Việt Nam không cần là “điểm nóng” mà cần là "điểm đến" của FDI. Và điều quan trọng nhất hiện nay không phải là nắm bắt cơ hội mà là thiết kế một chiến lược đúng đắn, để trong tương lai có thể tự tạo được nhiều cơ hội hơn, có nền tảng vững chắc hơn trước những cú sốc bất ngờ.
Các doanh nghiệp FDI hiện nay sử dụng khoảng 80% lao động có trình độ thấp và hơn 73% lao động dưới 35 tuổi. Ảnh minh họa Quốc Hùng.
|
Đến nay, khi Việt Nam đã có thể nghĩ đến câu chuyện khôi phục nền kinh tế, thu hút FDI và hoạch định chiến lược trong thời gian tới sau đại dịch Covid-19 thì rất nhiều nước trên thế giới vẫn loay hoay tìm cách khống chế dịch.
Không là mục tiêu, phải là hệ quả
Trong những năm đầu của thế kỷ 20, Argentina đã từng đứng trong top đầu những quốc gia giàu nhất thế giới. Kể từ 1930, đất nước này liên tiếp rơi vào vòng xoáy khủng hoảng thể chế, kinh tế và tính đến nay đã 7 lần vỡ nợ.
Khi Singapore tách khỏi Malaysia, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã phải khóc trước nhân dân vì tương lai mịt mù của đất nước với 10% thất nghiệp, nhà ở thiếu thốn, đất đai, tài nguyên hạn hẹp. Tuy nhiên, trong ba mươi năm tiếp theo, nước này từng bước tích luỹ thể chế, chính sách, con người, công nghệ và sau đó vươn lên thành nền kinh tế hùng mạnh không chỉ ở Đông Nam Á mà so với toàn thế giới.
Trong khoảng 10 năm từ 1985 đến 1995, các nước Đông Á và Đông Nam Á cũng có những chính sách thu hút FDI mạnh mẽ và đạt được những thành quả kinh tế thần kỳ.
Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 xảy ra, hiện tượng “dừng đột ngột” của các dòng đầu tư nước ngoài đã khiến các nước này chịu ảnh hưởng nặng nề, nổi cộm là các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia, với tổng sản lượng quốc gia (GNP) tính theo đô la Mỹ giảm từ 35 đến 80%.
Như vậy khi nhìn vào lịch sử, con đường phát triển của mỗi quốc gia đều đi qua rất nhiều những cơ hội “vàng” cũng như chịu nhiều cú sốc khủng hoảng.
Như Giáo sư Trần Văn Thọ, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, đã viết, Việt Nam cũng đã bỏ qua hai cơ hội vàng để phát triển vượt bậc và đang đứng trước cơ hội vàng lần thứ 3 do Covid-19 tạo ra.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất hiện nay không phải là nắm bắt cơ hội này, mà là thiết kế một chiến lược đúng đắn để trong tương lai có thể tự tạo được nhiều cơ hội hơn, có nền tảng vững chắc hơn trước những cú sốc bất ngờ.
Trong lịch sử cận đại, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã trải qua những giai đoạn phát triển vượt bậc nhờ thu hút nguồn vốn nước ngoài mà chúng ta có thể tham khảo, ví như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan những năm giữa và cuối thế kỷ 20 khi dòng vốn quốc tế tìm kiếm thị trường mới. Hay xa hơn nữa là Mỹ trong những năm cuối thế kỷ 19 khi làn sóng đầu tư từ châu Âu tràn vào cùng làn sóng nhập cư.
Những quốc gia này và sự thu hút FDI thần kỳ của họ đều có một điểm chung rõ rệt là sự tích luỹ về thể chế, mạnh dạn về chính sách và sự đầu tư dài hạn không ngừng nghỉ vào nguồn nhân lực. Trên nền tảng tích luỹ đó, họ xây dựng nên những môi trường đầu tư kinh doanh bền vững, trong sạch, làm điểm đến hấp dẫn cho công nghệ, tri thức và dòng vốn của toàn cầu.
Từ khi đất nước mở cửa vào năm 1986, Việt Nam đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư quốc tế nhưng từ đó đến nay, chúng ta vẫn chưa được biết đến với một môi trường kinh doanh tối ưu. Trong khi tích cực thu hút FDI bằng đất rẻ, thuế ưu đãi và nhân công phổ thông, Việt Nam dần lộ ra những điểm yếu mấu chốt về chiến lược như không có tầm nhìn dài hạn, chính sách không nhất quán, chồng chéo và quản lý hành chính nặng nề về thủ tục, rườm rà, không minh bạch.
Với chiến lược dài hạn, đúng mục tiêu, Việt Nam sẽ tự tạo ra rất nhiều cơ hội để đón những làn sóng FDI tương lai. Ảnh Quốc Hùng.
|
Hơn thế nữa, chúng ta không có nguồn nhân lực trình độ cao để thích nghi, đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của giới đầu tư.
Thực trạng thu hút FDI của Việt Nam, cũng vì thế, mới chỉ đạt về lượng, chưa đạt về chất. Có những doanh nghiệp FDI vào và để lại nhiều hậu quả về môi trường nghiêm trọng, ví dụ như Formosa Hà Tĩnh. Có những doanh nghiệp vào và sản xuất rất nhiều ở Việt Nam, nhưng sự tích hợp với chuỗi cung ứng trong nước gần như không có, ví dụ như Samsung hay Foxconn.
Có những doanh nghiệp FDI lại lách luật, chuyển giá, trốn thuế. Có những doanh nghiệp FDI tham gia hối lộ, mua chuộc cán bộ để được hưởng những ưu đãi vượt trội, ví dụ như cách hãng sản xuất nhựa Tenma đã khai báo ở Nhật.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp FDI hiện nay chủ yếu tạo ra việc làm không bền vững khi khoảng 80% lao động họ đang sử dụng có trình độ thấp và hơn 73% lao động dưới 35 tuổi. Việt Nam sẽ có gì nếu một ngày dòng vốn FDI “dừng đột ngột” như đã xảy ra ở châu Á năm 1997, hay các doanh nghiệp FDI ra đi tìm địa điểm mới như họ đang làm với Trung Quốc?
Nếu chúng ta tiếp tục coi việc thu hút FDI là mục tiêu, đặc biệt là mục tiêu ngắn hạn, thực trạng này sẽ còn tiếp tục trong tương lai. Thu hút FDI, vì vậy, nên là một chuỗi của một chiến lược tổng quan, tầm nhìn dài hạn. Việt Nam không cần là “điểm nóng” thu hút FDI, mà cần là điểm đến đương nhiên của FDI như Mỹ, khối Liên minh châu Âu - EU, Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông…
Hiện thực hóa chiến lược 10 điều
Để làm được điều đó, phát triển môi trường kinh doanh phải là mục tiêu hàng đầu, hiện thực hoá qua chiến lược 10 điều.
Thứ nhất, Chính phủ cần chú trọng xây dựng và duy trì môi trường chính trị cởi mở, hành động, kiến tạo. Thứ hai, kinh tế vĩ mô cần ổn định.
Thứ ba, các thủ tục kinh doanh, thủ tục hành chính cần được tối giản, khuyến khích sự năng động, sáng tạo của doanh nghiệp.
Thứ tư, các chính sách đối với doanh nghiệp cần được phát triển theo hướng công bằng, tự do và tôn trọng sự cạnh tranh lành mạnh. Thứ năm, chính sách đối với đầu tư nước ngoài cần rõ ràng, có các tiêu chí, tiêu chuẩn phù hợp với mặt chung của thế giới, đảm bảo an toàn, chất lượng về mặt công nghệ và môi trường.
Thứ sáu, chính sách ngoại hối và ngoại thương cần có sự ổn định. Thứ bảy, hệ thống thuế phải minh bạch và đơn giản.
Thứ tám, thị trường tài chính cần có sự liên thông, hội nhập quốc tế. Thứ chín, nguồn nhân lực cần có sự đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao trình độ, tay nghề. Và thứ mười là cơ sở hạ tầng phải đảm bảo kết nối, hiện đại.
Những chính sách thu hút FDI ngắn hạn, ví dụ việc thành lập tổ công tác đặc biệt để xúc tiến đầu tư hay các chính sách ưu đãi thuế, đất, sẽ chủ yếu để nhằm để quảng bá, nhấn mạnh, hoặc như chất xúc tác ban đầu cho kết quả của bộ chiến lược 10 điều ở trên.
Với chiến lược dài hạn, đúng mục tiêu, Việt Nam sẽ tự tạo ra rất nhiều cơ hội để đón những làn sóng FDI tương lai mà sẽ không phụ thuộc vào chúng.
TS. Nguyễn Xuân Hải