàng Sơn cho biết thêm khi lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đương nhiệm cho triển khai DA xã hội hóa Khu dịch vụ chất lượng cao, ông có gọi điện hỏi thì lãnh đạo Sở Y tế và lãnh đạo BVĐK tỉnh Quảng Ngãi (thời điểm 2017) cho biết là không đồng tình. Thế nhưng DA vẫn triển khai và xảy ra những nhập nhằng đến bây giờ.

Cà phê Cổ Mộc nằm phía đông Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi

Giao “đất vàng”, miễn tiền thuê đất 49 năm

Từ cầu Thạch Bích đi hướng nam theo đường Chu Văn An (TP.Quảng Ngãi) có quán cà phê Hương Việt hoành tráng, mặt tiền hàng chục mét, chưa kể 3 mặt tiền còn lại. Vào bên trong quán, là khuôn viên xây dựng đẹp với nhiều cây cảnh thuộc diện “hàng hiệu”. Phía sau lưng quán, nhiều người ngạc nhiên vì phát hiện đây là công viên nên thắc mắc vì sao quán lại “mọc” trên đất công viên?

Theo tìm hiểu của PV, quán cà phê Hương Việt của Công ty CP Tiến Hưng, giám đốc là Nguyễn Quốc Việt (con của một lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã nghỉ hưu). Ngày 5.7.2017, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã ký Quyết định số 1246/QĐ-UBND chấp thuận cho Công ty CP Tiến Hưng đầu tư dự án xã hội hóa “Công viên cây xanh kết hợp dịch vụ văn hóa, thể thao đa năng” trên khu đất có diện tích hơn 4.500 m2, thuộc P.Trần Phú (TP.Quảng Ngãi). DA này có tổng vốn 14 tỉ đồng, được cấp sổ đỏ và miễn tiền thuê đất 49 năm.

Thế nhưng, DA này lại không nằm trong quy hoạch đất xã hội hóa (giai đoạn 2013 - 2020) của tỉnh. Có điều như nhiều DA khác, UBND tỉnh Quảng Ngãi lại thống nhất bổ sung ngay sau đó. Theo Quyết định số 638/QĐ-UBND ngày 12.9.2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi, khu đất này cho phép doanh nghiệp đầu tư khu vui chơi giải trí công cộng, gồm: khu chức năng sử dụng vào mục đích công cộng 3.618 m2; khu chức năng sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh là 904,5 m2. Tuy nhiên, bước vào đây thì các khu chức năng phục vụ giải trí, thể thao... bị “lép vế” bởi các hoạt động dịch vụ kinh doanh cà phê giải khát.

Một cán bộ của ngành văn hóa cho biết tương tự khu “đất vàng” của cà phê Hương Việt, tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi (đường Lê Trung Đình, TP.Quảng Ngãi), UBND tỉnh đã cấp 5.000 m2 đất cho Công ty CP đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương thuê để xã hội hóa DA Trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi trong vòng 49 năm.

Tại đây, công ty này cũng có trưng bày văn hóa, nhưng người dân ở TP.Quảng Ngãi đều biết trưng bày chỉ là phụ, còn cái chính là ở 2 quán cà phê: Lava Casa Coffee & Tea và quán cà phê Cổ Mộc, “mọc” hoành tráng trên khuôn viên Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi.

Theo vị cán bộ này, quán cà phê Cổ Mộc phía đông Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, nay đã chuyển hẳn công năng sang quán dịch vụ cà phê, giải khát. Thực chất, “đất vàng” này vốn là nơi một cá nhân ở TP.Quảng Ngãi viết đơn xin đất để dựng một nhà rường, sau đó không hiểu vì sao tỉnh Quảng Ngãi chuyển cho Công ty CP đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương sử dụng. Thời gian qua, báo chí phản ánh, người dân bức xúc nhưng vẫn đâu lại vào đấy, bình chân như vại.

“Chạy” quy hoạch theo nhà đầu tư

Theo tài liệu mà PV có được, quá trình thanh tra 21 DA xã hội hóa trên địa bàn tỉnh, ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi phát hiện có 3 DA nằm trong danh mục quy hoạch xã hội hóa; 18 dự án không nằm trong danh mục, trong đó có 7 DA đã được phê duyệt bổ sung các quy hoạch. Theo cơ quan chức năng, do các sở, ngành, huyện, TP ở đây thiếu phối hợp, thiếu công khai, minh bạch, lựa chọn nhà đầu tư các DA xã hội hóa, nên khi kêu gọi đầu tư thì chạy theo yêu cầu của doanh nghiệp, các nhà đầu tư, phải bổ sung, cập nhật cục bộ từ quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất và bổ sung kế hoạch sử dụng đất...

Phạm Anh

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Bí thư TP.HCM: Xây dựng không phép ở Bình Chánh phức tạp do 'không xử lý đến cùng' (04/06/2020)

>   'Loạn quy hoạch' làm biến dạng đô thị: Virus cần phải loại bỏ tận gốc (04/06/2020)

>   Điều gì tạo nên sự khác biệt của CenLand? (04/06/2020)

>   Tại sao các dự án 'xã hội hóa' ở Quảng Ngãi gây bức xúc? (04/06/2020)

>   Novaland với ma trận sản phẩm và chiến lược ‘kiềng ba chân’ tạo sóng trên thị trường bất động sản (03/06/2020)

>   Không quản được, cấm phân lô bán nền? (03/06/2020)

>   Giới bất động sản 'phản ứng' dự thảo quy định cấm phân lô bán nền (03/06/2020)

>   Nhà xưởng hơn 100 tỷ đồng xây không phép (02/06/2020)

>   Bán hạ giá khoản nợ hơn 500 tỷ của chủ đầu tư dự án căn hộ ở quận 12 (02/06/2020)

>   Đảo ngọc Phú Quốc đã bị 'băm nát' như thế nào?: Đặt vấn đề có tay trong (02/06/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật